.
Chuyện xưa xứ Quảng

Làng Vân Dương săn cọp

.

Sáu Hóa năm nay 82 tuổi, sức khỏe yếu dần nhưng bà vẫn còn nhớ chuyện cọp bắt con heo của ông nội bà đem vào rừng cấm ăn thịt. Ông nội Sáu Hóa là ông Dom, làm nhà ở sát rừng cấm của làng – cũng là nơi bà đang ở, nay thuộc xóm Phường, thôn Vân Dương 2, xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng.

Thành quả của một vụ săn cọp ngày xưa. (Ảnh tư liệu minh họa).

Khu rừng cấm nguyên sinh làng Vân Dương thời ấy rậm rạp, hơn 13 mẫu tây, nằm ngay giữa làng. Ba mặt rừng giáp với nhà dân và ruộng lúa, riêng mặt phía đông giáp với nổng cát trắng phau, lơ phơ những bụi cây lò to. Đây là một làng quê xa biển, xa núi, dân sống yên lành, không sợ thú rừng quậy phá. Nhưng bỗng nhiên một buổi sáng năm 1913, người ta phát hiện có dấu chân thú lạ trong rừng, nghi là của cọp. Một lát sau có mấy thợ săn đến khẳng định đây đúng là dấu chân cọp. Liền tối hôm ấy con heo trong chuồng heo nhà ông Dom kêu thét kinh khủng rồi im bặt. Chủ nhà đốt đèn lên xem nhưng không thấy heo, chỉ thấy máu heo và dấu chân cọp, ông Dom đánh mõ “la làng” inh ỏi.

Thời ấy, nhà dân xóm Phường còn thưa thớt, nghe tiếng la làng thì chạy đến xem, chớ không có ai dám ban đêm xông vào rừng rậm. Kể từ lúc đó chuyện cọp về bắt heo nhà ông Dom loan ra khắp làng, ai ai cũng hoang mang, dao động. Họ lý giải rằng năm nay “động rừng”, cọp về nằm trong làng cũng như tổ ong nằm trong tay áo, không tránh khỏi tai họa xảy ra. Thời ấy Lê Cử vừa mới lên làm lý trưởng xã Vân Dương, tuổi trẻ, người khỏe thêm hăng say, ông liền họp dân làng, lên phương án săn cọp, toàn dân nhiệt liệt hưởng ứng.

Chương trình kế hoạch triển khai gấp rút, phân công rõ ràng: Tất cả dân làng trong 8 xóm dân cư là quân chủ lực, dân các xóm bạn láng giềng là quân tham chiến. Lý trưởng Lê Cử là tổng chỉ huy, hiệu lệnh là tiếng trống lớn của làng, cứ nghe theo tiếng trống lớn mà hành động. Các vị hương chức là các chỉ huy xung kích (Ngũ hương gồm có 5 vị). Không cấm đàn bà, con nít đi theo, ai đi thì phải cầm theo dao hay rựa.

Ngày ra quân bắt đầu. Sau ba hồi trống báo lệnh tập trung ngân vang trong ánh nắng ban mai, tất cả mọi người lần lượt đứng dọc theo bìa rừng, riêng mặt nổng cát cấm không ai được lảng vảng. Vì theo chiến thuật “điệu hổ ly sơn” tức là đưa cọp ra khỏi núi mới đánh, nổng cát trắng là nơi cọp nộp mạng. Mọi người đứng chờ lệnh, vũ khí cầm tay là giáo, mác, câu liêm, rựa bờ...

Giờ G bắt đầu. Một hồi trống “đánh dóng ba” vang lên báo lệnh tiến quân, tất cả mọi người xông vào rừng theo hình chữ C theo kế hoạch “kéo lưới lùa” do các ông hương hướng dẫn. Những trống, mõ, đồng la, tù và... tạo ra một âm thanh hỗn độn, vang dậy khu rừng, nghe long trời lở đất, người cũng sợ chớ đừng nói chi là cọp. Đặc biệt những chú chó săn góp phần đắc lực, cọp chạy đi đâu thì chó sủa theo đó, đoàn người cứ theo tiếng chó mà tiến hoặc thoái.

Đúng như dự kiến, vòng vây chữ C càng lúc càng ngắn lại thì đoàn người càng đông thêm ra, làm cho cọp không thể rút lui vào rừng mà phải chạy ra nổng cát. Cọp chui rúc vào nằm trong lùm cây lò to, tấm thân to như con bò, lá cây không đủ che đậy, để lộ ra những đường vằn vện, oai phong của “chúa tể sơn lâm”. Nhờ vậy mà ai cũng thấy rõ cọp nằm ngửa, bụng phơi lên trời, bốn chân xếp theo thế sẵn sàng chiến đấu, mắt cọp lườm lườm nhìn vào đám người đang chờn vờn trước mắt.

Nhưng lạ thay, khi chưa thấy cọp thì ai cũng hăm hở, lăm le như muốn ăn tươi nuốt sống “ông cọp”, nhưng khi thấy rõ rồi thì ai cũng sợ, dậm chân tại chỗ, không dám tiến thêm, người nọ nhìn mặt người kia thăm dò phản ứng. Có giọng nói nho nhỏ của ai đó: “Cọp nằm ngửa thế quyết tử, ai nhảy vào đâm là ổng vật chết ngay tại chỗ”. Những chuyện rùng rợn do cọp gây ra được kể tiếp, cả đoàn người hầu như nghe biết hết, rồi tự nhiên mất hết cái nhuệ khí lúc ban đầu. Lý trưởng hô lớn: “Nhảy vào đâm đi”. Nhưng hô thì hô, mà vẫn không thấy ai dám rục rịch, bởi vì ai cũng sợ chết (thời đó chưa có súng cầm tay).

Giây phút lưỡng lự trôi qua, khí thế hào hùng lúc ban đầu tự nhiên biến mất, bây giờ chỉ còn thấy cọp nhìn người, người nhìn cọp.

“Ông cọp” đoán biết bọn người này bất lực, không dám đâm mình nên bật dậy như cái lò xo, đứng thẳng chân, ưỡn bụng rung mình, lấy lại tư thế bình thường rồi thản nhiên bước từng bước ra đồng ruộng, đi thẳng lên gò Khu Ốc để vào núi Quan Nam. Đám đông chạy theo sau nhưng cọp khinh thường tất cả, chẳng thèm quay đầu lại. Lý trưởng nhìn đám trai tráng bất lực, cười gượng rồi nói đỡ: “Tụi bây dở ẹc”.

Sau vụ săn cọp bất thành ấy, lý trưởng họp dân làng bàn việc dọn cấm, tức là chặt hết lùm, bụi cây nhỏ, chỉ chừa lại những cây lớn và tốt. Dân làng ai cũng hưởng ứng, vì đã không sợ cọp về mà còn có nhiều củi để đốt.

LÊ VĂN TẤT

 

;
.
.
.
.
.