.

Ý tại ngôn ngoại

.

Người dịch Hán-Nôm ở Đà Nẵng giờ chỉ đếm trên đầu ngón tay. Các cụ cũng đều bước vào tuổi xưa nay hiếm, nhưng những cuốn sách được những nhà nho giỏi giang này dịch, viết rất công phu, ý nghĩa hàm súc, chứng tỏ họ phải đau đáu với từng từ, từng chữ để chuyển tải các tầng nghĩa của ngôn từ.

Muốn dịch phải hiểu lịch sử...

Dịch thuật, vốn bị xem như “giết chết” ý nghĩa đích thực của tác phẩm khi người dịch chuyển tải từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác. Dịch thơ, văn hay các văn bản được viết bằng chữ Hán hay chữ Nôm sang tiếng Việt còn khó gấp bội vì có nhiều điển tích, điển cố, hoặc người viết muốn chuyển tải một nghĩa khác đằng sau bề mặt câu chữ, là phương pháp “ý tại ngôn ngoại” trong văn chương cổ, lúc đó người dịch phải biết hoặc tìm các tài liệu liên quan để vừa dịch sát nghĩa, và chú thích giúp người đọc dễ hiểu nhất.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Sinh Duy và tờ đơn bằng chữ Nôm viết về vụ kiện của dân làng Nghi An.

Trong cuốn sách dày 800 trang sắp xuất bản viết về vụ kiện của dân làng Nghi An (Phước Tường, Đà Nẵng), nhà nghiên cứu Nguyễn Sinh Duy đã phải tiếp cận nhiều văn bản bằng chữ Hán, chữ Nôm và tiếng Pháp. Vụ kiện diễn ra vào năm 1904, dưới thời vua Thành Thái năm thứ 14, dân làng Nghi An kiện quan tây kho bạc Javenlle. Đơn kiện được viết bằng chữ Nôm, trong khi hồ sơ của vụ kiện được viết bằng tiếng Pháp và lập biên bản 2 lần. Một đặc điểm của chữ Nôm là tiếng Việt được diễn tả bằng các Hán tự, nên người dịch phải đặt từng chữ, từng câu vào ngữ cảnh mới tìm ra được nghĩa gốc, và phải đọc theo ngữ âm của từng vùng miền như giọng miền Bắc, giọng miền Trung lại phân ra từng vùng như giọng Huế, giọng Quảng hay giọng miền Nam. Ông Nguyễn Sinh Duy cho rằng, chữ Nôm khá rắc rối như vậy cho nên có khi với một chữ đã được dịch, nhưng ông vẫn cẩn thận tra tự điển để tìm chữ hợp ngữ cảnh văn bản, hoặc mang đi hỏi nhiều người để tìm ra nghĩa cuối cùng mới dám quyết định đó là từ cuối cùng cần dịch.

Ngoài chữ Nôm thì chữ Hán cũng có nhiều thành ngữ. Muốn dịch tốt, người dịch phải biết các thành ngữ của người Hán cũng như nhiều dân tộc khác của Trung Quốc. Ông Nguyễn Sinh Duy cũng như nhiều nhà dịch thuật khác đều cho rằng muốn dịch văn bản tiếng nước ngoài ra tiếng Việt, dù ở thời nào, già hay trẻ, người dịch đều phải học, đọc nhiều, vì biết mười mới dịch được một. Ông Ngô Văn Lại (bút danh Thái Trọng Lai), một nhà dịch thuật có tiếng ở Đà Nẵng cũng như cả nước, khi dịch một bài thơ của vua Tự Đức đã phát hiện ra nhiều câu tục ngữ, thành ngữ của người Việt mà đôi khi ít người biết đến do nó ít thông dụng. Sau câu thơ “Gió thu rụng lá ngô đồng/Mưa xuân ướt đầm lá hẹ” (Tự Đức) viết về chuyện vua phong tước vương trước thời hạn cho một ông chú nội được in trên một bản sách bằng đồng do Bảo tàng huyện Điện Bàn, Quảng Nam sưu tầm được; và phải 10 năm sau khi dịch được bài thơ, ông Ngô Văn Lại mới hiểu được câu thơ qua câu ca dao “Mưa lâm thâm ướt đầm lá hẹ/Ta thương người có mẹ không cha”, do vua Tự Đức thương ông chú nội khi sinh ra chỉ còn mẹ, lúc đó vua Gia Long đã quy tiên.

Người dịch thuật, khám phá văn chương cũng giống như khám phá khoa học, có khi vì một chữ, một câu hay đôi khi là một đoạn văn nhưng phải đau đáu với nó nhiều tháng, nhiều năm mới hiểu được nghĩa gốc mà người viết muốn nói gì. Nên theo ông Ngô Văn Lại, ngoài dịch sát nghĩa thì việc chú thích thế nào cũng rất quan trọng đối với những bản dịch văn học; và ông cho rằng, “dịch thì tài phải ngang hoặc hơn tác giả thì mới được xem là đạt”.

Biết làm đúng nhưng vẫn phải thử lại

Dịch thuật như việc nghiên cứu khoa học, phải thử đi thử lại nhiều lần để tìm ra kết quả cuối cùng, xem có ăn khớp, hợp lý hay không là tiêu chí của những người chuyên làm nghề dịch thuật, có tâm huyết với nghề. Ông Ngô Văn Lại nói vui một câu “khi dịch, phải lấy cái đầu mình ra mà chơi”, để diễn tả sự “ứng vạn biến” trong khi dịch, để chuyển tải câu chữ cho khoáng đạt. Cho nên theo ông dịch thơ là khó nhất, vì mỗi câu thơ sau khi dịch xong vẫn giữ được vần, điệu của bài thơ, nên dịch thơ cũng mất rất nhiều thời gian.

Ông Ngô Văn Lại mong muốn có nhiều ý kiến phản hồi từ phía các nhà nghiên cứu, dịch thuật và bạn đọc để những bản dịch ngày càng hoàn thiện hơn

Còn việc dịch văn bia, đặc biệt là bia chữ Nôm được ông Nguyễn Sinh Duy xem là khó nhất. Vì người dịch cần suy nghĩ kỹ, sâu mới gợi được mạch văn của người viết, vì văn bia luôn bảo đảm yếu tố cô đọng. Người dịch ngoài việc tiếp cận văn bản, có khi phải đến tận nơi xem văn bản gốc. Như ông Duy khi dịch tấm bia 345 chữ ở Lai Viễn kiều (chùa Cầu, Hội An), đã phải 5-7 lần đạp xe vào Hội An ghi chép, sờ từng chữ, coi thực trạng tấm bia như thế nào, xem xét rất cẩn thận để khi về dịch phải dịch đúng từ đó.

Năm 1961, khi đang là sinh viên của ĐH Sư phạm Huế, ông Ngô Văn Lại đã rất may mắn khi tiếp cận được với 1.299 tài liệu bằng chữ Hán của dòng tộc Ngô Gia văn phái, và ông xem đây là một trong những bước ngoặt của cuộc đời để đeo đuổi nghề dịch thuật ngoài nghề dạy học. Cũng trong năm này ông là người đầu tiên dịch bài ký “Chinh tây kỹ hành” của vua Lê Thánh Tông. Để đến sau này, ông được xem như là người dịch nhiều nhất về thơ văn của nhiều ông vua, nhiều vị quan, trong đó nổi bật nhất là thơ của Cao Bá Quát. Trong số những bản dịch của mình, ông Ngô Văn Lại tâm đắc nhất với hai bài thơ của Cao Bá Quát là “Sương hoặc tam thập vận” và “Nhàn cư xuân giản chư hữu” và bản dịch cuốn tự truyện 6 cuốn “Văn nghị công niên biểu” của Trần Tiễn Thành, một vị quan dưới thời vua Tự Đức. 77 tuổi, tham gia dịch văn thơ chữ Hán lúc chưa đầy 30 tuổi, ông Lại đã cảm thấy mãn nguyện với những gì mình đã làm được.

Còn với nhà nghiên cứu Nguyễn Sinh Duy, việc dịch thuật chủ yếu giúp ông hiểu tài liệu khi nghiên cứu sử học, nhưng những văn bia, văn bản bằng chữ Hán, chữ Nôm đã giúp ông hiểu về sử học của vùng đất Quảng Nam quê mình. Chỉ tiếc rằng, nhiều vấn đề về sử học được thể hiện qua các cuốn sách viết hay dịch với một bề dày tài liệu lại ít có sự phản hồi từ độc giả và các nhà dịch thuật. Có lẽ khi đọc một cuốn sách, cần phải khám phá về từng câu, chữ của người dịch, mới hiểu sâu được tác phẩm, mới được xem là đọc một cách tâm huyết, lúc đó mới hiểu hết công sức làm việc của những người chuyển tải ngôn từ.

HOÀNG NHUNG

 

 

;
.
.
.
.
.