.

Chung một nỗi lo

.

Mười một năm qua, bà Lê Thị Ái, tổ 4, phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn là bệnh nhân thường xuyên tại Khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Đà Nẵng. Đối với bà, mười một năm là khoảng thời gian đủ dài để nhìn thấy bao sự đổi thay, từ cơ sở vật chất đến cách chăm sóc bệnh nhân của các y, bác sĩ. Là bệnh nhân thường xuyên lui tới bệnh viện để điều trị, bà Ái tâm sự rằng, khi người ta ốm, nhất là với những căn bệnh mãn tính thì gánh nặng điều trị hoàn toàn phụ thuộc vào gia đình.

Bệnh viện là nhà

Anh Phạm Sỹ Hùng, Bí thư Đoàn thanh niên Ngân hàng NN&PTNN chi nhánh Đà Nẵng đang tặng phần quà là 200.000 đồng cho một bệnh nhân tại Khoa Thận nhân tạo.

Chuyện bệnh nhân và người nhà bệnh nhân lấy hành lang bệnh viện làm nơi sinh hoạt không còn là chuyện hiếm ở nhiều bệnh viện lớn. Từ lâu, tại Bệnh viện Đà Nẵng, một số hành lang trở thành “ngôi nhà chung” của nhiều người bệnh đến từ các tỉnh, thành khác như Quảng Nam, Quảng Ngãi…

Theo bác sĩ Nguyễn Hữu Đa, Trưởng khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Đà Nẵng, mỗi ngày khoa có khoảng trên dưới 150 bệnh nhân suy thận mãn tính đến điều trị. Phần lớn là bệnh nhân cấp cứu nên công việc của các y, bác sĩ tại khoa hầu như lúc nào cũng bận rộn và căng thẳng. Nhiều bệnh nhân đã sống chung với căn bệnh suy thận hơn mười năm. Trước đây, bệnh nhân đóng bảo hiểm y tế (BHYT) bắt buộc hoặc tự nguyện đều được hỗ trợ hoàn toàn kinh phí điều trị.

Khi Luật BHYT mới được ban hành, người bệnh đồng chi trả từ 5% dành cho người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động, trợ cấp bảo trợ XH hằng tháng, người thuộc hộ gia đình nghèo, người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn và 20% đối với các đối tượng khác. Trung bình mỗi tháng, bệnh nhân phải chi khoảng 300.000 đồng (đối với 5%) và 1.500.000 đồng (đối với 20%) để được chạy thận 12 lần/tháng, chưa kể kinh phí đi lại, thuốc thang… Số tiền này không phải nhỏ đối với những gia đình có điều kiện kinh tế khó khăn. Nhất là khi mắc những căn bệnh này, phần lớn bệnh nhân không còn đủ sức khỏe để lao động, cuộc sống hoàn toàn phụ thuộc vào gia đình.

Qua câu chuyện với các bác sĩ tại Khoa Thận nhân tạo, chúng tôi biết được mẹ của bệnh nhân Võ Thành Chiến (1986) ở phường Phước Ninh, quận Hải Châu từng bán chiếc xe đạp là phương tiện đi lại duy nhất của gia đình để đóng tiền viện phí cho con. Gia đình thiếu vắng bờ vai của đàn ông, người phụ nữ này đã làm đủ mọi nghề từ phụ hồ, rửa chén đến sắp xếp hàng hóa thuê để đồng hành cùng con trên con đường chống chọi với căn bệnh ác nghiệt.

Chị Phan Thị Thanh Vân, cử nhân điều dưỡng đang công tác tại Khoa Thận nhân tạo cho biết, hành lang trước cửa vào khoa đã trở thành “nhà” của nhiều bệnh nhân. Hình ảnh ấy đập vào mắt các y, bác sĩ ở đây từ ngày này qua ngày khác. Nhiều y, bác sĩ đã đứng ra tổ chức vận động các đơn vị, cá nhân hỗ trợ những suất ăn miễn phí cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. Thỉnh thoảng, những người sống tại hành lang bệnh viện nhận được những phần quà từ vài tổ chức từ thiện. Mỗi lần có một đơn vị tìm đến liên hệ để phân phát quà, các y, bác sĩ tại đây lại nhanh chóng lên danh sách, để bảo đảm ai cũng nhận được hỗ trợ.

Những lá đơn cứu xét

Từ khi Luật BHYT mới được ban hành, đến nay, Khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Đà Nẵng đã nhận được hàng trăm lá đơn xin “cứu xét”. Phần lớn đều mang nội dung xin được miễn hoặc giảm phần nào kinh phí điều trị. Hầu hết chủ nhân của những lá đơn này là bệnh nhân nghèo, sinh ra và lớn lên tại các làng quê, trình độ học vấn còn hạn chế. Lật từng lá đơn, bác sĩ Nguyễn Hữu Đa chia sẻ: Đọc những lá đơn này thấy xót lắm, nhưng chúng tôi chỉ là bác sĩ, chữa bệnh cho bệnh nhân, không có đủ thẩm quyền để xem xét và giải quyết. Hơn nữa, đã là luật rồi thì ai cũng phải tự giác chấp hành. Đó không còn là nỗi lo riêng của từng bệnh nhân, mà còn “tác động ngược” đến những người làm công tác điều trị như chúng tôi.

Trong nhiều lá đơn cứu xét của bệnh nhân gửi các y, bác sĩ, chúng tôi tìm thấy lá thư với nội dung: “Tôi Nguyễn Thị Vân Lan, thân nhân của bệnh nhân Tưởng Văn Tề. Sau một thời gian bị bệnh nặng nằm điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng, gia đình tôi thấu hiểu nỗi đau của những bệnh nhân đang điều trị tại đây. Giờ đây chồng tôi không còn nữa nhưng còn để lại tấm lòng tri ân với bệnh viện bằng cách góp một món quà nhỏ là 1 máy điều hòa để bệnh nhân chạy thận bớt nóng trong những ngày hè oi bức”.
Có lẽ nội dung lá thư ngắn này đã nói lên rất nhiều điều ý nghĩa mà các y, bác sĩ tại Khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Đà Nẵng làm được trong suốt thời gian qua.  

Còn nhớ, trong một lần tác nghiệp tại Bệnh viện Hoàn Mỹ, bác sĩ Ngô Đức Hải, Phó Giám đốc phụ trách Khoa ngoại Tim mạch - Lồng ngực đã dẫn chúng tôi đến thăm bệnh nhân Lê Thị Hồng với mong muốn “viết về trường hợp của chị lên báo để thông tin đến các tổ chức, cá nhân giàu lòng hảo tâm”. Bác sĩ Hải cho biết, căn bệnh tim của chị Hồng đang ở giai đoạn nguy kịch, cần mổ ngay để bảo đảm tính mạng. Kinh phí cho ca mổ lên đến 80 triệu đồng, số tiền đó là quá sức đối với gia đình chị. Ở quê, chồng chị đã chạy đi vay mượn khắp họ hàng, người thân cũng chỉ được 10 triệu đồng. Ngay sau đó, thông tin về chị cũng đã được một đồng nghiệp quá cố của chúng tôi nhiệt thành đưa lên trang blogs cá nhân để tìm sự hỗ trợ. Kết quả của tình cảm đó là chị Hồng đã được hỗ trợ 100% kinh phí mổ tim. Bác sĩ Hải cùng các đồng nghiệp của mình đã tham gia ê-kíp mổ tim từ thiện chia sẻ: “Chúng tôi thật sự xúc động khi tham gia ê-kíp mổ cho những trường hợp này. Bởi thành công của ca mổ không còn là mong muốn của riêng chúng tôi hay người nhà bệnh nhân, mà còn là sự mong muốn và cầu nguyện của nhiều tấm lòng hảo tâm”.

Quay lại câu chuyện tại Khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Đà Nẵng những ngày đầu năm. Khi chúng tôi đến, Đoàn Thanh niên và Công đoàn thuộc Văn phòng đại diện của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khu vực miền Trung đang tổ chức tặng 45 suất quà (mỗi suất 200.000 đồng tiền mặt) cho những bệnh nhân điều trị dài ngày tại đây. Anh Nguyễn Mỹ, thôn 3, xã Quế Phú, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam, một trong những bệnh nhân được nhận quà trong đợt hỗ trợ này cho biết, điều trị dài ngày tại bệnh viện, chúng tôi đã nhận được sự quan tâm, chăm sóc tận tình của các y, bác sĩ. Nhờ sự thông tin kịp thời của các bác sĩ, y tá mà nhiều tổ chức từ thiện đã tìm đến, tặng quà và động viên chúng tôi tiếp tục chống chọi lại với căn bệnh này.

TIỂU YẾN

;
.
.
.
.
.