Biếu quà, tặng quà ngày Tết vốn là một phong tục đẹp, bày tỏ lòng biết ơn hoặc tình cảm với nhau. Học trò lễ Tết thầy giáo, con cái lễ Tết bố mẹ, người lớn mừng tuổi con trẻ, người giàu tặng quà người nghèo không chỉ là đạo lý mà còn mang nghĩa tâm linh. Quà không trọng giá trị kinh tế mà trọng ý nghĩa của nó. Lễ khinh nhân ý trọng – lễ nhẹ lòng người nặng, hay của cho không bằng cách cho là vậy.
Trò biếu quà Tết thầy, con lễ Tết cha mẹ, ngành thứ góp Tết ngành trưởng, con gà, đấu gạo, thậm chí chỉ quả cau cơi trầu là xong. Ba ngày Tết, nhất là trước giao thừa, người ta thường phong bao tặng quà các đám xúc xắc, xúc xẻ của trẻ con, sáng mùng một lì xì, mừng tuổi người thân cũng chỉ số tiền rất nhỏ. Các giải thưởng đánh cờ, đấu vật, bắt trạch trong chum, đập nồi, đánh đu xuân… không lớn nhưng người được giải rất tự hào. Bởi vì tuy nhỏ nhưng các vật lễ, vật tặng ấy được cả người tặng lẫn người nhận trân trọng. Được biếu, được tặng có khi cả đời không quên.
Tập tục văn hóa ấy ngày nay không những được gìn giữ mà còn phát huy, đổi mới cho phù hợp. Giờ đây, gần như ở mọi ngành, mọi địa phương, vào dịp Tết người ta thường tổ chức dâng hương, tảo mộ các anh hùng liệt sĩ, thăm nom tặng quà các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, tặng quà (nhiều khi là cả ngôi nhà tình nghĩa) cho các gia đình, người có công với dân, với nước. Nhà trường, cơ quan, doanh nghiệp mừng công, tặng quà lao động xuất sắc, tặng quà các cháu chăm ngoan, học giỏi. Hơn chục năm lại đây, đời sống được cải thiện, các cơ quan, đoàn thể, tổ chức xã hội và những nhà hảo tâm đã nhen nhóm, nhân lên ngày càng rộng lớn phong trào lá lành đùm lá rách, giúp đỡ người nghèo, người gặp nạn, người tàn tật với số tiền hàng ngàn tỷ đồng. Trong dịp Tết này đã có hàng chục vạn gói quà được chuyển đến tay người nhận. Riêng cuộc vận động góp Tết cho người nghèo do một số tờ báo phát động trong Tết này đã thu được gần 50 tỷ đồng. Từ một phong tục đẹp trong truyền thống, tặng quà Tết cho người có công, người nghèo, người có hoàn cảnh không may ngày nay đã trở thành một nét đẹp mới trong đời sống hiện tại, góp phần xóa bớt ngăn cách trong thu nhập, chênh lệch giàu nghèo.
Mừng vẫn mừng, nhưng không tránh khỏi băn khoăn. Cùng với mặt sáng thì mặt tối của việc biếu quà, tặng quà ngày Tết hiện nay cũng đã xuất hiện và ngày càng lan rộng. Đó là tình trạng lợi dụng tục biếu quà Tết để tham nhũng, đưa và nhận hối lộ công khai. Giờ đây, người ta không moi ruột, bớt xén các hợp đồng, dự án một cách lộ liễu nữa mà kiếm chác, nhận lại thông qua các món quà thăm hỏi, cưới xin, Tết nhất. Hiện vật to nhỏ chẳng qua làm phép, người nhận chỉ quan tâm chiếc phong bì đi kèm túi quà đó có bao nhiêu hoặc trị giá bao nhiêu tiền để quyết định việc ký hợp đồng, đề bạt, bố trí công việc sắp tới cho người đưa. Người đưa cũng nhân dịp này để thanh toán những khoản đã qua, đặt cọc cho chuyện tương lai. Ngay những khoản tiền thưởng cuối năm với một số trường hợp cũng là những khoản “quà Tết tham nhũng” trá hình. Tiền thưởng cho công nhân đã hàng chục, hàng trăm triệu, vậy tiền thưởng cho giám đốc là bao nhiêu và bằng cách nào mà có?
Vũ Duy Thông