.

Thương hiệu cây giống nuôi cấy mô Đà Nẵng

.

Hơn một năm qua, Trung tâm (TT) Công nghệ sinh học và Ứng dụng Khoa học Công nghệ đã chuyển giao mô hình kỹ thuật trồng và nhân ươm cây hoa cúc giống vàng hòe từ cây nuôi cấy mô (NCM) tế bào thực vật cho một số hộ nông dân trên địa bàn thành phố. Đây là mô hình đầu tiên khép kín từ khâu vào mẫu trong bình thí nghiệm cho đến khi ra sản phẩm cây giống để trồng thành cây cúc thương phẩm.

Chủ động cây giống cúc vàng hòe

Ông Trương Thế Ngọc bên vườn cúc vàng hòe tươi tốt, sản phẩm của “thương hiệu cây giống NCM Đà Nẵng”.  

Hơn một năm nay, gia đình ông Trương Thế Hợi, tổ 8, phường Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ không phải chạy đôn chạy đáo đặt mua cây cúc giống từ Đà Lạt để gieo trồng trên diện tích gần 1ha của mình, tiết kiệm được một phần kinh phí không nhỏ. Đường xa, cộng thêm phí vận chuyển và bảo quản, cây giống này khi về đến tay những gia đình chuyên trồng hoa cúc như ông luôn bị thương lái đôn lên một giá, cao hơn giá thực tế từ 10 đến 20%. Tính ra, mỗi năm 12 lứa hoa trồng quay vòng, với 10 ngàn cây/lứa, gia đình ông phải bỏ ra từ 17 đến 20 triệu đồng mua cúc giống.

Từ tháng 8 năm 2008, TT đã chuyển cho ông Hợi trồng thí điểm 2.000 cây cúc giống là kết quả của mô hình kỹ thuật trồng và nhân ươm cây hoa cúc giống vàng hòe từ cây NCM. Bình thường thì cây giống chỉ trồng từ 6-7 tháng là phải phá để thay đổi lứa khác nhằm bảo đảm khả năng sinh trưởng tự nhiên. Nhưng với mô hình mới này, ông Hợi đã tận dụng hết khả năng nhân giống của nó. Cụ thể sau 15 tháng, ông mới phá để mua mầm mới từ TT. Trong khoảng thời gian đó, bình quân từ thân một cây giống NCM, ông đã nhân được 120 cây giống mới, theo chu kỳ 1 tháng cắt mầm 3 lần, khi ấy mầm đã phát triển từ 5-7cm, tiến hành bấm đọt để lại 1 búp và 3 lá. Sau đó giâm lấy rễ, lấy cây thế hệ F1, tiếp tục làm giống.

Thu về lượng cây giống khá nhiều, ông Hợi đã bán lại cho nhiều hộ nông dân trồng hoa tại Ngũ Hành Sơn, Sơn Trà, Đại Lộc (Quảng Nam)… với mức giá 100 cây/7.000 đồng, rẻ hơn 2.000 đồng so với cúc giống được mua từ Đà Lạt mà chất lượng thì không thua gì.

Không may mắn như ông Hợi, một nông dân khác ở thôn Nhơn Thọ 1, xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang là ông Nguyễn Huân cũng dành một phần đất trồng hoa của gia đình để tiến hành trồng cây được nuôi cấy từ mô tế bào thực vật do TT cung cấp. Tuy không đạt được những hiệu quả kinh tế vượt trội nhưng bước đầu, mô hình này cũng đã giúp ông Huân tiết kiệm được một phần kinh phí mua cây giống, góp phần tạo tâm lý an tâm sản xuất vì đã có nguồn cây giống sẵn có.

Kỹ thuật nuôi cấy mô tế bào thực vật trước tiên là để nhân giống thực vật (như nhân giống cây trồng nông-lâm nghiệp, hoa, cây cảnh…), bằng cách lấy các bộ phận khác nhau của thực vật như đế hoa, chồi, nhánh, hạt, lá… có kích thước nhỏ, được sinh trưởng trong môi trường xác định, ở điều kiện vô trùng, trong các ống nghiệm hoặc trong các bình nuôi cấy khác. Môi trường nuôi cây có đầy đủ các loại thành phần dinh dưỡng như muối khoáng, vitamin, đường, chất kích thích tăng trưởng nhưng ở đây được bổ sung dưới dạng từng đơn chất một, tinh khiết.

Ông Đặng Thuấn, Phó Chủ tịch Hội Nông dân phường Hòa Thọ Tây cho biết, toàn phường hiện nay có khoảng 13 hộ dân chuyên trồng hoa, cây cảnh để bán ra thị trường. Trong đó, ông Hợi là hộ duy nhất được TT hỗ trợ thực nghiệm trồng cây cúc từ phương pháp NCM trong năm 2008. Nhưng do được trồng chung trên diện tích đất vài ha chuyên trồng cúc của địa phương nên hiệu quả kinh tế đã được bà con nông dân nhìn thấy. Hiện nay, phần lớn những người trồng hoa ở Hòa Thọ Tây đều đến vườn nhà ông Hợi để mua cây giống, vừa bảo đảm sinh trưởng nhanh, giá cả lại rẻ hơn thị trường nên đang được ưa chuộng.

Từng bước phổ biến cho người dân

Hơn 10.000 cây giống NCM và khoảng 2.000 cây giống trồng thành hoa thương phẩm đã được TT Công nghệ sinh học và Ứng dụng Khoa học Công nghệ sản xuất, cung cấp cho các địa phương (thuộc quận Cẩm Lệ và Hải Châu) và TT giống nông nghiệp thành phố chính là kết quả của Chương trình cung cấp cây giống từ NCM được sự phối hợp giữa Sở khoa học và Công nghệ với Hội Nông dân TP. Đà Nẵng từ tháng 8 năm 2008. Đối với các giống hoa khác, chủ yếu các loại hoa phong lan có chu kỳ sinh trưởng, phát triển dài (1,5 năm), đến nay TT đã tạo được số lượng cây giống khá nhiều (hơn 4.000 cây), trong đó khoảng 500 cây đã đưa ra thử nghiệm ngoài vườn, đang trong giai đoạn phát triển tốt. Bước đầu chứng minh một số loại hoa, cây cảnh được nuôi cấy có khả năng chịu được thời tiết tốt, phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng Đà Nẵng.

Ông Đặng Thuấn đang thăm một hộ nông dân chuyên trồng lan lên địa bàn để chuẩn bị cho việc phổ biến cây giống từ NCM.

Ngoài ra, TT cũng hỗ trợ lớp tập huấn kỹ thuật chăm sóc hoa phong lan có nguồn gốc từ NCM cho 50 hộ nông dân tại quận Hải Châu và đang thực hiện 4 mô hình cung cấp giống và tập huấn kỹ thuật chăm sóc hoa lan NCM (theo Chương trình Ứng dụng tiến bộ KHCN tại vùng nông thôn) gồm 1.600 cây cho 4 hộ ở các vùng Hòa Cường Bắc và Hòa Thọ Tây. Theo ý kiến của một hộ chuyên trồng hoa lan ở Hòa Cường Bắc, thông thường trước đây, mọi người thường mua cây giống ngoài thị trường khi nó đã phát triển khoảng 15cm, có đủ nhánh, rễ để bảo đảm cho sự phát triển, nhằm mang lại những giò hoa đẹp, dễ tiêu thụ sau này. Vì đã quen với cách trồng truyền thống này, nên nhiều bà con vẫn e ngại khi nói về trồng lan từ NCM.

Nói về điều này, ông Bùi Ngọc Huy, Phó trưởng phòng NCM, TT Công nghệ sinh học và Ứng dụng Khoa học Công nghệ cho biết, hiện nay những cây giống từ NCM được bà con quan tâm là giống cúc vàng hòe và mô hình trồng rau mầm vì nó được trồng quanh năm, nhanh mang lại hiệu quả kinh tế, dễ kiểm soát được bệnh và phù hợp với khí hậu Đà Nẵng. Trong năm 2009, Cơ sở NCM tại xã Hòa Ninh, Hòa Vang tiếp tục thực hiện 3 mô hình về kỹ thuật NCM, làm giống cây hoa cúc và tập huấn về kỹ thuật trồng ly ly cho nông dân. Theo ông Huy, ưu điểm của cây giống nuôi cấy mô tế bào là chất lượng cây giống đồng nhất, sạch bệnh, bảo tồn nguồn gel, có thể sản xuất với số lượng theo yêu cầu và chủ động được về nguồn giống.

Cũng nằm trong chương trình ứng dụng tiến bộ KHCN tại vùng nông thôn, đến nay đã có khoảng 25 hộ đăng ký thực hiện mô hình trồng rau mầm tại phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, bước đầu cho hiệu quả kinh tế rõ rệt. Tuy nhiên, do chưa có đầu ra ổn định nên những hộ này vẫn sản xuất ở mức cầm chừng, chỉ duy nhất có hộ ông Phan Tiên Phong ở tổ 39 là sản xuất hàng loạt và bán đại trà. Ông Phong tâm sự, trước khi chương trình diễn ra, gia đình ông cũng đã trồng rau mầm để bán ra thị trường, nay có điều kiện áp dụng tiến bộ KHCN vào sản xuất, rau mầm lớn nhanh và ít bị sâu bệnh.

TIỂU YẾN

;
.
.
.
.
.