.

Việt Nam sẵn sàng đảm nhận tốt nhiệm vụ Chủ tịch ASEAN năm 2010

.

Kể từ ngày 1-1-2010, Việt Nam sẽ đảm nhận chức Chủ tịch ASEAN cho đến hết tháng 12-2010. Trong 1 năm Việt Nam đảm nhiệm trọng trách này, sẽ có một loạt Hội nghị lớn bao gồm 2 Hội nghị Cấp cao, trên 8 Hội nghị Bộ trưởng, chưa kể các Hội nghị Bộ trưởng chuyên ngành khác. Trong một năm đó, Việt Nam điều phối toàn bộ khuôn khổ về mặt nội dung, định hướng cho các diễn đàn khác nhau liên quan đến ASEAN.

Việt Nam có uy tín cao đối với cộng đồng quốc tế.

Việt Nam ngày nay là đối tác chiến lược của nhiều nước, đầu tư nước ngoài và kim ngạch ngoại thương tăng trưởng năng động. Chính sách đối ngoại hòa bình - hợp tác - hữu nghị của Việt Nam cùng với cục diện thế giới hiện nay mang lại cho Việt Nam vị thế quốc tế cao nhất trong lịch sử của mình với tư cách là một quốc gia độc lập, có chủ quyền.

Việt Nam thực hiện vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2010 trong bối cảnh ASEAN bắt đầu triển khai hoạt động trên cơ sở Hiến chương ASEAN có hiệu lực và hợp tác ASEAN, cả về nội khối và với các đối tác bên ngoài, đang chuyển mạnh sang giai đoạn mới. Năm 2010 đánh dấu mốc 5 năm hướng tới mục tiêu hình thành Cộng đồng ASEAN, nên phải thúc đẩy nhanh, mạnh hơn việc xây dựng Cộng đồng ASEAN. Trước những thách thức toàn cầu đang đặt ra, ASEAN cần phải tăng cường hơn nữa hợp tác nội khối đi đôi với hợp tác bên ngoài để cùng đối phó.

Theo Tổng Thư ký ASEAN Surin Pitsuwan, trong năm 2010, ASEAN sẽ được hưởng lợi nhiều khi Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN, bởi Việt Nam có uy tín cao đối với cộng đồng quốc tế. Ông Surin Pitsuwan cho rằng, với nền kinh tế tăng trưởng nhanh, năng động và cạnh tranh, Việt Nam đang hình thành một mạng lưới rộng khắp bạn bè và những người ủng hộ mình. Việt Nam đang là tâm điểm chú ý của các nước về đầu tư cũng như thương mại. ASEAN đang cần thu hút sự quan tâm của thế giới và Việt Nam có điều đó.

Trong năm 2010, Việt Nam và ASEAN ưu tiên tăng cường đối thoại và hợp tác về các vấn đề thuộc quan tâm chung, nâng cao hiểu biết và tin cậy giữa các quốc gia. Việt Nam và ASEAN cũng đẩy mạnh hợp tác với các bên Đối thoại như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Liên bang Nga, Ấn Độ, Mỹ, EU..., nâng cao hiệu quả hoạt động hợp tác của ASEAN và các diễn đàn liên quan (ASEAN+1, ASEAN+3, EAS, ARF…) vì hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực, đồng thời đối phó hiệu quả với những thách thức đang đặt ra như khủng hoảng kinh tế, biến đổi khí hậu, môi trường, thiên tai, dịch bệnh, khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, an ninh trên biển…

Bên cạnh đó, một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của ASEAN là thúc đẩy kết nối ASEAN, đi đôi với thu hẹp khoảng cách phát triển, thông qua thực hiện có hiệu quả Kế hoạch Công tác về Sáng kiến liên kết ASEAN (IAI). Là Chủ tịch ASEAN, Việt Nam sẽ tạo được sự quan tâm hơn đến ASEAN từ các đối tác đối thoại như Mỹ, Australia, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc... Vai trò của Việt Nam rất quan trọng, vì Việt Nam sẽ đưa ra các diễn đàn để các nước đối tác như Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ... cùng ngồi lại với nhau.

Năm 2010 còn là mốc quan trọng trong tiến trình xây dựng một cộng đồng ASEAN vào năm 2015. “Vì vậy, chúng tôi mong muốn Việt Nam đóng vai trò lãnh đạo tiến tới Sáng kiến hội nhập ASEAN (IAI). Đồng thời, thực hiện Hiến chương ASEAN và ba kế hoạch tổng thể về an ninh chính trị, kinh tế và văn hóa – xã hội”, ông Surin Pitsuwan cho biết. Ông Surin cũng đáng giá rất cao việc Việt Nam đã thành lập Ủy ban Quốc gia ASEAN 2010. Đây là sáng kiến đầu tiên của Việt Nam, vì chưa có nước nào thực hiện việc này. Năm 2010 cũng là năm đầu tiên Ban Thư ký ASEAN đồng hành cùng nước làm Chủ tịch, thực hiện các chương trình mà Chủ tịch khối đưa ra.

GIA HUY




;
.
.
.
.
.