.
Chuyện xưa xứ Quảng

Lưu Thủy - danh y xứ Quảng

.

Lưu Thủy là tên hiệu của danh y Nguyễn Văn Ngôn, còn gọi là Học Ngôn. Từ đầu những năm 50 thế kỷ trước, thầy đã nổi tiếng khắp Sài Gòn với những ca cải tử hoàn sinh đối với những người bệnh mà mạng sống chỉ là mành treo sợi tóc.

Lương y Phan Công Tuấn (phải) trao tặng di ảnh thầy Lưu Thủy cho đại diện dòng họ Nguyễn làng La Thọ tại lễ tưởng niệm thầy. 

Một đại phú gia xuất nhập cảng ở Sài Gòn có hai người con, một trai, một gái. Cả nhà tản cư lên núi một tháng trở về, hai năm sau vợ chồng lần lượt qua đời, năm thứ ba người con trai bị đau, ho dai dẳng. Mời bác sĩ giỏi, mua máy chụp X quang về lắp ngay tại nhà. Chữa 3 năm không khỏi, nghe mách miệng, người nhà chạy đi mời thầy Lưu Thủy. Thầy đến bắt mạch. Bác sĩ hỏi: “Thầy chữa được không? Tụi tôi bó tay rồi”. Thầy từ tốn: “Được mà không chừng không được?”. Mọi người đang thắc mắc sao thầy nói lạ quá thì thầy tiếp: “Được, vì mạch chứng chưa tuyệt. Không được, vì người nhà chưa đủ đức tin vào Đông y”. Mà thiệt, thầy nể tình cho cái toa, họ ra tiệm bổ thuốc nhưng về không uống - Tây y mà chạy thì Đông y nhằm nhò gì!

3 tháng sau, ra Giêng, bệnh quá kiệt quệ, bác sĩ chạy. Người nhà lại đôn đáo đi tìm thầy, còn nước còn tát, thôi chừ sống chết nhờ thầy. Thầy đến, nhận thấy người bệnh thần sắc 10 phần mất hết 9, nhưng mạch vẫn như năm ngoái, nói nếu đủ đức tin thì chữa được. Thầy kê đơn, đích thân ra tiệm bốc thuốc, mỗi thang chỉ 20 đồng nhưng về nói lên 200 đồng cho họ tin là thuốc tốt. Dặn, nếu người bệnh uống thuốc vô mà đổ mồ hôi thì báo cho thầy biết. 2 giờ sau người bệnh đổ mồ hôi, sau đó chảy như tắm, thầy bảo hai người ngồi hai bên lau cho thật khô, không gì phải lo. Thầy nói, bệnh này do thấp khí trên núi nhiễm vô tim, mà cứ nhè phổi chữa thì sao lành bệnh được. Ra mồ hôi là đúng bệnh rồi. Chữa một tháng thì người bệnh ngồi dậy, đi lại được, phục hồi hoàn toàn.

Người kể lại chuyện trên là Lão sư Nguyễn Đạo Điều (còn gọi là Ông Lão Sáu), 90 tuổi - hiện là Trưởng lão của Giáo hội Phật đường Nam tông Minh Sư đạo tại chùa Hòa Nam, ở thôn Phú Hòa, xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng. Ông Lão Sáu xuất gia từ nhỏ, nhà ở thôn Bắc An, xã Hòa Tiến. Từ đây đến làng La Thọ quê ông Lưu Thủy chỉ chưa đầy 10 cây số, nhưng hai người biết nhau ở tận... Sài Gòn! Lần đó, Ông Lão Sáu vào Sài Gòn, vừa nghe bạn kể, vừa đọc thư của gia đình cám ơn thầy Lưu Thủy đăng trên báo suốt hai tháng liền, nhưng rất tiếc Ông Lão Sáu không còn nhớ là báo gì.

Hiện nay, bạn vong niên, học trò, con cháu thầy và con cháu những người được thầy chữa lành bệnh vẫn còn nhớ nhiều chuyện ly kỳ về thầy. Như chuyện bà Q.T.Ph.V, kêu thầy bằng ông nội chú bên chồng, có chồng 8 năm Tây y chữa hoài vẫn không con. Thầy bắt mạch, cho uống 3 thang thuốc, rồi xem lại, nói không thể có con được: “Đàn bà khí huyết lạnh, đất ướt thì làm sao gieo mầm cho được”. Sau, bà Vân có dịp qua Mỹ, tới khám mấy bệnh viện danh tiếng, họ bảo: “Khỏe, nhưng không đậu thai vì tử cung có cái bầu nhưng bị xuôi, trứng rụng vô là tụt luôn, không đậu được”. Thế mới thấy tài của thầy, nói như thần. Bà V. về nước, học Đông y rồi mở tiệm ở Hội An, chừ sống ở Sài Gòn.

Học trò của thầy ở Quảng Nam – Đà Nẵng nhiều người có công gìn giữ, kế thừa các di cảo của thầy như các Đông y sĩ Phạm Châu Tuân, Võ Hoán... Trong đó có ông Nguyễn Văn Định (tức cụ Hương Nhự, Giáo Nhự), cháu thầy, từng cộng tác với nhà thuốc Mặt Trăng gần bến xe Chợ Cồn cũ, có công ghi chép lại tiểu sử và trước tác của thầy.

Thầy sinh năm Mậu Tý (1888), tại làng La Thọ, tổng Hạ Nông, phủ Điện Bàn; nay là xã Điện Hòa, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Cha thầy là một nhà nho ba khoa đỗ Tú tài, về quê mở trường dạy học và tham gia phong trào Văn Thân ở Quảng Nam. Nối nghiệp cha, thầy 16 tuổi đã vào trường tỉnh, 19 tuổi dự khoa thi hương vào đến trường nhì, được làm Học sanh tại trường tỉnh, nên người đương thời gọi là Học Ngôn. Thầy vào miền Nam nghiên cứu triết lý nhà Phật và đạo Nho. Nhận ra sự thâm uyên của Thánh hiền xưa - lấy sự cứu người làm mục đích, lấy sự giúp đời làm phương châm, thầy chuyển hướng sang y học. Trải 36 năm miệt mài nghiên cứu thấu đáo y lý qua các bộ sách nổi tiếng, trong đó có bộ Thương hàn tạp bệnh luận của Thánh y Trương Trọng Cảnh, thầy đã định hình một pháp môn định bệnh, trị bệnh hết sức giản tiện mà hiệu quả, nói rõ trong các di cảo Đông y viết bằng Hán văn của mình. Thầy mất tại quê nhà năm 1964.

Cuối tháng 9-2009, Tạp chí Cây thuốc quý - cơ quan ngôn luận của Trung ương Hội Dược liệu Việt Nam, đã đăng một loạt bài vinh danh thầy: “Cụ Lưu Thủy không chỉ là một danh y đất Quảng, một thầy thuốc lâm sàng rất giỏi nổi tiếng cả miền Nam, mà còn là một nhà nghiên cứu Đông y có tư tưởng hội nhập khu vực rất sớm”. Một trong những người tâm đắc với di sản thầy Lưu Thủy để lại, Lương y Phan Công Tuấn, Phó Tổng Biên tập tạp chí, đã cất công đi nhiều nơi để thu thập thông tin, tư liệu về thầy. Nhân đây, anh Tuấn mong bạn đọc Đà Nẵng cuối tuần và các đồng nghiệp, nếu có thông tin gì về thầy Lưu Thủy, vui lòng liên hệ với anh qua điện thoại 0511.3672127 hoặc thư điện tử locuuvietnam@yahoo.com.

VĂN THÀNH LÊ

;
.
.
.
.
.