.
Giáo sư Hoàng Châu Ký

Cánh chim không mỏi vì sân khấu dân tộc

.

Cục Nghệ thuật biểu diễn, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc vừa tổ chức tọa đàm với chủ đề “Giáo sư Hoàng Châu Ký và Nghệ thuật Tuồng Việt Nam” tại Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh với sự tham gia của gần 200 nhà nghiên cứu khoa học, nghệ sĩ tên tuổi, đạo diễn, nhà phê bình sân khấu trong cả nước. Sau đề dẫn của Giáo sư Hoàng Chương, đã có 24 tham luận được trình bày.

GS Hoàng Châu Ký và Đại tướng Võ Nguyên Giáp (ảnh chụp từ tư liệu).  

Giáo sư Trần Văn Khê dù không đến dự, đã nhớ đến “người bạn ít gặp, nhưng rất thân” Hoàng Châu Ký với những dòng đầy cảm xúc: Hoàng Châu Ký vừa là một nhà lý thuyết nghiêm túc, lại là một nghệ sĩ nắm vững tay nghề, một người thầy dạy có sức thuyết phục người nghe. Vì công việc làm và môi trường sống khác nhau, anh em ít có dịp gặp nhau thường xuyên, nhưng đối với tôi, Giáo sư Hoàng Châu Ký là một người bạn rất thân, tri âm tri kỷ... mà tôi đã may mắn được gặp...”.
Đánh giá về sự nghiệp của cố Giáo sư Hoàng Châu Ký, các tham luận đều nêu bật tên tuổi của ông gắn liền với nghệ thuật Tuồng cách mạng như con chim đầu đàn hơn nửa thế kỷ qua. Ông có công đặt nền móng cho sự phục hồi và phát triển nền sân khấu Việt Nam (cả dân tộc và hiện đại), như một người thợ cả cần cù, dành hết thời gian và tâm huyết cho sự nghiệp bảo tồn và phát huy nghệ thuật dân tộc. Ông là người mở lối khai thông trên tất cả các lĩnh vực sưu tầm nghiên cứu, sáng tác, chỉnh lý kịch bản, đào tạo đội ngũ và giáo dục thẩm mỹ nghệ thuật...

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình An cho rằng, Giáo sư Hoàng Châu Ký có một “hoạn lộ” khá hanh thông và sớm sủa ngay từ năm 16 tuổi, nhưng ông đã chọn một lối rẽ khác (là nghệ thuật) mà cho đến cuối đời ông thường nói vui “nếu phải đi trở lại, tôi vẫn đi đường này!”. Đi theo con đường nghệ thuật đó, cố Giáo sư Hoàng Châu Ký không chỉ nghiên cứu, sáng tác, ông còn có công đào tạo nhiều thế hệ học trò mà đến nay đã là những nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú, là các giáo sư, tiến sĩ nổi tiếng trong ngành nghệ thuật. Cố nhà thơ Huy Cận từng cho rằng “hạnh phúc cho cả dân tộc khi chúng ta có một người bảo vệ cho nghệ thuật dân tộc như anh Ký!”. Giáo sư Vũ Khiêu với một tham luận sâu sắc cho thấy những tác phẩm và công trình nghệ thuật của Hoàng Châu Ký đã giúp ông hiểu sâu sắc hơn cái uyên thâm của nghệ thuật dân tộc và cả lịch sử một vùng đất như Quảng Nam, là quê hương của Giáo sư Hoàng Châu Ký. Ông kết luận: “Giáo sư Hoàng Châu Ký là người đã đem đến cho tôi những cảm xúc sâu sắc và những suy nghĩ tốt đẹp về quá khứ, hiện tại và tương lai của Tuồng Việt Nam”.

Không chỉ hoạt động tại Hà Nội, Quảng Nam hay Đà Nẵng, từ sau ngày thống nhất đất nước, Giáo sư Hoàng Châu Ký còn sang đến Pháp nghiên cứu các tuồng cổ trong di sản Hán Nôm, tham gia giảng dạy nghệ thuật sân khấu ở các trường đại học, các nhà hát và các hội thảo ở TP. Hồ Chí Minh, Bình Định, Hà Nội. Tại Huế, theo Giám đốc Nhà hát Cung đình Huế, đạo diễn Trương Tuấn Hải: “Giáo sư Hoàng Châu Ký đã làm đề án lập Nhà hát Cung đình với đầy đủ các bộ môn nhạc, múa, tuồng cung đình từ năm 1997. Đặc biệt với việc trùng tu Duyệt Thị Đường, ông nhất quyết bảo vệ giữ lại một di sản kiến trúc đặc thù xây dựng từ thế kỷ 19 vốn đã là sân khấu 3 mặt là một thuật ngữ của ngành khác với sân khấu hộp hiện nay.

Một tham luận mang tính kinh viện của tiến sĩ Cát Linh lại đề cập đến tài năng trong các sáng tác của nhà viết kịch bản Hoàng Châu Ký. Đó là những cách tân về tâm lý và hành động kịch của nhân vật, giảm các nghi thức rườm rà trong tuồng cổ. Ông lại là người tập trung trau chuốt ngôn ngữ sân khấu vừa dung dị và sôi động về hình ảnh, kết cấu câu thoại ngắn gọn để tiếp cận dễ dàng hơn với khán giả đương đại...

Một Hoàng Châu Ký là “nhà sân khấu học có phông văn hóa rộng” đã được Giáo sư Hồ Sĩ Vịnh nhấn mạnh trong tham luận của mình. Giáo sư Vịnh cho rằng “Giáo sư Hoàng Châu Ký đã về cõi tiên nhưng nói đến sự nghiệp của ông với hơn 60 năm sáng tạo không ngừng, tôi ví ông như một cánh chim không mỏi trên nền trời bao la của nghệ thuật dân tộc”.
Chuẩn bị tới ngày giỗ năm thứ 2 của cố Giáo sư Hoàng Châu Ký, con trai trưởng của ông, nhà thơ Hoàng Trọng Dũng sửa soạn lại bức liễn “Tiếc thương Thầy Tuồng” do Hội Bảo trợ nghệ thuật Tuồng Đà Nẵng viếng hai năm trước, lưu lại trên bàn thờ của ông. Anh Dũng giải thích: “Lúc sinh thời, ông cụ không màng đến mọi danh hiệu, chức tước và ông vẫn thích được gọi là một Thầy Tuồng!”. Nhớ lại chi tiết ấy trong lúc nghe các phát biểu tôn vinh ông trong cuộc tọa đàm, tôi cho rằng, ông sẽ mãi thanh thản với những gì mình đã cống hiến cho đời.

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG

;
.
.
.
.
.