.

Cửa sổ tri thức

Xuất hành đầu năm

* Tôi có mấy người bạn, mỗi người tham khảo sách vở hoặc “thầy” nào đó, cho rằng đầu năm Canh Dần này nên xuất hành hướng này, hướng nọ, giờ này, giờ kia, chẳng ai giống ai. Xin cho hỏi, điều đó có nên tin chăng? (Nguyễn Quang, Cẩm Lệ, Đà Nẵng).


- Trong bài viết “Hướng, giờ tốt xuất hành đầu năm Canh Dần 2010” ghi lại lời của GS.TSKH Hoàng Tuấn, Chủ tịch Hội Văn hóa Á Đông, một trong những chuyên gia nghiên cứu về lịch cổ và văn hóa phương Đông, đăng trên www.suckhoegiadinh.org ngày 11-2-2010, sau khi đưa ra các hướng và giờ tốt (rất cụ thể) để xuất hành hay khai trương đầu năm, đã kết luận như sau:

“Bất kể phương pháp tính ngày tốt, ngày xấu nào đều có sai số và không có gì tuyệt đối nên ta cũng không nên quá câu nệ (chúng tôi nhấn mạnh – ĐNCT) mà ảnh hưởng tới công việc. Nếu có công việc phải đi hướng xấu thì chỉ cần tìm một đoạn hướng tốt để đi vòng, sau đó vòng sang là được”.

Chúng tôi tán thành ý kiến nói trên, tất cả chỉ là tương đối, không nên tin chắc vào thông tin không được kiểm chứng trong các sách về phong thủy, bói toán...

Ra ngõ gặp gái, xui hay hên?

* Xuất hành đầu năm hoặc có công chuyện gì đó, vì sao người ta lại sợ “ra ngõ gặp gái”? (Lê Văn Bang, Hải Châu, Đà Nẵng).

- Một số người giải thích, do ngày trước quan niệm trọng nam khinh nữ nên cho rằng ra ngõ gặp gái là xui. Tuy nhiên, nhiều người nghĩ ngược lại, rằng gặp gái là tốt. Trong chữ Hán, chữ 好 (hảo = tốt lành) gồm chữ 女 (nữ = con gái) ghép với chữ 子 (tử = con trai), như vậy nam mà gặp nữ (nhất là nữ trẻ và xinh như mộng) thì làm sao mà xấu, mà xui được?!

Ra ngõ gặp gái là một trong 44 việc kiêng kỵ đã được Phan Kế Bính liệt kê trong Việt Nam phong tục (NXB TP.HCM, 2004, tr. 403-406). Trong đó, có nhiều việc kiêng kỵ rất buồn cười như: Người trẻ tuổi kiêng tôi vôi, e chóng bạc đầu; Trẻ con kiêng đội nón trong nhà, e lùn; Uống rượu kiêng úp chén và cốc ngược chai, e say rượu…

Bàn về việc này, Phan Kế Bính viết (sđd, tr. 406-407): “Xem các sự kiêng kỵ của ta, thực lắm sự nực cười, không có nghĩa lý gì, mà tục cứ thấy kiêng thì kiêng chứ không ai hiểu bởi cớ làm sao cả.

Lạ quá! Những sự kiêng thế nào cho khỏi ngu dốt, kiêng thế nào cho khỏi ốm đau, kiêng thế nào cho khỏi nghèo hèn, kiêng thế nào cho khỏi nhục nhân cách, thì không mấy người tìm cách mà kiêng, đi kiêng những điều vụn vặt, những sự vu vơ, nào kiêng ngày kiêng tháng, nào kiêng đứng kiêng ngồi, nào kiêng ăn kiêng mặc, nào kiêng cười kiêng nói, kiêng cả đến ra ngõ gặp gái, kiêng cả đến sáng sớm đòi nợ, sao mà kiêng lắm điều lạ lùng làm vậy”.

Không ít người cho rằng ra ngõ gặp gái không xui cũng chẳng hên. Hên hay xui, nói như triết lý nhà Phật, là do cái “niệm“ của mọi người. Trong đầu nghĩ (gặp gái) là xui thì làm gì cũng sợ sệt, dễ thất bại, càng thất bại lại càng tin rằng gặp gái là xui. Nếu nghĩ hên thì làm gì cũng phấn khởi tự tin, dễ thành công, càng thành công lại càng tin gặp gái là hên.

Đa số thanh niên thế hệ 8X, 9X không biết đến việc kiêng kỵ “ra ngõ gặp gái là xui”, nếu biết chăng cũng là do những người lớn tuổi “dạy bày”. Đối với các bạn trẻ này, ra ngõ gặp ai cũng đều tốt hết, ai cũng là người, nam nữ bình đẳng. Có bạn còn “sáng tác” ra tục ngữ thời @ rất lạc quan như thế này: Ra ngõ gặp gái mọi cái mọi hay/ Ra ngõ gặp trai vừa may vừa mắn.

ĐNCT

;
.
.
.
.
.