.

Lấp lánh tâm hồn Nga

.

Đã lâu lắm rồi không được xem phim Nga ngoài rạp, xem trên truyền hình thì lại càng hiếm! Chính vì thế, khi nhận được thông tin sẽ có tuần lễ phim Nga tại Đà Nẵng, Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Đà Nẵng đã đón đầu sự kiện này, tham gia vào công việc hiệu đính bản dịch tiếng Việt, thuyết minh, giới thiệu đến người xem truyền hình các tác phẩm điện ảnh đã được chọn lọc *. Càng thú vị hơn những người tham gia khâu tổ chức hậu kỳ, quảng bá cho tuần lễ phim Nga lại là những người có tấm lòng thủy chung với nước Nga, từng đau thắt lòng trước những đổi thay chính trị ở nước Nga.

Tác giả (phải) đang chuẩn bị cho công việc thuyết minh trong tuần lễ phim Nga tại Đà Nẵng.

Còn nhớ, một thời, người ta đến với điện ảnh Xô viết dù chỉ là những thước phim đen trắng, nhưng đã không thể không rơi nước mắt vì xúc động: Khi đàn sếu bay qua. Mười bảy khoảnh khắc của mùa xuân, Bài ca người lính…Giờ đây, là những thước phim được sản xuất với công nghệ làm phim mới, ê kíp làm phim mới, diễn viên tài năng, đạo diễn xuất sắc. 4 bộ phim là minh chứng sự hồi sinh mạnh mẽ của điện ảnh Nga.

Hiện, mỗi năm, Nga sản xuất hơn 100 bộ phim. Bên cạnh thể loại phim chiến tranh- niềm tự hào của điện ảnh Nga, là thể loại phim khai thác các chủ đề tình cảm, nghệ thuật, chủ đề thanh niên Nga thế kỷ XXI…

Phim “ Ngôi sao” như một khúc ca bi tráng về chủ nghĩa anh hùng cách mạng của cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại. Nhạc phim có gì đó vừa da diết, vừa sâu lắng, khiến tôi có cảm giác rất thực, giọng nghẹn lại… không thể nói thay lời thoại dù chỉ một từ ”em yêu anh” của điện báo viên Natasha tự nói với mình như thể nói với tiểu đội trưởng trinh sát trước giờ ra trận. Những đôi mắt đẹp mê hồn nhìn nhau da diết. Họ biết, họ sẽ không thể gặp lại nhau.

Những người yêu đất nước Xô Viết như tôi không có dịp quay lại nơi này sau nhiều năm, sẽ hoàn toàn kinh ngạc khi thấy những điều mà hồi trước chúng tôi không sao thấy được trong suốt những năm tháng chúng tôi ở Liên Xô: Cảnh các cậu bé, cô bé cầu bơ cầu bất, những cư xử thiếu nhân tính giữa con người với con người (phim: Spartac và Kalashnikov); những gã đầu trọc với chữ thập ngoặc một thời kinh tởm trên da thịt (phim Chúng tôi đến tù tương lai).

Giữa tuyết gió mù mịt, trong một hốc tuyết đọng giữa các dầm cầu thép, bắc qua sông Đa-nuyp, hình ảnh một bà cụ già khô quắt – gợi lại hình ảnh của mụ phù thủy trong phim Chiếc bật lửa thần ngày nào- ngồi thu lu trong đó, chìa tay xin từng đồng xu lẻ từ những chiếc xe con chạy chầm chậm trên cầu khiến tôi bật khóc cho những giá trị nhân văn bị xói mòn, cho cảm giác xót xa của một vùng đất mênh mông đã từng là thiên đường cho lưu học sinh Việt Nam những năm 70 và 80, thậm chí 90 của thế kỷ trước. Liệu bà gác-dan nhân hậu nơi ký túc xá tôi xưa có qua nổi những ngày đông khắc nghiệt vì lạnh, hoặc tệ hơn vì đói? Thương lắm, cảnh cô bé Kuka lẽ ra phải là đối tượng được chăm sóc đặc biệt chu đáo trước đây – nay một mình tự lập cuộc sống trong căn nhà gỗ giữa lòng thành phố Sant- Pertecpua lộng lẫy (phim Kuka).

Đó chỉ là vài khía cạnh trong những bộ phim, phản ánh hiện thực xã hội Nga đang phải đối mặt. Song, điều ý nghĩa sâu thẳm nhất là, đằng sau đó là những giá trị nhân văn rất sâu sắc, phù hợp với từng hoàn cảnh, từng chi tiết thực trong phim. Những diễn biến xen cảm xúc, giữa sự hèn nhát rất thật khi đối diện chết chóc trong chiến tranh vệ quốc năm xưa, sự dũng cảm đến phi thường tính cách rất Nga, cái khí khái nốc vodka khi đối diện với kẻ thù của Borman… Chiến tranh! Tình yêu! Niềm tin và chiến thắng!… Còn rất nhiều, rất nhiều điều mà các nhà làm phim Chúng tôi đến từ tương lai muốn nhắn nhủ. Những chàng trai “ đến từ tương lai” chính là linh hồn của quá khứ, cái quá khứ quá hào hùng, quá bi tráng, quá khứ không cho phép họ được quên, quá khứ không cho phép họ được phủ nhận lịch sử, họ cần phải biết cha anh họ đã chiến đấu, chiến thắng và đã hy sinh như thế nào.

Bước ra khỏi cuộc chiến tàn khốc là một xã hội nước Nga hiện đại. Nơi đó có tất cả các mảnh đời giàu có, nghèo có, các ông bà chủ cỡ bự, rồi có cả những cậu bé, cô bé mồ côi cố vươn mình chống chọi với từng đồng xu lẻ qua ngày. Nơi đó tiềm ẩn một sức sống dẻo dai, bền bỉ, khả năng vươn dậy từ đống tro tàn của cô bé Kuka (phim KuKa), không muốn chấp nhận cái chết của bà mình, tự mình chôn cất cụ bên cạnh ngôi nhà gỗ, không chút sợ hãi, chỉ sợ ai đó nghĩ mình là cô bé mồ côi, song thẳm sâu trong tâm hồn bé là sự khát khao một mái ấm gia đình, khát khao tiếng gọi “ mẹ”, dù chỉ là chút hạnh phúc hiếm hoi… để rồi tìm thấy cũng chính nơi này sự đồng cảm, sẻ chia giữa những mảnh đời đơn côi trong xã hội Nga hiện đại. Dõi theo từng mạch phim của mỗi bộ phim, giá trị con người đã không bị đánh mất như nhiều người lầm tưởng.

Từ việc tổ chức quảng bá, cổ động và hoàn thành khâu hậu kỳ để phim lên sóng phục vụ bạn xem truyền hình, chúng tôi cảm nhận ở mỗi phim một vẻ. Cũng như chúng tôi, chắc hẳn người xem sẽ thấy được ở điện ảnh Nga giàu tính nhân văn sâu sắc và lay động lòng người từ trong cuộc chiến tàn khốc đến những khắc nghiệt của cuộc sống hiện đại… Vẫn thấy tính cách của một dân tộc, vừa vĩ đại vừa vừa đôn hậu, vừa nồng ấm tình người. Những bộ phim gần gũi với cảm nhận cũng như có nhiều nét tương đồng với văn hóa người Việt, giúp người xem hiểu thêm về nền điện ảnh Nga, về đất nước Nga từ quá khứ đến hiện tại, và hẳn nhiên, nước Nga trong tương lai sẽ lấy lại được vị thế của mình với những gì còn ẩn sâu trong mạch ngầm của trái tim và lý trí con người Nga vĩ đại.

*Các bộ phim sẽ lần lượt trình chiếu trên sóng truyền hình của Trung tâm truyền hình Việt Nam tại Đà Nẵng từ ngày 23-1 đến ngày 30-1-2010, vào lúc 14h30 phút: Ngôi sao phát ngày 23-1; Kuka ngày 25-1; Chúng tôi đến từ tương lai ngày 24- 1, Spartac và Kalashnikov ngày 26-1.

Thu Hồng


;
.
.
.
.
.