1- Thiếu phụ từ Hà Nội vào công tác. Nàng không đi một mình nhưng cứ sau giờ làm việc lại mình nàng mình tôi. Cuộc sống xáo trộn một cách đáng yêu. Chúng tôi như hai kẻ đầu xanh tuổi trẻ không chút âu lo lang thang một cách vô định. Ngày chia tay nàng bảo “Hôm nào ra Hà Nội đi uống rượu với em!”.
Thiếu phụ làm tôi xao xuyến. Bạn bè gặp nhau không chén rượu thì ly bia, không “tửu phùng tri kỷ thiên bôi thiểu” thì cũng cạn vài ba ly dăm bảy chén. Nhưng đấy là giữa những thằng đàn ông với nhau. Còn như lời mời uống rượu thốt ra từ miệng một người phụ nữ xinh đẹp, thú thật tôi chẳng bao giờ dự liệu, cứ như mình nằm mơ. Vẫn biết tửu lượng của nhiều chị em không hề thua kém đàn ông. Nhưng đây không phải vấn đề nhiều hay ít…
Chợt nhớ thời sinh viên, anh bạn người Moldova khoe, rượu quê anh không bán theo chai theo lít mà bán theo… thời gian. Người ta mua một giờ hai giờ rồi bước xuống hầm rượu nơi có những thùng rượu vang tuyệt hảo thỏa sức vùng vẫy, uống bao nhiêu mặc sức. Lại nhớ lần đi công tác ở nhờ Sứ quán đúng lúc các vị đại sứ trong ngoại giao đoàn viếng thăm đáp lễ ông đại sứ ta vừa sang nhậm chức. Mỗi vị đại sứ tặng một lẵng hoa và một cặp rượu.
Đại sứ là đại diện của một quốc gia nên rượu của các ông ấy cũng… xứng tầm quốc gia! Được phép, tôi đã làm một cuộc nếm rượu vô tiền khoáng hậu. Cognac Pháp, Vodka Nga, Rhum Cuba, Whisky Scotland, Quetshe Tây Ban Nha, Martini Ý, Kirsch Đức… thôi thì, không rượu gì không nếm qua cho biết. Rượu có lẽ là một trong những phát minh kỳ thú của nhân loại. Trên thế giới này không dân tộc nào, không tộc người nào không biết cách chế biến rượu. Trên thế giới này không người đàn ông nào không đã một lần nếm thử một chén rượu. Ngày tôi ở Ba Lan, rượu bán sau giờ làm việc, đàn ông đàn bà xếp hàng dài dằng dặc. Mùa đông tuyết phủ kín mặt đất ở Moscou thỉnh thoảng lại bắt gặp một người say nằm vùi trên lớp tuyết dày. Rượu đấy, có cơn say của Chí Phèo, có chén rượu “nhất đẩu thi bách thiên” của Lý Bạch, lại có những ly chan chứa buồn của Erich Maria Remarque!
2- Rượu người rượu mình. Trên khắp đất nước ta không đâu không có rượu. Những chóe rượu cần giữ ngọn lửa bập bùng thâu đêm. Những vò rượu San Lùng thách thức giá lạnh. Làng Vân, Bầu Đá, Gò Đen… là những thứ rượu thành danh, đáng thử một lần trong đời. Nghe nói ông tiến sĩ Henry Kissinger khi sang thăm nước ta đã ngỏ lời xin được sở hữu vài lít “rượu nút lá chuối” – thứ rượu cất từ nếp cái hoa vàng ở Thái Bình, sau khi đã thưởng thức và không tiếc lời ca tụng...
Là một người Việt, không ham rượu nhưng khi này khi khác tôi cũng đã may mắn nếm qua các loại rượu có tiếng của đất nước. Có một điều lạ, rượu của ta nhưng không mấy khi bày bán ở các nhà hàng khách sạn ở nước ta. Tâm lý chuộng hàng ngoại hay do marketing kém? Giá một chai rượu ngoại bằng giá vài chục chai Lúa mới, Hương lúa nhưng các “thượng đế” sẵn sàng chi trả! Trường hợp Hương lúa chai nhỏ được ưa chuộng một hai năm trước đây, mỗi thực khách “ôm” một chai, là ngoại lệ, rộ lên một thời gian rồi lại mất hút! Lại một điều khác khiến ta ngẫm nghĩ là rượu dùng làm quà tặng. Tết đến, thứ quà tặng phổ biến nhất là rượu. Nhưng xin nói rõ là… rượu ngoại và chỉ rượu ngoại mà thôi!...
Thật ra thì cũng có những người thích rượu Việt, tuy hơi cá biệt. Nhà thơ Bùi Minh Quốc mỗi lần gặp, chúng tôi uống gì thì uống còn anh lôi từ túi xách ra một be rượu đế và một cái chén sành. Nhạc sĩ Văn Cao là ví dụ khác. Ngày ấy tôi hân hạnh được ông và nhà thơ Lưu Trọng Lư ghé nhà. Ông Lư bảo tôi pha sữa mời ông Văn Cao bởi cả ngày chỉ thấy ông nhạc sĩ uống rượu. Là kẻ hậu sinh tôi vâng lời, nhưng ông Văn Cao từ chối, lại rót cái chất lỏng có tên “rượu gạo” từ chiếc bi-đông ông kè kè bên mình!
Tuy thế, xin đừng vội buồn, hoặc giả như buồn thì buồn in ít thôi. Có một “sân chơi” rượu Việt thống lĩnh tuyệt đối, không cho “rượu tây” bất cứ một cơ hội nào. Đấy là những bình rượu thuốc, là chén rượu thuốc trước bữa cơm thường nhật.
Lần nào đó ra Hà Nội, tôi và thiếu phụ sẽ rủ nhau đi uống rượu Việt. Nàng đã phát hiện ra một điều lý thú khiến tôi vốn đã mê lại càng mê rượu Việt. Rằng “rượu tây” thì chí ít phải 18, 21 năm mới êm mới dịu, tức suy cho cùng mua hay bán cũng là bán là mua… thời gian! Còn như rượu Việt, chẳng phải bách nhật không cần năm tháng, chưa chiết ra chai ra vò đã dịu đã êm trong miệng mình. Do men rượu, do cách nấu, do nguyên liệu?
Câu trả lời là một bí mật của người Việt! Trước mỗi bữa cơm, trước khi cầm đũa tôi vẫn vỗ về mình bằng cái dịu êm ấy! Nhưng chỉ một chén hai chén, tuyệt đối không say, không ồn ào! Còn như một khi năm hết Tết đến, có bắt chước cụ Tú ngày xưa “…Sáng mồng một rượu say túy lúy, giang tay bồng ông phúc vào nhà” thì chắc bà xã cũng không nỡ cau có! Tuy nhiên, giá như học theo được nhà thơ Nguyễn Duy “Mỗi năm Tết có một lần/ Mời em ly rượu tay nâng ngang mày/ Vợ cười chưa uống đã say/ Ngọt bùi thì nổi đắng cay thì chìm”...
HOÀNG
.
.
Tản mạn
Rượu Việt
Chủ Nhật, 03/01/2010, 08:59 [GMT+7]
.
;
.
.
Các tin khác
.
.
.