.
Đối thoại một mình

Chuyện nhặt ở quán cà phê

Tôi có thói quen là mỗi sáng, trước giờ làm việc, thường cùng với mấy người bạn nhâm nhi ly cà phê nóng tại một quán cóc vỉa hè. Ngoài việc thưởng thức vị ngon của ly cà phê, còn có cái thú là đọc đủ loại báo, với những tin tức nóng hổi nhất đầu tiên trong ngày. Và thú vị hơn là được nói, được nghe đủ thứ chuyện trên trời dưới đất. Trong những lúc trải lòng một cách thoải mái giữa những người thân quen như vậy, tôi cũng “nhặt” được vài mẩu chuyện mà mình cho là có thể kể ra đây để mọi người suy ngẫm.

Chuyện thứ nhất là chuyện “Luân chuyển cán bộ” ở... lớp 1: Sự thể là như thế này, nhân chuyện lo cho con cái đến tuổi đi học, được vào học trong những trường chất lượng như Phù Đồng, Phan Thanh..., một “anh bạn cà phê” của tôi kể lại chuyện có thật ở Trường tiểu học Lý Công Uẩn, quận Hải Châu, nơi mà đứa con mình đang học. Nhà trường có một lớp 1 mà phụ huynh nào có con được vào học cũng đều thấy rất yên tâm do phương pháp dạy và sự tận tình chu đáo của một cô giáo ở đây. Chắc là chưa có ở đâu, lại có chuyện, cô giáo chủ nhiệm cứ 2 tuần lại cho học trò của mình được làm Tổ trưởng một lần. Cứ như vậy, lần lượt các học sinh trong lớp đều ít nhất một lần được làm “cán bộ”. Điều đó làm các em chững chạc, tự tin hơn.

Em nào quậy phá, nghịch ngợm, sau khi được làm cán bộ cũng nghiêm túc trở lại. Buổi trưa, mặc dù đã có người phụ trách chuyện ăn ngủ của các em nhưng cô giáo này vẫn ở lại đến khi các em ăn xong đi ngủ rồi mới ra về. Giáo viên có phương pháp sư phạm, lại tâm huyết, làm cho học sinh thấy thích khi đến lớp, phụ huynh thì yên tâm, cũng không phải tốn kém gì ngoài chuyện đóng các khoản theo quy định. Anh bạn tôi kết luận: nào đâu phải là những trường “có thương hiệu” mới “ngon” mà chỉ một trường “khiêm tốn” như ngôi trường trên, cũng có những lớp có chất lượng, những giáo viên có trách nhiệm và tâm huyết. Nếu ai cũng hiểu được như vậy thì đâu phải “lao tâm khổ tứ” với chuyện “chạy” trường, chạy lớp mỗi khi có con em mình đến tuổi đi học. Ngành giáo dục cũng nên phát hiện, tôn vinh những cách làm hay, những tấm gương dạy tốt để nhân rộng, nhân điển hình trong mỗi trường, mỗi địa phương.

Chuyện thứ hai là chuyện quảng bá, giới thiệu về Đà Nẵng trên đài truyền hình địa phương vào ban đêm. Một “anh bạn cà phê” khác nêu băn khoăn việc sao Đà Nẵng có hai đài truyền hình mà lại không thấy có chương trình giới thiệu về thành phố vào cái giờ mà du khách sau khi thăm thú về sẽ bật tivi để giết thời gian trước khi đi ngủ. Theo anh bạn tôi thì một vài người bạn từ địa phương khác đến du lịch Đà Nẵng, muốn tìm hiểu thêm về thành phố, muốn biết ở đâu có món ăn ngon, cảnh đẹp, bãi biển sạch, mua sắm ở đâu, v.v... mà không phải lúc nào cũng được đáp ứng ngay.

Theo họ thì ở Hà Nội hay Nha Trang, không ít người sáng hôm sau đã tìm được địa chỉ của một vài quán ăn ngon, một điểm tham quan, một gian triển lãm tranh... nhờ xem được chương trình giới thiệu về địa phương trên truyền hình vào giờ khuya. Bạn tôi thắc mắc, sao Đà Nẵng không làm được như vậy? Thói quen của nhiều du khách cả trong và ngoài nước là khi đến một nơi nào đó, thường mở ti vi xem truyền hình của địa phương đó. Nếu Đà Nẵng quan tâm cho phát nội dung đó vào những giờ nhất định lúc trước nửa đêm, chắc chắn sẽ thu hút được nhiều du khách đến thăm Đà Nẵng hơn.

Nhân chuyện này, tôi chợt nghĩ, thành phố mình, muốn giới thiệu với bạn bè gần xa, muốn người ta lưu luyến mỗi lần đến nơi này, đến một lần lại muốn đến lần nữa thì phải cần có nhiều cách để tạo ấn tượng cho du khách, chẳng hạn như cái việc phát hình giới thiệu về thành phố đến tận mọi “ngóc ngách” trong một thời điểm nhất định mà nhiều người có thể đón xem, như ý kiến của anh bạn tôi.

Kể ra đây 2 mẩu chuyện nhỏ trên để thấy rằng cuộc sống thật muôn màu muôn vẻ và trong đó những gam màu sáng rất dễ bắt gặp ở mọi lúc mọi nơi. Điều đó làm cho ta thấy thêm yêu và tự hào về thành phố mình, về những con người Đà Nẵng luôn nặng lòng với quê hương.

DÂN HÙNG

;
.
.
.
.
.