.
Nhà thơ Vương Trọng

Tết giản dị

.

Nhà thơ Vương Trọng - người con của Đô Lương xứ Nghệ, mê thơ từ nhỏ. Ông là Đại tá quân đội, nhiều năm làm giáo viên dạy toán, làm phóng viên Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Với nhiều đóng góp cho nền thơ ca nước nhà, ông được Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật. Ông đã dành cho chúng tôi cuộc trao đổi về chuyện thơ, chuyện Tết.

* Thưa nhà thơ, nhiều người gọi ông là “Ông Đồ xứ Nghệ”, mặc dù ông không viết thư pháp, điều này có thể giải thích như thế nào ạ?

- Nhà thơ Vương Trọng: Một số bạn bè thường gọi đùa tôi là Đồ Nghệ là vì những lý do sau đây: Tôi vốn quê xứ Nghệ, lại rất thích chơi câu đối (đã từng được mời làm trưởng ban chung khảo một số cuộc thi về câu đối) và các trò chơi chữ khác như trò chơi nói lái. Đó là những thú chơi mà các cụ Đồ Nghệ ngày xưa ưa thích. Một lý do nữa là khi sáng tác câu đối, cũng như khi viết các giai thoại về câu đối, tôi thường dùng bút danh Đồ Nghệ. Có lẽ đó là những lý do chính.

* Ông viết rất nhiều về Truyện Kiều, về nhân vật Kiều, vậy theo ông “sức sống” mãnh liệt nhất ở Truyện Kiều là gì, mà khiến nhiều người dân ta coi cuốn sách đó là cuốn gối đầu giường? Cũng từ đó người ta sinh ra trò bói Kiều, đố Kiều, lẩy Kiều rất văn hóa vào mùa xuân?

- Sức sống mãnh liệt của Truyện Kiều, theo tôi, vì hai lẽ. Thứ nhất là nghệ thuật thơ lục bát tuyệt vời của Nguyễn Du. Trong lịch sử văn học nước ta, chưa từng có một tác phẩm thơ nào có trình độ nghệ thuật được như Truyện Kiều và tôi tin rằng trong hàng trăm năm, thậm chí ngàn năm nữa, chưa chắc đã có một tác phẩm thơ nào được như thế. Tôi nghĩ như vậy là vì tài thơ của cụ Nguyễn Du vượt hẳn lên so với các nhà thơ khác của ta từ xưa đến nay… một cái đầu! Tôi từng viết như sau: Nói về tài thơ, khoảng cách từ cụ Nguyễn Du đến các nhà thơ đương đại nước ta xa hơn khoảng cách từ các nhà thơ đương đại đến những người làm thơ ở các câu lạc bộ phường xã! Lý do thứ hai làm cho Truyện Kiều có sức sống mãnh liệt là tính nhân văn của tác phẩm. Đại thi hào đau nỗi đau của những cuộc đời bất hạnh, và trái tim Cụ đã hòa cùng nhịp đập với trái tim của đông đảo bạn trong mọi hoàn cảnh lịch sử.

* Không chỉ nổi tiếng với nhiều bài thơ cảm động như bài “Khóc giữa chiêm bao”, “Bên mộ cụ Nguyễn Du”, “Gió từ tay mẹ”, “Lời thỉnh cầu ở giữa ngã ba Đồng Lộc”... ông còn có cả một trường ca viết về Hà Nội và được đánh giá cao. Thành công như vậy, nhưng ông lại là một giáo viên dạy toán, hẳn là phải có cơ duyên nào đó dẫn dắt ông đến với thơ?

- Xưa nay, người học khoa học tự nhiên nói chung và học toán nói riêng trở thành nhà thơ không phải là hiếm. Có lần một bạn đọc trẻ đã hỏi tôi câu hỏi này, tôi từng trả lời đơn giản như sau: Tôi thi vào, học và tốt nghiệp khoa Toán trường Đại học Tổng hợp Hà Nội là vì tôi giỏi toán chứ không hề kém văn. Bằng chứng là năm 1962 tôi được nhà trường chọn tham gia cuộc thi học sinh giỏi văn lớp 10 (lớp 12 bây giờ) toàn miền Bắc. Trước đó khá lâu, từ khi còn học cấp hai, tôi đã thuộc lòng rất nhiều thơ, trong đó có Truyện Kiều, Chinh Phụ Ngâm, Cung Oán Ngâm khúc… và toàn bộ hai tập thơ Từ ấy và Việt Bắc của nhà thơ Tố Hữu. Và trong những năm học khoa Toán Trường Đại học Tổng hợp, tôi đã chép tay toàn bộ quyển Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh. Như vậy, chứng tỏ tôi vốn là người mê thơ, nên khi tốt nghiệp đại học, vào bộ đội đã đến với thơ là một điều dễ hiểu.

* Ông là người con của xứ Nghệ, nhưng có đến nửa thế kỷ sống giữa thủ đô. Trường ca viết về Hà Nội chắc chắn được chưng cất từ một tình yêu thắm thiết với thủ đô. Và phải chăng, ông có lợi thế là có đến 2 quê hương và điều đó làm nên sức sống cho những tác phẩm của ông?

- Đúng là tôi đã sống ở Hà Nội ngót nửa thế kỷ, sau khi đã sống ở quê hương xứ Nghệ khoảng 20 năm. Nhưng hai nơi mình thông thuộc không phải là điều thuận lợi để viết về Hà Nội. Sự thật đề tài về Hà Nội rất rộng, mỗi người viết về Hà Nội là chỉ viết về một phần, một góc của Hà Nội mà mình thông thạo, mình cảm được. Tôi viết trường ca “Hà Nội của tôi” cũng chỉ dám viết cái phần chiến đấu bảo vệ Hà Nội là chính. Với đề tài này, tôi sử dụng được thế mạnh của mình: sống với Hà Nội khá lâu nên khá hiểu Hà Nội. Mặt khác, là một nhà thơ quân đội, là phóng viên của Tạp chí Văn nghệ Quân đội ngót 35 năm, tôi cũng khá hiểu về chiến tranh. Tất nhiên khi sáng tác thơ, cần biến cái hiểu biết của mình thành cảm hứng nghệ thuật, vì bạn đọc thưởng thức thơ chứ không phải đọc bài khảo cứu về cuộc kháng chiến bảo vệ Hà Nội!

* Là thi sĩ, người ta thường khai bút vào mùa xuân để lấy may, với nhà thơ Vương Trọng, ông có coi trọng chuyện khai bút đầu xuân của mình?

- Tôi không có thói quen khai bút vào ngày đầu mùa xuân, một phần vì muốn có thơ đăng báo Tết thì phải sáng tác trước đó mấy tháng, thậm chí mấy quý. Các nhà thơ thường nói đùa với nhau rằng, phần lớn các bài thơ xuân đăng trên báo được viết khi mùa hè đổ lửa! Tuy nhiên cũng có một lần tôi khai bút vào đúng sáng Mồng một Tết Nguyên đán. Đó là vì sáng mồng một ấy đang ngủ muộn thì nghe tiếng rao mua muối, mở cửa thấy một chị gầy gò đẩy chiếc xe đạp với bao muối nặng đang đi trong khu tập thể. Từ sự đồng cảm với nỗi cực nhọc của chị bán muối mà đã có bài thơ khai xuân.

ĐẦU NĂM NGƯỜI ẤY

Sáng rồi, phố vẫn chiêm bao
Heo may run một tiếng rao lạnh người:
“Muối nời, ai muối không nời…”
Chiếc xe đạp cũ, tả tơi dáng gầy
Phồng căng hai tải muối đầy
Đạp xe không nổi, ghì tay mà thồ.

“Cuối dầu, đầu muối”(*) - chuyện xưa
Ngày nay người thức giao thừa, ngủ mai
Ấm êm quấn quýt trong ngoài
Lời rao để mặc gió trời dửng dưng…

Đầu năm người ấy còng lưng
Đẩy xe muối nặng, thở từng lời rao.

Vương Trọng

(*): “Đầu năm mua muối, cuối năm mua dầu” – thành ngữ. 
 

* Tất nhiên, ông cũng sẽ viết về đề tài xuân chứ ạ? Vì cảm hứng về xuân là bất tận?

- Tuy nhiên, trong một số tờ báo Tết, tôi thường có thơ đăng, số lượng không nhiều như một số nhà thơ, nhưng cũng không quá ít như một số nhà thơ khác. Sở dĩ có được như vậy là do một số tờ báo đặt bài, một số anh em biên tập “thương tình” nên nhắc nhở gửi bài. Phần lớn những bài thơ tôi đăng báo Tết thường viết rải rác trong năm, nhưng vì số lượng sáng tác không nhiều nên để dành lại đăng báo Tết… cho vui!

* Giờ sống giữa đất Thủ đô, ông đón xuân như thế nào? Từ ăn, mặc đến quan hệ bạn bè, và cả cảm xúc với thơ nữa?

- Sống lâu năm giữa đất thủ đô, nhưng tôi chưa học được vẻ phong nhã, lịch thiệp của người Hà Nội trong cách ăn mặc, nói năng. Tôi vẫn nông dân, thích tuềnh toàng, có dịp hệ trọng phải diện com-lê, cà-vạt vào, chỉ mong xong việc về nhà mà… tháo. Đón xuân ư? Thì giao thừa leo lên sân thượng xem pháo hoa. Nhà tôi sát công viên Thống Nhất nên xem pháo hoa rất rõ. Tất nhiên, trước khi xem pháo hoa thì bê mâm cỗ (nếu con trai đi vắng) lên sân thượng để bà vợ cúng giao thừa. Sáng mồng một không đến nhà ai cả vì sợ người ta kiêng, mà thường ra xem phố vắng vẻ đến mức nào. Buổi chiều mồng một có thể đến nhà bà con hoặc ý ới gọi bạn cờ tướng để chơi trận khai xuân.

NGUYỄN VĂN HỌC



;
.
.
.
.
.