.
Xã giao thường thức

NGHỆ THUẬT NÓI LỜI XIN LỖI

.

Trong thực tế cuộc sống, dù vô tình hay hữu ý, bạn có thể làm phiền lòng những người thân hay bạn bè của mình. Và, bạn phản ứng như thế nào, sau đó sẽ làm gì để thay đổi tình thế? Một lời xin lỗi chân thành có thể sẽ được cải thiện, giữ lại những mối quan hệ quan trọng và rất có ý nghĩa với bạn như: Xoa dịu cơn giận, hàn gắn một trái tim tan vỡ...

Hãy biết cách nói lời xin lỗi... 

Theo một nghiên cứu của Đại học Michigan (Mỹ), việc xin lỗi không chỉ làm tốt hơn các mối quan hệ mà còn rất có lợi cho sức khỏe, chẳng hạn như giảm stress. Trong khi đó, né tránh lời xin lỗi sẽ khiến mối quan hệ trở nên căng thẳng hơn và có thể còn cho thấy những điểm chưa tốt trong cách xử sự của bạn... Tuy nhiên, không phải lúc nào bạn cũng có thể thể hiện thiện ý của mình. Hãy học cách nói lời xin lỗi.

* Khi bạn là người có lỗi: Có 3 bí quyết để một lời xin lỗi được chấp nhận là biết hối hận về những gì bạn đã làm, nhận trách nhiệm về việc đó và sẵn sàng cải thiện tình hình. Khi bạn nói lời xin lỗi với ai đó, hãy nhìn vào mắt họ và giữ bình tĩnh. Ngay cả khi phải mất khá lâu người kia mới trả lời bạn, thì cũng đừng nổi nóng vì bạn không thể mong đợi ai đó chấp nhận lời xin lỗi ngay lập tức.

* Khi cả 2 đều có lỗi: Cho dù thực tế như vậy, vẫn phải có 1 trong 2 người nói lời xin lỗi trước. Tất cả những gì bạn nên làm là nhận phần lỗi do mình gây ra. Tuy nhiên, bạn có thể hành động một cách khéo léo để gợi mở lời xin lỗi từ người kia. Trong trường hợp này, bạn nên tiếp cận vấn đề một cách bình tĩnh, không mang tâm trạng hờn giận và sẵn sàng tha thứ hoặc bỏ qua cho người kia.

* Khi nào thì không nên nói lời xin lỗi: Đừng xin lỗi khi bạn không thật sự cảm thấy mình có lỗi, bởi nó có thể sẽ dập tắt mọi cơ hội cho một lời xin lỗi chân thành trong tương lai. Đặc biệt phụ nữ thường có xu hướng “vội vàng” nói xin lỗi. Hãy chắc chắn rằng bạn phải chịu trách nhiệm cho một lỗi lầm nào đó trước khi tìm cách giải quyết nó bằng cách nói “tôi xin lỗi.”

* Không nên đề cập đến việc ai là người có lỗi, việc đó sẽ chẳng dẫn bạn tới đâu, thậm chí còn khiến mọi chuyện tồi tệ hơn.

* Chắc chắn rằng bạn đã thừa nhận lỗi lầm của mình: Việc này sẽ giúp người kia hiểu rằng bạn có ý thức được việc đã khiến người kia buồn lòng. Bạn có thể nêu lý do cho những gì mình đã làm hoặc không cần, tùy theo tình huống.

* Cho họ biết là bạn sẽ không bao giờ tái phạm: Hãy để cho bạn của bạn hoặc người mà bạn đã có lỗi hiểu rằng bạn không có ý định lặp đi lặp lại lỗi của mình.

* Xin được tha thứ: Trước hết, hãy tha thứ cho chính mình. Bạn sẽ khó có thể chấp nhận sự tha thứ của người khác nếu bạn vẫn chưa tha thứ cho mình. Hãy tự hứa với bản thân là bạn sẽ không bao giờ lặp lại chuyện đó nữa. Tuy nhiên hãy nhớ rằng đó sẽ là lựa chọn và quyết định của người kia.

Đôi khi, dù bạn đã xin lỗi, nhưng vì người kia quá buồn và thất vọng vì những gì đã xảy ra nên không thể dễ dàng cho qua mọi chuyện. Điều quan trọng là bạn không nên quá kỳ vọng người đó sẽ tha thứ cho bạn. Nếu lời xin lỗi không được chấp nhận, hãy an ủi với sự thật là bạn đã làm tất cả những gì có thể và hy vọng rằng thời gian sẽ làm nguôi ngoai mọi chuyện.

Nói lời xin lỗi không phải là một việc quá khó khăn. Nếu nó có thể hàn gắn các mối quan hệ của bạn thì tại sao bạn lại ngại nói ra hai từ đó. Hãy biết cách nói lời xin lỗi, hãy để chuyện đã qua mãi là quá khứ và tiếp tục đón nhận những điều tốt đẹp từ cuộc sống này.

NHẬT LÊ (Theo ehow)

 

;
.
.
.
.
.