.

Đường phố và hội làng

.

Sáng ngày 12 tháng Giêng, tiếng trống khai hội rộn rã vang lên trên sân đình Hòa Mỹ, phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu. Qua 16 kỳ hội làng, chưa bao giờ người dân ở đây quay về nơi ghi dấu văn hóa tâm linh của một vùng đất với tâm thế dạt dào cội nguồn như năm nay.

Hướng tới những ngày lễ lớn của đất nước và thành phố trong năm nay, hội làng năm nay mang nhiều ý nghĩa hơn.

Về dự hội làng, từng đoàn người, với những bộ cánh đẹp nhất, rồng rắn đi trên con đường mà mãi đến những ngày cuối tháng chạp vừa rồi, ai cũng chắc mẩm là phen này phải ăn thêm một cái Tết với ổ voi, ổ khủng long khủng khiếp trước mặt nhà.

Mười mấy năm trước, khi làng lên phố thì đường quê vô danh được mang tên nhà văn, nhà viết kịch Nguyễn Huy Tưởng. Thế nhưng, cũng phải đợi đến cuối năm 2009, con đường dài gần 1km này mới chính thức được triển khai mở rộng, nâng cấp. Đoạn bên trong nhờ giải phóng mặt bằng nhanh nên hoàn thành sớm. Còn lại khoảng 300 mét từ đầu đường vào tới chợ chồm hổm, đến thượng tuần tháng chạp vẫn còn ngổn ngang đất đá, do người dân chưa đồng thuận vì đoạn cong của đường theo thiết kế bị gãy góc, không hài hòa về mặt cảnh quan đô thị.

Qua giám sát và đề xuất ý kiến của người dân địa phương, ông Huỳnh Nghĩa, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch HĐND thành phố; ông Đàm Quang Hưng, Phó Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu, cùng chủ đầu tư dự án và các ban, ngành liên quan của thành phố và quận đã trực tiếp đến hiện trường, chỉ đạo giải quyết dứt điểm để thi công nhanh, gọn. Tết đã sát bên chân rồi mà đường vẫn chưa đâu vào đâu, người dân hồi hộp theo dõi. Mãi đến chiều 26 tháng chạp, công nhân Công ty Vật liệu xây dựng - Xây lắp và Kinh doanh nhà Đà Nẵng mới đổ mẻ nhựa cuối cùng, khoác chiếc áo mới cho con đường một thời được người dân địa phương gọi đùa là “con đường đau khổ”.

Mọi người thở phào nhẹ cả người. Thế là mấy cái “ao làng” trên đường đã chính thức bị xóa sổ. Phẳng phiu, sạch boong, thế mới là đường phố! Một sự kiện trọng đại đối với cả làng. Cụ Nguyễn Nghĩa, Trưởng Hội đồng các Gia tộc làng Hòa Mỹ đề xuất với chị Nguyễn Thị Thanh Bình (Bí thư chi bộ, Trưởng ban công tác Mặt trận khu vực Hòa Mỹ 2); anh Huỳnh Dũ (tổ phó dân phố 48) và các hội, đoàn thể đứng ra vận động bà con “rửa đường” tất niên vào 28 tháng chạp.

Không chỉ bà con ở mặt tiền mà cả những người ở sâu phía sau đường cũng nhiệt tình tham gia. Đại diện Đảng ủy, chính quyền, Mặt trận phường đều đến chung vui. Ông Trương Quang Phước, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQVN phường Hòa Minh, cư dân tổ 44 gần đó, phát biểu rất hào hứng: “Cách đây ba bữa bụi mịt mờ, hôm nay đường phố đẹp như mơ”. Đẹp thiệt, Tết này, mọi người đi thăm xuân thoải mái diện bộ cánh đẹp nhất, chạy chiếc xe đẹp nhất. Hội làng lần thứ 17 năm nay sẽ là hội làng nhiều ý nghĩa.

“Rửa đường” xong, dư được 2,1 triệu đồng, mọi người bàn nhau lấy đó mua dây thép và cờ giấy căng dọc hai bên đường. Thấy chưa “đã”, bà con góp thêm 2 triệu đồng nữa mua gần 50 đèn trái ú điểm xuyết cho đường đậm sắc xuân. Các nhà ở mặt tiền mắc thêm đèn lồng, dây đèn điện trang trí. Khi đêm xuống, cả đoạn đường rực rỡ, lung linh chẳng khác gì phố cổ Hội An, cứ thế giữ mãi đến hết hội làng.

Hướng tới những ngày lễ lớn của đất nước và thành phố trong năm nay, hội làng đầu xuân chừng như đông vui hơn. Xuân mới, đường mới, người dân Hòa Mỹ về viếng nén nhang nhớ ơn tiền nhân với sự trang trọng, thành kính, riêng tất cả mọi thành viên trong ban tổ chức hội làng đều chỉnh tề trong áo dài khăn đóng. Năm nay, phần hội có mở thêm ẩm thực món quê đậm nét dân gian như các món bánh bèo, nậm, gói, xèo... Văn nghệ mừng hội làng diễn ra hoành tráng suốt hai đêm, mỗi tổ dân phố đảm nhận một tiết mục thể hiện nét riêng của tổ mình.

Trong khuôn viên đình, “Vườn cau nguồn cội” trong hai năm qua đã có thêm 20 cây do 19 cặp vợ chồng mới cưới đăng ký trồng, nâng tổng số cau hiện có lên 156 cây. Cuối năm rồi, đề xuất trồng mai trên đường Nguyễn Huy Tưởng của Hội đồng các gia tộc làng Hòa Mỹ đã được thành phố phê duyệt. Báo chí cả nước đưa tin thành một nét riêng của Đà Nẵng. Các cụ bảo, vừa mừng vừa lo. Trưa ngày 13 tháng Giêng, trong buổi họp tổng kết lễ hội, đại diện các họ tộc, các tổ dân phố bàn kế hoạch triển khai việc trồng mai ngay trong mùa xuân này. Xuân sau, hai bên đường sẽ ngập sắc hoa vàng và hội làng sẽ có nét riêng chẳng nơi nào có được.

VIÊN PHÚC QUÂN

;
.
.
.
.
.