Có một cái thú nhiều năm, nay dường như không còn. Ấy là được đi bộ trên dọc những con đường xanh tươi cây lá. Từ đường Phan Đình Phùng, Trần Phú đổ vào Lý Nam Đế, Quán Sứ, Lý Thường Kiệt, Trần Bình Trọng, Nguyễn Du… Mỗi một con phố có những nét riêng không sao lẫn được. Muốn ngắm nhìn những biệt thự duyên dáng, yên tĩnh nép mình trong những khu vườn rợp lá cây, hãy theo dọc con phố Phan Đình Phùng, Hoàng Văn Thụ. Còn những ai si mê “mùa hoa sữa nồng nàn…” thì phải chờ, khi trời chập tối, chầm chậm qua con đường Nguyễn Du- Quang Trung yên ả.
Chợ gốm Sông Hồng, nơi bán các loại gốm của Kim Lan, Bát Tràng. |
- Chúng em tận bên kia sông. Sáng, tưng bưng gà gáy đã thồ xe ra bãi sông rồi vào nội thành. Chiều tối, khi người đi lại đã thưa thớt dần trên hè phố, chúng em mới tìm đường ra đê, xuôi về Vĩnh Tuy bắt đò mà về.
- Hơi kỳ quặc một chút, nhưng cũng hỏi thật mấy chú: sao hàng lại rẻ đến thế này, cứ như cho không.
- Bác đã hỏi thì em xin thưa thật, là mượn tiếng Bát Tràng cho sang chứ làng chúng em tự làm lấy đấy.
Thì ra đồ gốm méo mó này là của mấy anh làng Kim Lan. Đây là một làng nghèo ven bờ sông Hồng có tên nôm là làng Xườn. Trước nay chuyên làm thuê cho mấy chủ lò Bát Tràng. Khuân đất, nhào đất, chuyên chở. Nhưng cứ cái cảnh làm thuê mãi cũng khó mà ngẩng mặt với thiên hạ. Vậy là Kim Lan tự dựng lò, rồi cũng nhào nặn nên bình nên lọ. Tài hoa đâu chỉ Bát Tràng. Người Kim Lan cũng khéo tay nhào nặn, cũng có đôi mắt tinh tường và hàng Kim Lan cũng chẳng thua kém mấy tý Bát Tràng chính hiệu.
- Những thứ chúng em bán dạo dọc hè phố, chẳng giấu gì các bác, toàn phế phẩm cả. Nhà nước không nhập, khách hàng không mua, chúng em quẩy lên vai, chất lên xe vượt sông Hồng để đến với mấy bác… ngồ ngộ.
- Nghĩa là chúng tôi là khách mua ngồ ngộ của các chú.
- Nói bác đừng giận, nhà quê chúng em nghĩ sao nói vậy. Trông các bác mua hàng, buồn cười thế nào ấy. Cái bình cái lọ thẳng thớm, trơn tru cân đối lại không thiết ngó ngàng. Rặt những thứ chúng em toan vất đi thì mấy bác ôm ấp vào người. Đứng xa ngắm, đứng gần ngắm, xuýt xoa, trầm trồ, cứ như của hiếm. Có những cái em tính vài đồng là quá, nhưng thấy mấy bác sướng là em hét lên vài chục. Nhưng nghĩ, thương người thật thà, em phải biếu thêm mấy cái lọ, cái đĩa sần sùi. Lừa mấy bác ấy là phải tội, không qua sông nổi đâu. Vậy mà mấy bác được cái lọ méo lại còn rối rít cảm ơn. Hai bên cảm ơn nhau, vui đáo để. Ấy là ngày vui, nhưng cũng không ít ngày buồn. Buồn thỉu, buồn thiu, buồn đến nẫu người, chân chiều không lê nổi tới bờ sông… nghề nó vậy.
Nghe mấy tay bén chuyện, có lần tôi đã vui chân qua tận cái làng Xườn bãi sông. Từ nội thành muốn đến được làng Xườn phải qua cầu Long Biên hoặc Chương Dương. Nhưng mấy ông thợ gốm cứ ngựa quen đường cũ, xuôi Lĩnh Nam, nhảy lên con phà Kim Lan chật chội, tà tà xuôi con nước.
Mấy năm nay làng Kim Lan đã thực sự là một làng nghề. Hàng mấy trăm lò gốm chi chít mọc lên dọc bãi sông dài. Gần đây Kim Lan phát hiện ra nhiều vật thể gốm sứ cổ dưới nền đất làng. Nhiều nhà khảo cổ đã vào cuộc và bước đầu nhận diện ra một nền văn minh gốm sứ Kim Lan - Bát Tràng như một hệ thống làng nghề cổ khởi nghiệp từ thế kỷ VI- VII đến đời Lê là đỉnh cao của thịnh vượng. Vậy là một tour du lịch làng nghề đã được hình thành. Tại hai khu Bát Tràng – Kim Lan du khách có dịp tận mắt thấy những tài hoa Việt phát lộ từ hàng chục thế kỷ trước, làm sống lại một không gian văn hóa gốm sứ Thăng Long.
Để chào mừng Đại lễ ngàn năm Thăng Long, những người yêu Hà Nội, đi đầu là những họa sĩ, những người thợ gốm sứ khởi xướng con đường gốm sứ chạy dài con đê sông Hồng. Vậy là gốm sứ làng đã hiện diện gần một cây số dọc sông Hồng như một minh chứng đẹp đẽ cho tài hoa và tình yêu của người Hà Nội với Thăng Long-Hà Nội của mình.
NHƯ NGUYỄN