Tổ chức Khí tượng thế giới đã cảnh báo năm nay sẽ là năm nóng nhất trong 160 năm trở lại đây (lấy đỉnh là năm 1850). Nắng nóng và khô hanh đi liền với cháy, tuy biết điều đó nhưng những vụ cháy như vừa qua vẫn khiến nhiều người kinh ngạc.
Ở TP.Hồ Chí Minh, trong 5 ngày cuối năm 2009 và đầu năm 2010, xảy ra 11 vụ cháy gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Trong đó, riêng ngày cuối năm 2009, xảy ra 4 vụ cháy. Cháy trên công trường đang xây dựng, cháy trong xưởng máy, cháy nhà dân, cháy cả ghe xuồng trên sông, bất kỳ đâu cũng có thể phát cháy, phát nổ. Do nguyên nhân gì chưa rõ, một doanh nghiệp chuyên in thiệp cưới phát cháy, thiêu rụi cả nhà xưởng, giết chết một em gái 16 tuổi quê Đồng Tháp lên làm công. Ở Lào Cai, lửa thiêu rụi 7 căn nhà giữa phố, 5 người chết cháy. Ở Bình Định, lửa cũng thiêu rụi cả dãy nhà giữa nơi đông đúc mà không cứu nổi. Ở Hà Nội, vũ trường Đêm Hồ Tây phát cháy, lửa lan nhanh nghìn mét vuông sàn, tìm thấy thi thể của một nạn nhân cháy đen trong đống đổ nát.
Nêu ra những thí dụ trên (tuy chưa hẳn đã điển hình nhất) chỉ để nhắc lại một mối họa luôn tiềm ẩn bên cạnh chúng ta, nhưng vẫn rất ít được chú ý phòng chống. Năm 2009, cả nước đã xảy ra 1.948 vụ cháy, số người chết vì cháy nổ trong năm 2009 nhiều hơn năm trước (chết do cháy tăng 19%, còn nổ tăng hơn 56% và bị thương tăng 23,5%), thiệt hại ước khoảng 500 tỷ đồng.
Ở vùng núi và nông thôn, cháy rừng gây thiệt hại hàng đầu. Ở thành phố, vùng công nghiệp tập trung, thiệt hại lớn là của cải của các doanh nghiệp, của người dân. Năm qua, TP. Hà Nội xảy ra 297 vụ cháy, làm chết 8 người, bị thương 38 người, tăng trên 70% về số vụ và tăng 219% về thiệt hại. TP. Hồ Chí Minh cả năm xảy ra 193 vụ cháy, thấp hơn Hà Nội cả về số vụ lẫn thiệt hại, nhưng cuối năm ngoái, đầu năm nay lại tăng đột biến. Những con số đó chứng minh một thực tế là tuy đã có rất nhiều cố gắng nhưng nhìn chung, công tác phòng cháy, chữa cháy ngay ở những thành phố lớn trọng điểm vẫn chưa có những chuyển biến căn bản, tiến bộ thiếu vững chắc, nhiều khi việc giảm số vụ, giảm thiệt hại chỉ là ngẫu nhiên.
Vì không cần mất nhiều công sức, ta vẫn có thể nhận ra vô số những nguy cơ cháy nổ tiềm ẩn trên đường, trong nhà dân, nơi xưởng máy…, trong đó, những nguy cơ lớn nhất vẫn là hệ thống điện và việc sử dụng điện chưa an toàn; việc dự trữ, san chiết, vận chuyển, buôn bán gas khá tùy tiện, gây nguy hiểm cho cả người bán và người dùng; tình trạng tàng trữ, buôn bán pháo hoa (kể cả pháo nổ lậu trong dịp Tết) rất khó kiểm soát; việc vận động, tổ chức người dân phòng chống cháy nổ chưa được chú ý thường xuyên; lực lượng PCCC chưa có tổ chức độc lập, người ít, phương tiện thiếu, lại lạc hậu; người dân thiếu ý thức phòng cháy trong hầu hết mọi lĩnh vực đời sống. Ai cũng hiểu “thủy hỏa đạo tặc” nhưng nếu không khắc phục được những vấn đề này thì việc hạn chế tối đa sức tàn phá của lửa còn là chuyện xa vời.
Thanh Bình