.
Phát triển du lịch miền Trung-Tây Nguyên:

Định hình những thương hiệu

.

Ngay trong những ngày chuẩn bị cho Festival Hoa Đà Lạt năm 2010, được tổ chức vào những ngày đầu năm nhằm hưởng ứng các hoạt động hướng tới Đại lễ 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội, một tin vui đã đến với “Thành phố ngàn hoa” này khi Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng đã ký quyết định công nhận thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng) là “Thành phố Festival Hoa”. Văn bản này sẽ được công bố trong dịp Festival hoa năm 2010, tổ chức từ ngày 1 đến ngày 4-1.

Cuộc thi Pháo hoa quốc tế trở thành thương hiệu du lịch của Đà Nẵng, không phải khai thác từ lợi thế về biển.

Đón nhận tin mừng này, trong Festival hoa năm nay, với chủ đề “Đà Lạt rực rỡ ngàn hoa”, Đà Lạt thể hiện hết sức mình với nhiều hoạt động chung quanh việc giới thiệu đặc sản hoa cho du khách. Cặp rồng kỷ lục dài 108 mét, cao 3 mét được thực hiện trong suốt năm qua sẽ vươn mình bên hồ Xuân Hương thơ mộng, thể hiện một khát vọng vươn lên mạnh mẽ của thế hệ “con Rồng cháu Tiên”; những đường hoa dài kỷ lục trải suốt trên tuyến đường 25km từ Đức Trọng về Đà Lạt với hy vọng làm mãn nhãn du khách trong nước và quốc tế bước ra từ Nhà ga Quốc tế Liên Khương vừa được nâng cấp với công suất đạt 1,5 đến 2 triệu lượt khách mỗi năm; con đường hoa dài gần 10km từ đèo Prenn về trung tâm thành phố làm rộn rã lòng du khách với muôn màu sắc hoa tươi tắn trong đồi núi chập chùng ẩn hiện giữa se lạnh mùa đông phố núi... Trung tâm thành phố, hơn 17 nghìn mét vuông, là không gian hoa tràn ngập, không chỉ giới thiệu hoa của Đà Lạt, mà còn là nơi để giới thiệu những vùng hoa nổi tiếng của một số quốc gia như Vương quốc hoa Hà Lan, Nhật Bản, Trung Quốc...

Lượng khách dự kiến tại Festival Hoa Đà Lạt năm 2010 khoảng 200 nghìn người và hứa hẹn mở ra nhiều cơ hội hợp tác, phát triển mới cho Đà Lạt cũng như cả tỉnh Lâm Đồng, trong các thế mạnh về du lịch, sản xuất nông nghiệp công nghệ, kỹ thuật cao.

Như vậy, bên cạnh những thương hiệu đã được UNESCO công nhận danh sách di sản thế giới, ở miền Trung-Tây Nguyên, một số thương hiệu đã được xây dựng và hình thành qua quá trình nỗ lực, cố gắng của các địa phương nhằm tìm kiếm sản phẩm đặc trưng cho phát triển du lịch; đó là Cuộc thi Pháo hoa Quốc tế Đà Nẵng, là Festival Hoa Đà Lạt... Theo đó, những sản phẩm này có thể được khai thác từ lợi thế cạnh tranh vốn có với điều kiện ưu đãi của thiên nhiên, hoặc từ những đột phá, sáng tạo trong suy nghĩ, cách làm của lãnh đạo địa phương đó. Nhưng có một điểm tương đồng trong việc khẳng định thương hiệu đó, là những nỗ lực tập trung cho việc phát huy những giá trị này qua từng năm, với sự đầu tư một cách đúng hướng và bền bỉ cả trước, trong và sau khi thương hiệu đó được công nhận. Chính việc tạo nên những thương hiệu này đã góp phần làm phong phú thêm những sản phẩm du lịch, thu hút đông đảo sự quan tâm không chỉ trong nước mà cả quốc tế đến vùng đất nhiều tiềm năng ở khu vực trung độ cả nước.

Thế nhưng, trong điều kiện cố gắng tạo nên những thương hiệu đó, không ít những vấn đề nảy sinh, nhất là trong điều kiện xây dựng thương hiệu từ phát huy lợi thế từ ưu đãi của thiên nhiên. Đó là việc các sản phẩm trùng lặp ở những khu vực dẫn đến gây tranh cãi trong phát huy ưu thế của các địa phương. Với các tỉnh ven biển miền Trung, thì đó là ưu thế về biển với các bãi cát trải dài, của các vịnh biển trong xanh... Với các tỉnh Tây Nguyên, thì đó là sự cạnh tranh về văn hóa cồng chiêng, lễ hội văn hóa các dân tộc thiểu số, về những đặc sản như cà phê, chè, cao su... Đà Nẵng đã tiên phong trong việc bứt phá ra khỏi ưu thế về biển với Cuộc thi pháo hoa quốc tế; Lâm Đồng khai thác được lợi thế thiên nhiên về hoa với Festival hoa...; còn lại là một cuộc chạy đua không ngưng nghỉ.

Vì thế, chỉ trong khoảng cách 2 năm thôi, từ 2007 đến 2009, Festival cồng chiêng Tây Nguyên đã diễn ra ở cả hai địa phương là Buôn Mê Thuột (Đắc Lắc) và Pleiku (Gia Lai). Theo ông Y Dhăm Eanoul, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắc Lắc, thì các kỳ Festival này đều có nội dung trùng lặp nhau do yếu tố lịch sử, văn hóa với các hoạt động như lễ hội cồng chiêng, đua voi... Ông cho rằng, Đắc Lắc đang xác định cho mình một thương hiệu riêng là Festival cà phê, trong đó dựa trên tiềm năng về cà phê mang hương vị riêng của thổ nhưỡng, khí hậu Đắc Lắc cũng như sự đầu tư lớn của các doanh nghiệp trên địa bàn cho lĩnh vực này. Nếu điều này được triển khai và đạt được mục tiêu, thì có lẽ Festival cồng chiêng sẽ được dành cho Gia Lai? Như vậy, có thể ổn thỏa trong việc xác định thương hiệu của 3 trong 5 địa phương Tây Nguyên trong hình thành sản phẩm du lịch. Là tỉnh mới chia tách, Đắc Nông đang nằm ở thế yếu trong phát triển thương hiệu du lịch theo dạng này.

Còn đối với Kon Tum, ông Hà Ban, Chủ tịch UBND tỉnh cho hay, đến nay, lãnh đạo tỉnh đang bối rối trước vấn đề này. Một cuộc hội thảo đã được tổ chức vừa qua cũng nhằm gỡ rối, và một ý tưởng ông Hà Ban đưa ra là có thể khai thác thương hiệu Festival Sâm Ngọc Linh cho địa phương mình, dự kiến đưa thương hiệu này là một trong những vấn đề nổi bật để thu hút du khách trong dịp kỷ niệm 100 năm Kon Tum được tổ chức vào năm 2013.

Một vấn đề nữa cũng cần phải nghiên cứu tiếp sau khi xác định được thương hiệu về sản phẩm du lịch cho từng địa phương khu vực miền Trung-Tây Nguyên, đó chính là việc kết nối những sản phẩm này thành chuỗi sự kiện, khai thác lợi thế của mỗi sản phẩm để đem lại lợi nhuận cao nhất trong phát triển kinh tế, tạo động lực cho liên kết phát triển vùng trong gian đoạn tới.

Điều đó thì mỗi địa phương không thể tự thân vận động được!

NGUYỄN THÀNH

 

 

;
.
.
.
.
.