Trong trường học, ngoài việc được truyền thụ kiến thức văn hóa, việc học thêm kỹ năng sống giúp học sinh có điều kiện hoàn thiện bản thân, thích ứng với sự phát triển của xã hội.
Bài học từ những tình huống
Có được điều này, Phan Anh cũng như những cô, cậu học trò cùng trang lứa đã sớm được rèn luyện kỹ năng sống song song với việc học văn hóa đơn thuần theo sách giáo khoa.
Trường THCS Kim Đồng được đánh giá là một trong những nơi tích cực tạo nhiều sân chơi rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh. Cô Nguyễn Thị Pháp, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Kỹ năng sống sẽ được hình thành một cách tự nhiên và hiệu quả từ môi trường hoạt động cụ thể chứ không phải từ những bài giảng lý thuyết suông. Chính vì vậy, chúng tôi thường xây dựng những trò chơi tương tác, trò chơi dân gian hoặc các trò vận động mang tính đối kháng trong các buổi sinh hoạt tập thể. Đây là điều kiện giúp học sinh rèn khả năng làm việc nhóm, tinh thần chia sẻ và ý thức trách nhiệm. Chúng tôi còn tổ chức cho các em đi thăm di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh; đồng thời được tận mắt chứng kiến và tham gia vào hoạt động bảo vệ môi trường”.
Hai năm trở lại đây, hưởng ứng phong trào xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”, ngoài lồng ghép nội dung giáo dục kỹ năng sống vào chương trình giảng dạy, các trường đã chú trọng hơn đến việc tạo môi trường giúp học sinh tự trải nghiệm và lĩnh hội cuộc sống dưới sự hướng dẫn của thầy cô giáo. Ngày hội Văn hóa dân gian thường niên của Trường THPT Phan Châu Trinh được xem là hoạt động nổi bật cho phong trào này. Hai mươi gian hàng trò chơi, ẩm thực, thư pháp... trong Ngày hội Văn hóa dân gian đều do học sinh hoàn toàn chủ động thực hiện từ khâu ý tưởng đến thực hành. Ở đó, các em không chỉ vui chơi sôi nổi mà còn tích lũy nhiều kỹ năng mềm như khả năng quan sát, lắng nghe, khả năng ứng xử trước các tình huống phát sinh...
Giáo dục kỹ năng, cần kiên trì
Các hoạt động, trò chơi tập thể là cơ hội để học sinh tích lũy kỹ năng sống. (Ảnh: HS Trường THPT Phan Châu Trinh trong Ngày hội Văn hóa dân gian) |
Tuy nhiên, chuyển những kỹ năng học được từ sân chơi hay nhà trường vào giải quyết các tình huống thực tế của cuộc sống, đôi khi là việc làm quá sức đối với không ít học sinh. Thời gian qua, nhiều vụ đánh, chém bạn, gây rối trật tự công cộng... trong học sinh-sinh viên chủ yếu xuất phát từ những vướng mắc mà các em không thể tự tháo gỡ. Điều này cho thấy, chỉ trao chiếc chìa khóa mang tên “Kỹ năng” để các em vào đời thôi thì chưa đủ, thầy cô giáo, ông bà, cha mẹ… phải gần gũi để hiểu và chia sẻ nhiều hơn những tâm tư, nguyện vọng, suy nghĩ của tuổi mới lớn. Muốn làm được điều này, cần kiên trì, dày công, không thể đòi hỏi ngày một ngày hai mà có được...
Hiền Lương