.

Tết Nguyên đán và những giá trị nhân văn, nhân bản

Thuở xưa, một năm người Việt có đến hơn 10 cái Tết. Tính theo âm lịch, những cái Tết đó là: Tết Khai hạ (7 tháng giêng), Tết Thượng nguyên (còn gọi là Tết Nguyên tiêu 15-1), Tết Hàn thực (3-3), Tết Thanh minh (tháng 3), Tết Đoan ngọ (5-5), Tết Trung nguyên, Tết Vu lan (15-7), Tết Trung thu (15/8), Tết Trùng cửu (9-9), Tết Trùng thập (10-10), Tết Hạ nguyên, mừng cơm mới, Tết cúng ông Táo (23-12), Tết Nguyên đán.

Hiện thời, một số cái Tết trong hơn 10 cái Tết vừa kể trên đã không còn được tổ chức. Đời sống bận rộn, hối hả, sôi động của thời đại công nghiệp không cho phép cư dân các làng xã, phường phố dành quá nhiều thời gian cho tế lễ, cúng bái… Hơn nữa, không ít cái Tết có nguồn gốc ngoại lai đến nay đã không còn thích hợp với đời sống tâm linh, đời sống tình cảm và sinh hoạt văn hóa của người Việt Nam nữa. Dù vậy, Tết Nguyên đán vẫn luôn được nhân dân ta, từ Nam ra đến Bắc, từ miền ngược đến miền xuôi trân trọng, duy trì và thực hiện đầy đủ mỗi độ năm hết, xuân về.

Khác với nhiều cái Tết trong năm, Tết Nguyên Đán là Tết gắn liền với mùa Xuân, gắn liền với sự khởi đầu của một chu kỳ thời gian. Vào thời điểm này đất trời dường như cũng đồng cảm, cũng hòa và reo vui với lòng người. Thời tiết ấm dần sau những ngày Đông lạnh giá, sắc Xuân, khí Xuân, hơi Xuân nồng nàn khắp núi đồi, đồng ruộng, sông suối… Cây xoan, cây bàng đâm chồi, nảy lộc; hoa đào, hoa mai khoe sắc đỏ, sắc vàng… Tất cả đều bừng lên một sức sống mới. Tết Nguyên đán là cái Tết của mùa Xuân. Chỉ một ngày mồng một mà hội đủ tam khôi. Nguyên đán là ánh nắng tinh khôi, mới mẻ, sáng trong của một ngày mới, tháng mới, năm mới. Người ta vui vẻ đón Xuân với bao niềm vui, bao hy vọng, bao tin tưởng về một tương lai, một cuộc sống tốt đẹp, dù ngày hôm nay vẫn còn không ít vất vả, khó khăn. Dân ta xưa nghĩ về cái Tết là như vậy.

Người Việt có câu: “Đầu xuôi thì đuôi lọt”. Sự khởi đầu của một chu kỳ thời gian, của một công việc làm ăn, hoặc của một hoạt động nào đó… bao giờ cũng có ý nghĩa quan trọng. Tết Nguyên đán gắn liền với mọi mong ước tốt lành, mới mẻ. Vì vậy để đón mừng năm mới, ngay từ giữa tháng chạp nhà nhà đã rậm rịch chuẩn bị và lo toan bao việc lớn nhỏ.

Vợ lo đậu, gạo, nếp, mè
Chồng lo chẻ lạt, chặt tre sửa nhà.

Gạo, nếp, thịt, cá, rượu chè, bánh trái, mứt kẹo… sao cho đầy đủ, nhà cửa sao cho lành lặn, khang trang, sạch sẽ, cao ráo… trong những ngày đầu năm. Điều ấy không chỉ là việc của một người, một nhà, mà là việc của mọi nhà, của cả làng, cả xóm, bởi ai cũng cho rằng có được điều đó thì cả năm cửa nhà sẽ no ấm, đủ đầy, ăn nên làm ra, phát tài, phát lộc…

Với một nhận thức giản dị và mộc mạc như vậy, người bình dân xưa đã đón Tết Nguyên đán bằng nhiều việc làm, nhiều cách ứng xử rất văn hóa, rất nhân bản, nhân văn. Đường sá được quét dọn quang đãng, cửa nhà, đồ vật được sửa sang, sắp đặt lại. Cây nêu được dựng trước sân nhà để xua đuổi hồn ma, bóng quỷ. Tranh ngũ quả, tranh gà, tranh lợn, hoành phi, câu đối đỏ được treo lên những chỗ trang trọng nhất… Câu đối sau đây có thể xem là một nét khái quát của hương vị Tết xưa:

Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ
Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh.


Rồi nữa, họ hàng, làng xóm hội nhau đi đắp điếm, tu sửa lại mồ mả cho ông bà, tổ tiên. Đặc biệt người ta không quên “chạp mả” cho những người mất mà không có họ hàng thân thích trông nom, cúng giỗ.

Chẳng lo một nỗi mồ tàn
Ba mươi Tết đã có làng chạp cho.


Ngay đến một số tục kiêng cữ (như kiêng đòi nợ, kiêng to tiếng với nhau, kiêng quét nhà, v.v…) trong ba ngày Tết cũng đều mang không nhiều thì ít ý nghĩa tốt đẹp, ý nghĩa nhân văn, đem lại điều lành, điều tốt và tránh được điều rủi ro, điều sa sẩy cho con người…

Trong tâm thức người Việt, Tết Nguyên đán còn là dịp để tưởng nhớ, để tạ ơn Tổ tiên, ông bà, cha mẹ và những người có công với nước, với dân, để sum họp gia đình, gia tộc, để thắt chặt thêm tình làng, nghĩa xóm. Việc cúng bái ở gia đình, tế lễ ở đình miếu được thực hiện rất nghiêm túc. Họ hàng, bà con nội ngoại, chòm xóm láng giềng thăm hỏi, chúc Tết nhau bằng những tình cảm và những lời tốt đẹp, trang trọng… Cháu con mừng thọ ông bà, cha mẹ, thầy cô giáo (Mồng một Tết cha, mồng hai Tết mẹ, mồng ba Tết thầy). Trẻ nhỏ được người lớn “lì xì” với lời dặn dò chăm ngoan, học giỏi. Các gia đình thương binh, liệt sĩ, mẹ góa, con côi, đói nghèo, ốm đau, bệnh tật… được các cấp chính quyền và thôn bản tới động viên, thăm hỏi, giúp đỡ cân gạo, ký đường, tiền bạc… Những người sinh sống và làm ăn xa quê, trong nước, ngoài nước… đều tìm về cố hương. Việc làm ấy là sự thể hiện của đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, của tình cảm gia đình, gia tộc, của lòng yêu quê hương, đất nước.

Tết Nguyên đán, Tết chào đón năm mới hầu như dân tộc nào cũng có. Song trong tâm thức người Việt xưa nay, ngày đầu Xuân, ngày Tết tân niên bao giờ cũng mang ý nghĩa thiêng liêng, cao cả và tốt đẹp. Lễ Tết là một phần, một biểu hiện của sắc thái Văn hóa Việt Nam. Với ý nghĩa nhân văn, nhân bản rất đáng trân trọng, Tết Nguyên đán mãi mãi sẽ là một sinh hoạt văn hóa được người Việt Nam gìn giữ và phát huy.

Trần Hoàng

;
.
.
.
.
.