* Xin hỏi bệnh viêm gan C có biểu hiện như thế nào? (Triệu Văn Quang, phường Chính Gián, Thanh Khê, Đà Nẵng).
Virut viêm gan C lưu hành trong máu, do đó bệnh viêm gan C lây truyền chủ yếu qua đường máu. Có nhiều đường lây bệnh: lây nhiễm do truyền từ máu hay trong lúc sinh từ mẹ sang con, lây qua các dụng cụ như: bơm kim tiêm, dụng cụ nội soi, kim châm cứu, kim xăm mình, dao cạo râu, dụng cụ cắt sửa móng tay, tiêm chích ma túy...
Hầu hết bệnh nhân không có triệu chứng lâm sàng, số ít có biểu hiện mệt mỏi, chán ăn, có thể vàng da, vàng mắt, nước tiểu đậm màu. Chẩn đoán bệnh dựa vào xét nghiệm máu.
Khoảng 85% trường hợp nhiễm viêm gan C sẽ chuyển thành viêm gan mạn tính, tiến triển thầm lặng từ 10-30 năm. Nhiều trường hợp bệnh nhân chỉ được phát hiện khi đã có biến chứng nặng như: xơ gan cổ trướng với biểu hiện báng bụng, giãn mạch máu đường tiêu hóa, có thể vỡ gây chảy máu ồ ạt và tử vong; gan đã bị xơ khó hồi phục lại, dù tình trạng viêm có thuyên giảm; biến chứng ung thư tế bào gan.
Để phòng bệnh cần thực hiện các biện pháp: tập thể dục, thể thao vừa sức giúp tăng cường sức khỏe. Hạn chế uống rượu, bia, bởi vì xơ gan dễ xảy ra hơn ở người viêm gan đồng thời nghiện rượu. Bệnh nhân viêm gan C có thể ăn theo chế độ ăn bình thường. Khi đã xơ gan, nên áp dụng chế độ ăn giảm muối. Nên sử dụng phương pháp bảo vệ khi quan hệ tình dục.
* Tôi bị viêm gan mạn tính. Bác sĩ khuyên nên ăn nhiều rau xanh, trái cây. Vậy có cần kiêng thức ăn nhiều dầu mỡ không? Xin cho biết chế độ ăn của người mắc bệnh gan? (Thái Văn Hà, Liên Chiểu, Đà Nẵng).
- Đối với người viêm gan mạn tính: Thực phẩm sử dụng cần hết sức đa dạng trong các nhóm như rau, củ, quả, ngũ cốc, sữa và chế phẩm từ sữa, thịt cá hay trứng. Các thức ăn cần có nhiều vitamin A (như gan gà, gan lợn...) và vitamin C (cam, quýt, rau sống...).
Mỗi ngày nên ăn ít nhất một loại rau có màu xanh đậm và một loại rau có màu cam (cà rốt, cà chua, bí đỏ...). Mỗi ngày nên dùng khoảng 500ml sữa để có đủ vitamin D, có thể sử dụng chế phẩm của sữa như sữa chua, phô-mai. Nên dùng dầu thực vật, dầu đậu nành, dầu mè.
Tuyệt đối bỏ rượu để bảo vệ tế bào gan và giúp gan chóng bình phục, giảm thiếu tối đa các chất quá béo, quá ngọt.
- Đối với người bệnh bị viêm gan cấp tính:
Vì người bị viêm gan cấp tính thường có các biểu hiện mệt mỏi, đau nhức cơ khớp, có các triệu chứng rối loạn tiêu hóa như ậm ạch, đầy hơi, khó chịu, chậm tiêu, buồn nôn và nôn... Các triệu chứng này kéo dài vài ngày đến vài tuần. Giai đoạn này bệnh nhân nên ăn nhẹ, uống nhẹ, nên ăn làm nhiều bữa và sử dụng các loại thức ăn dễ tiêu. Cần lưu ý, các biểu hiện trên thường dễ chịu hơn vào buổi sáng, vì vậy bệnh nhân nên ăn nhiều hơn. Tránh ăn các thức ăn nhiều gia vị, dầu, mỡ. Cần ăn nhiều các loại protein được nấu nhừ, bên cạnh đó cũng cần ăn các chất có xơ như cam, cà rốt, chuối, gạo lứt, đậu đỏ, các loại rau xanh...
Trong giai đoạn này bệnh nhân cũng nên uống nhiều nước, đặc biệt nước cam, nước chanh vừa tăng lượng sinh tố, vừa tăng lượng nước của cơ thể. Tuyệt đối không được sử dụng rượu, bia trong giai đoạn này dưới mọi hình thức vì chúng là các chất rất có hại cho tế bào gan.
- Với người bị xơ gan: Bệnh nhân cần phải ăn nhiều bữa trong ngày, mỗi bữa ăn một ít. Trong trường hợp xơ gan có cổ trướng thì khẩu phần ăn của bệnh nhân cần giảm lượng muối và nên dùng các chất có tác dụng lợi tiểu.
- Với người thừa cân và gan nhiễm mỡ: cần phải giảm ăn để giảm bớt sự thoái hóa mỡ gan. Đặc biệt, chứng thoái hóa mỡ gan hay xảy ra ở bệnh nhân viêm gan virut nói chung và viêm gan siêu vi C nói riêng. Bệnh nhân cần giảm cân từ từ bằng cách áp dụng chế độ ăn hợp lý và hoạt động cơ thể. Không nên giảm cân nhanh vì nó sẽ làm tổn thương gan, tăng áp lực tĩnh mạch cửa và gia tăng sự xơ hóa.
P.M.C.T