Những ngày cuối năm Kỷ Sửu, điểm cao Hải Vân Quan nằm giữa ranh giới tỉnh Thừa Thiên-Huế và thành phố Đà Nẵng dường như được sưởi ấm bởi dòng người tấp nập đi ngang qua, dừng lại một lát tại nơi này để hít thở không khí trong lành rồi tiếp tục cuộc hành trình vào Nam, ra Bắc của mình. Trong vài phút ít ỏi dừng lại trên đỉnh Hải Vân, nhiều người đã kịp ghi lại những bức hình bên cổng thành hoang sơ từng được ví là “Thiên hạ đệ nhất hùng quan” để làm kỷ niệm. Mùa xuân ấm áp cũng kịp theo đó tràn về.
Du khách đến thăm Hải Vân Quan. |
Dưới thời vua Gia Long, con đường thiên lý qua đèo Hải Vân được tu bổ, sửa sang, hai bên đường đèo, nhà vua cho trồng rất nhiều cây mù u. Hình ảnh con đèo dài hun hút, bạt ngàn cây, bạt ngàn mưa không chỉ đi vào lịch sử mở cõi của dân tộc, mà đã đi vào thơ văn của nhiều bậc tiền nhân. Hàng cây mù u đã trở thành nỗi nhớ da diết của Chu thần Cao Bá Quát qua những dòng thơ: “Ngoái lại Hải Vân không với tới/Ròng ròng lệ nhỏ nhớ mù u”. Có lẽ, Cao Bá Quát đang say sưa hoài niệm về những chặng đường khó khăn, gian khổ mà mình đã vượt qua, đã từng chạm đến khi đặt chân qua đèo Hải Vân. Nỗi nhớ ấy đọng lại trên những vần thơ ông, làm bừng sáng thêm tình yêu thiên nhiên gắn liền với lòng yêu nước. Phải chăng, mùa xuân là mùa sum họp, và Cao Bá Quát đã nhớ về Hải Vân Quan khi đất trời đang vào xuân.
Nỗi vất vả khi phải đi bộ trên con đèo hiểm yếu nhất phần nào được khép lại, từ khi tuyến đường sắt Huế-Đà Nẵng chính thức đi vào hoạt động vào năm 1906. Tuyến đường sắt đã mang lại niềm hân hoan cho mối giao tình giữa hai miền Thuận-Quảng. Từ kinh thành Huế, muốn vào Quảng Nam phải mất ròng rã hơn 3 ngày đi bộ, thì nay người ta truyền nhau phương ngôn “mai Huế, xế Quảng” để nói lên khoảng cách xa xôi ngày nào của hai miền Thuận-Quảng đã được rút ngắn chỉ còn gần 1 ngày đi đường. Gần một ngày đường là ta đã có thể chạm tay vào Huế. Gần một ngày đường là ta đã có thể chạm tay vào xứ Quảng yêu thương. Niềm vui như mùa xuân ấy lại xuất hiện trong những vần thơ của Trần Cao Vân: “Một mối xa thư đã biết chưa?/Bắc Nam hai ngả gặp nhau vừa/Đường rầy đã sẵn thang mây bước/Ống khói càng cao ngọn gió đưa/Sấm dậy tứ bề trăm máy chuyển/Phút thâu muôn dặm một giờ trưa…”.
Lịch sử đường bộ qua đèo Hải Vân ghi dấu một mốc son mới vào năm 2005, khi Hầm đường bộ Hải Vân được chính thức đi vào hoạt động. Từ con đèo dài hơn 20km với nhiều khúc cua tay áo, thách thức một số người yếu bóng vía, bây giờ chỉ mất không đến 10 phút đi ô-tô. Khoảng cách được rút ngắn, nỗi nhớ và cả niềm lo lắng cho người thân hai miền cũng thôi bồn chồn như trước.
Từ khi hầm đường bộ Hải Vân đi vào hoạt động, chức năng giao thông Bắc-Nam của đèo Hải Vân đã được giải phóng. Con đèo nguy hiểm bậc nhất Việt Nam bây giờ chỉ còn dành cho một số xe tải lưu thông tuyến Bắc-Nam và xe du lịch. Trong nỗi buồn vắng người qua lại, nay được thay thế bằng niềm vui lớn hơn, Hải Vân Quan dường như chỉ dành cho những người yêu thích sự khám phá, tìm về cội nguồn lịch sử trong cái dáng vẻ xế chiều của một địa danh từng đi vào lịch sử, thơ ca. Trong sự trầm tịch ấy, Hải Vân Quan dường như đang dần hồi xuân trước những trái tim yêu nguồn cội, khắc khoải bởi một miền xưa.
TIỂU YẾN