.

Hương vị ngày xuân

.

Hơn một tuần nay, tối nào ông Đặng Khôi (83 tuổi), thôn Túy Loan Đông, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang cũng bắc ghế ra ngồi ngắm cây mai đang còn e ấp từng chùm búp non mơn mởn, chờ tiết trời vào xuân sẽ tung sức khoe sắc vàng. Bà Phạm Thị Lập (76 tuổi), vợ ông cũng dần dọn dẹp nhà trên cửa dưới, chuẩn bị đón nàng xuân đang gõ cửa khắp thôn làng.

Trong những bữa tiệc đón Tết, cúng Tất niên diễn ra không kém phần long trọng.  

Trong trí nhớ của ông Khôi, cứ đến tầm 20 tháng chạp, từ xóm dưới, làng trên, mọi người đua nhau rang gạo, chuẩn bị xay bột, làm bánh trong tiếng cười nói, nô đùa của trẻ con. Câu chào đầu tiên mọi người khi gặp nhau thường là: “Nhà ông (bà) đã chuẩn bị Tết đến mô rồi?”. Sự quan tâm pha lẫn chút tò mò ấy làm ấm thêm tình làng, nghĩa xóm. Lúc này, chẳng cần nói nhưng ai cũng biết, không khí Tết Nguyên đán đã bắt đầu lan tỏa đến mọi nhà. Ngoài sân, cây mai đã bắt đầu hé những nụ hoa vàng, tỏa hương thơm dìu dịu.

Để đón một cái Tết trọn vẹn, nhiều gia đình bắt tay vào việc chuẩn bị. Đàn ông con trai lo việc sơn quét, trang hoàng nhà cửa, lau chùi bàn thờ, đánh bóng lư đèn, sửa sang chậu hoa... Đàn bà, con gái ngoài việc tổng vệ sinh chăn màn còn lo chuyện bếp núc, làm một số bánh mứt đãi khách hay dầm dưa món, dự trữ lương thực trong những ngày du xuân.

Mừng năm mới, điều mọi người chú ý đầu tiên là bàn thờ gia tiên. Thông thường, bàn thờ được đặt ở nơi cao ráo, sạch sẽ và trang trọng nhất. Không chỉ nhớ về nguồn cội, nhân dân ta còn coi tổ tiên chính là các vị thần linh luôn ở bên cạnh để phù hộ, độ trì cho con cháu. Trên mâm ngũ quả lúc này thường gồm năm loại quả mà tên gọi có ý cầu mong một điều gì đó như Mãng Cầu (cầu chúc cho mọi điều đều như ý); Dừa (âm "dừa" tương tự như là "vừa"); Sung (gắn với cách nghĩ sung mãn về sức khỏe hay tiền bạc); rồi Đu Đủ (với mong muốn một năm mới được đầy đủ, thịnh vượng). Ngoài ra còn có Xoài (cầu mong tiêu xài không thiếu thốn). Ngày nay, tùy theo khả năng thẩm mỹ của nhiều người mà mâm ngũ quả còn được chen thêm nhiều loại quả khác để cho thêm phần đẹp mắt, chẳng hạn như Dưa Hấu, Táo, Đào Tiên, Quýt, Nho ...

Năm hết Tết đến, hầu như nhà nào cũng có vài cụm hoa vạn thọ hay thược dược. Trong ký ức của bạn Trần Kim Huy, sinh viên Khoa Tiếng Trung, Đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng, cứ mỗi năm vào độ cuối thu nơi góc vườn cũ, mẹ Huy thường để lại một khoảng đất trống để gieo hạt giống hoa vạn thọ. Bởi theo bà, chưng hoa vạn thọ trong những ngày Tết là để cầu mong gia đình, con cháu được khỏe mạnh, sống lâu trăm tuổi. Hơn nữa, hết 3 ngày Tết Nguyên đán đến Tết Nguyên tiêu, những bông hoa vạn thọ vẫn còn tươi thắm, trong khi nhiều loài hoa khác đã rũ cánh úa tàn.

Là một người chuyên trồng hoa, ông Trương Thế Hợi, tổ 8, phường Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ cho biết, bây giờ, nhiều người ở thành phố thường ít mua hoa vạn thọ bởi trông nó hơi “quê quê”. Có lẽ do nhu cầu thị trường không có, nên nhiều người trồng hoa cũng dần lãng quên loại hoa này. Chỉ còn một số nhà trồng đôi, ba chậu để chơi Tết.

Trong không khí đó, đêm 22, rạng sáng 23 tháng Chạp, mọi người chuẩn bị để đưa ông Táo về trời. Người xứ Quảng không rườm rà nghi lễ như xứ Huế. Chỉ cần trên bàn bày đủ hương đèn, cau trầu, rượu, đài nước, một số bánh trái… là có thể đưa ông Táo về trời sau một năm xuống trần phù hộ cho gia chủ. Trong ngày này, nhiều người theo đạo Phật còn thực hiện phong tục phóng sinh.

Một điều không thể thiếu để tạo nên không khí ngày xuân là chợ hoa. Sau 23 tháng Chạp, hoa bắt đầu được bày bán khắp nơi… Dưới nắng ấm, hoa mai, hoa đào, nụ tầm xuân, lay-ơn, hoa cúc, hoa đồng tiền, hoa thược dược với nhiều màu sắc, cùng hàng hàng lớp lớp các loại chậu cảnh khác… Bên cạnh sắc hoa rực rỡ, từng chậu quất với đủ loại kiểu dáng cũng đua nhau khoe những chùm quả chín vàng, mang ý nghĩa của sự sung túc. Phố xá lúc này khá đông đúc, nam thanh nữ tú thích thú nắm tay nhau đi dạo chợ hoa.

Bên cạnh việc bài trí bàn thờ đẹp, đúng phong tục người Việt, ở phòng khách, nhiều gia đình còn trang trí bằng nhành hoa mai bởi quan niệm, hoa mai mang linh hồn của mùa xuân. Thường thì lúc này, người ta hay đi chợ hoa kết hợp với mua sắm, nhà giàu cũng như nhà nghèo đều có thể lựa chọn những thứ cần thiết, phù hợp với túi tiền và sở thích của gia đình mình. Nhiều người còn đến với chợ hoa không phải là mua sắm mà chỉ là đi dạo phố phường để hưởng không khí ngày xuân. Mua hoa ngày Tết không dễ chút nào, bởi có rất nhiều loại để mình lựa chọn và giá thành cũng rất khác nhau. Hơn nữa, việc bài trí bàn thờ ngày Tết rất quan trọng nên hoa mua phải tươi, đẹp và phù hợp với thuần phong mỹ tục.

Chăm sóc cây mai chuẩn bị đón Tết là niềm vui không của riêng ai.  

Cũng theo ông Khôi, không như miền Bắc có tục nấu bánh chưng, người xứ Quảng quây quần bên bếp than hồng để canh nồi bánh tét. Bánh thường được nấu xong trước giờ cúng tất niên, khoảng 28-29-30 tháng Chạp. Bánh còn nghi ngút khói được người lớn bày ngay lên bàn thờ gia tiên, thể hiện truyền thống “uống nước nhớ nguồn”. Tuy nhiên, cũng có một số gia đình cúng tất niên từ rất sớm. Ngày tất niên là ngày gia đình cùng quây quần bên mâm cỗ nhỏ để đưa tiễn năm cũ và chuẩn bị đón một năm mới. Không khí của gia đình dường như ấm cúng hơn hẳn ngày thường. Người xứ Quảng rất tự nhiên trong mọi nghi lễ, ông bà cha mẹ, con cháu cùng ngồi một mâm, không phân biệt thứ bậc.

Sau giấc ngủ ngắn đầu năm, sáng mồng một Tết, mọi người trong gia đình mặc những bộ quần áo đẹp nhất, cùng nhau đi viếng mộ ông bà, người thân, thắp nén hương thành kính, tưởng niệm những người đã mất. Đó là đạo lý của người Việt Nam. Trẻ con trong ngày Tết thường được người lớn lì xì với ý nghĩa chúc sức khỏe, may mắn và hạnh phúc cho con cháu.

Nhiều thế hệ trôi qua, quan niệm và cách thức thờ phụng tổ tiên của người Việt Nam cũng đã có nhiều thay đổi, nhưng đạo nghĩa lớn nhất thì vẫn giữ nguyên. Người Việt Nam coi việc thờ phụng tổ tiên là cách thể hiện sự hiếu thuận và lòng biết ơn của con cháu đối với các bậc sinh thành. Trong không khí đó, năm cũ đã khép lại, để mở ra một năm mới với nhiều hy vọng trong tương lai.

Ghi chép của TIỂU YẾN

;
.
.
.
.
.