.

Vần thơ mai trắng

Đất Quảng Nam có một thi nhân “cực kỳ hay chữ” được người đương thời xưng tụng hết lời. Ông này từng đi sứ sang Trung Hoa hai lần; từng làm thơ xướng họa với nhiều danh sĩ phương Bắc và từng được các vị ấy khen là “tú ngữ đoạt sơn lục” (vẻ đẹp của lời thơ át cả vẻ hùng vĩ của núi xanh).

Giai thoại còn truyền: thi nhân phương Bắc chẳng ai dám đề thơ trên lầu Hoàng Hạc vì trước đó Thôi Hiệu đã có một bài thơ “Hoàng hạc lâu” tuyệt tác khó ai có thể vượt qua; vậy mà, ông sứ giả nước Nam nói trên đã dám phóng tay viết đến hai bài thơ về tòa lầu nổi tiếng này mà ai cũng chịu là hay! Người văn hay chữ tốt đó là Nguyễn Thuật, bút hiệu Hà Đình, quê làng Hà Lam, huyện Thăng Bình, Quảng Nam; thi đỗ rồi làm quan vào hạ bán thế kỷ 19; từng giữ chức Thái tử thiếu bảo - Hiệp biện đại học sĩ, giảng dạy các hoàng tử suốt 4 triều - từ thời vua Tự Đức trở về sau Thơ văn của Hà Đình đa phần là chữ Hán mà trong đó “Mỗi hoài ngâm thảo I và II” tập hợp nhiều nhất những bài thơ về đề tài phong cảnh Trung Hoa và Việt Nam. Những bài vịnh cảnh ấy- nhất là mô tả cảnh mùa xuân - thật là đặc sắc! Qua đó, thể hiện tình yêu nước sâu sắc và kín đáo của một trong những “người đi sứ” cuối cùng vào buổi lụi tàn trong quan hệ của hai nước Việt-Trung thời phong kiến.

Bàn về giai đoạn “đặc biệt” này, sử gia Trần Trọng Kim đã viết: “Từ năm Giáp Tuất 1874 trở đi, triều đình Huế đã ký tờ hòa ước với nước Pháp, công nhận nước Nam độc lập, không thần phục nước nào nữa, nhưng lúc bấy giờ vì thế bất đắc dĩ mà ký tờ hòa ước, chứ trong bụng vua Dực Tông (Tự Đức) vẫn không phục, cho nên ngài cứ theo lệ cũ mà triều cống nước Tàu, có ý mong khi hữu sự, nước Tàu sang giúp mình” (Việt Nam sử lược tr.516 NXB Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh tái bản năm 2005). Nguyễn Thuật đi sứ trong hoàn cảnh ấy. "Nhưng, ngoại trừ những ghi chép công việc sứ thần hằng ngày trình cho nhà vua đầu năm 1884, thơ văn ông ít đề cập đến thời thế; nếu có, cũng chỉ là bóng gió xa xôi”. Năm Tân Tỵ 1881, đi trên thuyền đến Yên Kinh gặp tuyết rơi, Hà Đình tả cảnh chớm Xuân phương bắc:

Nhứt lộ khán mai hoa
Mỗi hiềm bất kiến tuyết
Hàn phong tạc dạ nghiêm
Diêu vân vi ngưng kết
Tán tác hoa không trung
Dữ mai cánh vô biệt
Tân phân lạc bối bồng
Thôi xao đôi quỳnh tuyết
(Thuyền trung ngộ tuyết)
Mỗi bước trên đường đều thấy hoa mai
Chỉ hiềm là chẳng thấy tuyết rơi
Bỗng dưng đêm qua có ngọn gió lạnh ngắt thổi qua
Làm ngưng kết những đám mây đẹp
Thành những đám hoa tuyết vãi tung tóe trên không
Chẳng khác gì những nụ hoa mai trắng
Rơi tơi tả xuống những mái nhà lợp cỏ bồng

Ông có câu thơ trong bài “Viết chớp nhoáng khi qua Lư Cầu kiều” rất lạ, đáng được xem là một tuyệt cú:

Lậu xuân phá lạp nhất chi mai
Mùa xuân đến thay đổi cảnh sắc tháng Chạp bằng một cành mai
Ông tả không khí Tết ở làng xóm Trung Hoa qua vài nét chấm phá
Bán không bộc trúc phất tình lưu
Yên ái gian thiên thục khí phù
Xuân sắc tảo hoa quy lý huyện
Viễn hoài lai thượng thủy biên lâu
(Tân Tỵ nguyên đán nhật)
Pháo tre nổ giữa từng không (khiến) tình (xuân) lai láng
Khói phủ bên trời, khí ấm dâng đầy
Sắc xuân theo màu hoa nở sớm về nơi này
Bước lên lầu ven sông nhớ về chốn xa xăm
Xuân tha phương, Hà Đình bồi hồi thương nhớ quê nhà:
Tranh xúc Lĩnh Nam xuân tín cận
Hương tâm tiên trục mộng trung hồi
Gần chạm (cõi) Lĩnh Nam tin xuân (càng) tới gần
Lòng nhớ cố hương về sớm theo giấc mộng
(Thiếu Phủ Tăng Huệ đối liên…)
Tròn một năm đi sứ, trên bước đường về, ông viết:
Giang mai tình tuyết tảo xuân thiên
Yên cảnh y nhiên tiết sứ hoàn
Hết tuyết, hoa mai bên sông báo xuân đến sớm
Cảnh khói sương như cũ lúc người đi sứ trở về
(Thứ vận thù Linh Xuyên huyện lịnh)

Đến sông Minh Giang, gần biên giới, Hà Đình viết câu thơ đầy ẩn ý:

Nhứt sự quan hoài bát bất khai
Lâm phong, nhựt vọng hảo âm lai
Quốc tăng hồng phúc gia vô dạng
Tranh thắng thiên kim mãn tải hồi
(Có) một việc mong mãi mà chưa nói ra
Gió về, ngày ngày ngóng tin tốt đẹp đưa lại
Nước thêm phước lớn, nhà không có chuyện gì
Tranh (được) hơn ngàn vàng chở đầy trở về!
(Minh giang châu trung hỉ tác)

Và khi về đến ải Nam Quan, ông viết một câu nữa cũng ẩn ý không kém:

Tích tuế hương quan mộng mị tần
Kim triêu vân thụ nhãn trung chơn
Đoàn thành sơn thủy hồn như tác
Địa chủ tân lai thị cố nhân
(Cả) năm qua mơ mãi về chốn cố hương
Sáng nay mới thực thấy rõ cảnh sắc quê nhà
Vẻ sông núi quanh quan ải vẫn như xưa
Người chủ đất mới đến lại là người cũ
(Minh giang châu trung hỉ tác)

Chưa có điều kiện tìm hiểu sâu ý tứ của tác giả trong hai câu này; nhưng, xem các ý “tranh thắng thiên kim mãn tải hồi” và “địa chủ tân lai thị cố nhân” thì có vẻ như Nguyễn Thuật và sứ bộ đã đem về cho nước nhà một thắng lợi lớn. Thắng lợi đó là gì? Câu trả lời xin nhờ các nhà sử học!

Thơ Xuân của Hà Đình đầy hình ảnh mai trắng. Trên đường từ phủ Cam Lộ đến huyện Mai Lĩnh, Quảng Trị, ông thấy:

Bán lĩnh lộ hòa mai nhị bạch
Nửa ngọn núi hiện rõ cùng đám mai trắng
(tự Cam Lộ phủ chí Mai Lĩnh đồ trung hữu tác)
Tiễn một ông quan hưu trí về quê ở Nam kỳ, ông cũng viết:
Mai cương hà xứ trú ngâm yên
Hương mộng du du thủy nguyệt hàn
Gò mai giờ náu chốn nào?
Quê nhà nương bóng chiêm bao lạnh lùng
(Tống điển nông thị lang Phan Tùng Phong …)

Mai cương ở đây là gò mai trắng nằm giữa thành Gia Định xưa. Văn nhân thi sĩ thời ấy dùng hình ảnh “Mai cương” này để chỉ vùng Gia Định nói riêng và miền Lục tỉnh nói chung lúc ấy đã rơi vào tay giặc Pháp. Đọc “câu thơ mai trắng” trên có thể thấy tâm sự Hà Đình trong hoàn cảnh đó thê thiết đến nhường nào!

Cũng trong tâm trạng ấy, thơ Xuân ông hiện ra bóng dáng thành quách hoang tàn và nhà dịch trạm vắng người qua lại:

Xuân phong viễn dịch trì mai tín
Tàn lạp hoang thành thặng liễu chi
Gió xuân còn xa nhà dịch trạm làm tin xuân đến chậm
Hết tháng chạp trên thành hoang còn sót vài cành liễu
(Khách trung)
Ông quan hay chữ thời
 mất nước ấy chỉ còn biết mong ngóng ngọn gió đông nam báo hiệu mùa Xuân “núi sông thu về một mối” mà ông hằng ao ước:

Hữu nhật mai cương qui tích thụ
Hội khan tài mỹ tận đông nam
Ngày nào đó gò mai góp lại đầy đủ cỏ cây xưa
Sẽ có dịp cùng nhìn những điều tốt đẹp trải khắp vùng đông nam
(Bồn trung tiểu mai nguyên vận)

Hà Đình qua đời tháng 11 năm Tân Hợi (1911). Giấc mơ được gặp lại ‘gò mai trắng” trong gió mùa xuân của ông đã được hậu thế thực hiện đủ đầy: Nước nhà độc lập; non sông thu về một mối; mai trắng mai vàng tranh nhau khoe sắc mỗi độ đông tàn. Mùa Xuân, đọc lại thơ ông - những vần thơ mai trắng - lòng cứ nao nao! Nhớ ông, nhớ con người hay chữ và tài hoa, như còn thấy thấp thoáng đâu đây dáng hình của “những người muôn năm cũ”.

LÊ ĐÌNH CƯƠNG


;
.
.
.
.
.