.
Nước Việt mến yêu

Bài hát của một người yêu Hà Nội

.

Nguyễn Đình Thi là tác giả ca khúc “Bài hát của một người Hà Nội” mà sau này được ông đổi thành “Người Hà Nội”. Bài hát ra đời vào những ngày đầu Toàn quốc kháng chiến. Những năm ông còn sống, chúng tôi đã có dịp gặp ông, và được nghe ông nói về Hà Nội những ngày tháng ấy…

Ảnh tư liệu

Ông kể, buổi chiều giá rét tháng 12 năm 1946. Đường phố Hà Nội đã thưa thớt người đi. Hàng liễu lặng lẽ rũ bóng xuống mặt Hồ Gươm se se lạnh. Thỉnh thoảng rộ lên đâu đó trên đường Trường Thi chiếc xe Jeep nhà binh Pháp, tiếng súng nổ đì đùng phía Yên Phụ, nhà máy đèn. Trong khu phố cổ, tự vệ đục tường, nhà nọ thông sang nhà kia, sẵn sàng cho cuộc cảm tử của các chiến sĩ tự vệ thành.
Đó là những ngày quân Pháp lấn tới. Bàn ghế, tủ giường đã được tung ra mặt đường ngăn cản từng bước xe tăng tiến sâu vào Hà Nội.

Một buổi sáng, nhìn sang nhà Băng Đông Dương, đối diện với Bắc Bộ phủ đã thấy lố nhố một đơn vị lính Pháp chiếm đóng. Đây là nơi làm việc hằng ngày của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Sau ít ngày công tác tại phòng tuyến Liên khu I (trung tâm Hà Nội), nơi đang diễn ra chiến sự, Nguyễn Đình Thi trở lại Hà Đông. Làng Khúc Thủy bên dòng sông Nhuệ, một cơ sở bí mật của cách mạng hồi đó. Tại Trung tâm quân y dã chiến bên kia sông, ông đã có dịp tiếp xúc với nhiều chiến sĩ từ mặt trận chuyển đến. Ông hiểu, cuộc chiến đấu mỗi ngày đang trở nên vô cùng ác liệt. Cơ quan Trung ương chuyển dần lên hướng Việt Bắc, chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lâu dài. Ngày xa Hà Nội đang đến từng ngày. Một nỗi nhớ dâng đầy. Hà Nội thân yêu. Hà Nội đang đứng lên. Dự cảm một điều gì đó trọng đại đang đến, bỗng rưng rưng nhớ về Hà Nội như đã xa. “Đây Hồ Gươm, Hồng Hà, Hồ Tây… Đây Thăng Long, đây Đông Đô, đây Hà Nội… Hà Nội vùng đứng lên…”.

- Trở về Hà Nội. Con đường lập lòa lửa đuốc. Người ngược xuôi đổ về các cửa ô như lớp lớp sóng dâng đầy. Tôi như bơi ngược giữa làn sóng cuồn cuộn ấy. Những em bé, những cụ già, những cô gái gồng gánh… Trước mắt tôi, mỗi bước chen chúc, Hà Nội càng gần thêm một bước. Và Hà Nội thân yêu của tôi đang bùng cháy, từng quầng lửa bốc lên, mùi khét của thuốc súng, vải, của nhựa đường, của mái tôn, sắt thép. Một tiếng rít ngang qua đầu. Càng vào sâu trong lòng Hà Nội, tiếng đạn nổ trên nền biển lửa càng đanh, bật sáng những mái nhà nhấp nhô.

Một ngẫu nhiên như số phận - Nguyễn Đình Thi nhớ lại - trong nhà tôi tạm nghỉ chân có chiếc đàn piano cũ, cũng của một gia đình Hà Nội vừa sơ tán về. Tôi gõ nhẹ trên phím đàn và những giai điệu đằm thắm mà hào hùng, âm hưởng của những ngày đầu kháng chiến trong lòng Hà Nội bừng dậy, như thấm vào từng phím đàn, lan tỏa trên từng ngón tay… Trong khoảnh khắc ấy Hà Nội như hiện lên trước mắt, dịu dàng, yêu mến, sục sôi chiến đấu. “Bài hát của một người Hà Nội” được ra đời như thế, tại một làng quê bên bờ sông Nhuệ, cửa ngõ của Thủ đô.

Khi nhớ lại bài hát mà sau này ông đặt tên là “Người Hà Nội”, Nguyễn Đình Thi nói, ông như được hóa thân vào những chiến sĩ tự vệ, những người dân hàng Ngang hàng Đào lập chiến lũy. Hà Nội rực hồng trong lửa đạn. Sống trong không khí ấy, trái tim mỗi người ngập tràn tình yêu chiến đấu của cả một dân tộc, dẫu không là nhạc sĩ cũng phải cất lên tiếng hát để lòng ngực mở tung ra, như Xuân Oanh đã từng hát vang “Mười chín tháng Tám khi quốc dân căm hờn kêu thét…”. Tiếng hát tự đáy lòng mình.

- Khi sáng tác bài hát “Người Hà Nội”, thú thực tôi đã hiểu biết gì nhiều về âm nhạc đâu. Vào tuổi mười lăm, mười sáu, tôi có học chút ít trên cây đàn băngio. Còn piano, chỉ gõ cò chơi chơi vậy. Sau này tại Việt Bắc, nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát giúp tôi phối âm, phối khí, hoàn chỉnh thêm.

Cũng ngay trong đêm đó, Nguyễn Đình Thi đi sâu về hướng Tây chùa Trầm, nơi Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam đang đặt máy lưu động, phát chương trình. Tại đây, Nguyễn Đình Thi đã gặp hai người Âu mà sau này ông mới biết là hai chiến sĩ người Đức, đã từng là chiến sĩ tình nguyện chiến đấu cho nền Cộng hòa Tây Ban Nha đang làm việc trong đài. Họ dùng chiếc đàn băngiô và gõ tre, khe khẽ xướng âm. Giai điệu mượt mà quyện trong âm hưởng anh hùng ca đã thu hút hai chiến sĩ tình nguyện quốc tế. “Rất tuyệt”.

Bài hát đã được chính tác giả cùng “dàn nhạc” đệm, gồm một chiếc đàn và hai gõ tre. Theo sóng phát thanh, các chiến sĩ cảm tử Liên khu I đã được nghe lần đầu tiên tiếng hát kiêu hãnh của một người Hà Nội. “Hà Nội cháy, khói lửa ngút trời/ Hà Nội hồng/ Ầm ầm rung/ Hà Nội vùng đứng lên /Sông Hồng reo…”.

NHƯ NGUYỄN

;
.
.
.
.
.