.
Hướng về 1000 năm Thăng Long-Hà Nội

Phố Luồn

.

Những con đường dích dắc liên thông nhà nọ sang nhà kia, rồi bỗng xuất hiện ở một con phố khác. Đường hẻm ấy thực sự không có tên gọi. Ngay cả các cụ sống bảy tám mươi năm trên đất Hà thành cũng không dễ biết để gọi cho đúng. Hẻm ư? Ngách ư? Không hẳn thế. Nhưng dân 36 phố phường cổ, chỉ cần nghe mô tả sơ sơ cũng gọi ra ngay tên của loại đường này: Phố Luồn. Mà nghe đâu cái tên ngộ ngộ ấy cũng do lũ trẻ trong khu phố đặt ra. Lâu ngày ai cũng thấy có lý và bây giờ cái tên lạ tai ấy cũng tạm coi là chính thức, một nét riêng kín đáo phố phường.

Tranh Bùi Xuân Phái. 

Vào những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, tôi theo nhóm kiến trúc sư Nguyễn Phúc Thắng, thử một lần thám hiểm phố Cổ. Dạo ấy nhóm của anh đề xuất một dự án cải tạo, bảo tồn phố Cổ. Đó là một ý tưởng độc đáo, mới mẻ. Chỉ tiếc là nhiều năm sau, đề xuất táo bạo đó dường như bị bỏ quên. Tôi đi trong mò mẫm. Có nơi trần nhà thấp đến nỗi đụng phải đỉnh đầu. Màu ẩm mốc loang lổ những bức tường cũ kỹ hai bên lối đi. Cầu thang lên xuống xiêu vẹo, bụi bặm. Đến một nơi, lối đi rẽ ra ba bốn hướng, ông KTS trẻ như nói đùa, hướng nào cũng vậy thôi. Khảo sát mà. Cái quan trọng là đừng để lạc nhau. Chỉ cần bước chân nhầm lối là phố Luồn đưa anh ngược Bờ Hồ hay ra đê sông Hồng.

Nhớ lại hồi còn sống trên con phố Khâm Thiên khá sầm uất vào giữa những năm 50 thế kỷ trước. Trưa nắng, những cây bàng im phăng phắc như mơ mơ ngủ, cùng mấy cậu bạn trốn nhà, tôi lang thang đây đó phía sau con phố lởm chởm gạch sỏi và phế thải. Khâm Thiên khá nhiều ngõ ngách. Có hôm chúng tôi đi từ ngõ Trại Khách, luồn sâu vào ngõ chợ, thế rồi giật mình nghe tiếng còi rúc. Đụng ngay barie chắn đường mới hay mình đã lọt vào khu đường tàu dọc con đường Nam Bộ từ hồi nào. Hú vía. Nhưng dù đường ngang ngõ tắt Khâm Thiên có chằng chịt đến mấy, cũng không nhằm nhò gì với phố Luồn Đồng Xuân, Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Chiếu, Bắc Qua. Càng đi tôi càng ngẫm, những lối đi luồn lách, chắp nối như những ngóc ngách phố Cổ đây, quả không có tên gọi nào thú vị hơn là cái tên phố Luồn.

Tên gọi phố Luồn có từ bao giờ, không ai biết chắc. Đôi khi như tự nhiên mà có rồi dần dà thành quen, trở thành một thực thể trong đời sống của những cư dân phố Cổ. Nhưng những ngõ ngách kỳ lạ này thì đã một thời gắn bó với các đội viên tự vệ Đồng Xuân, những chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô thời Hà Nội kháng chiến 1946, đặc biệt 60 ngày đêm cầm chân quân Pháp tại Liên khu 1, đầu năm 1947. Dường như phố Luồn sinh ra là để dành cho cuộc chiến đặc biệt này của người Hà Nội. Ẩn hiện sau những bức vách, bờ tường ẩm ướt, những chiến sĩ nổ súng ở Trường Ke, Đồng Xuân. Từ Hàng Ngang qua Hàng Đường, luồn lách qua phố Hàng Giày, Tạ Hiền rồi biến mất vào những ngôi nhà đâu đó.

Khi cần tập trung, đánh lớn, từ nhiều ngách phố Luồn, từng trung đội, đại đội lặng lẽ hội quân. Và khi cần phân tán, chỉ trong khoảnh khắc các tiểu đội đã trở về với chốt điểm của mình. Rồi một ngày lạnh giá giữa tháng 2 năm 1947, những đơn vị cuối cùng của trung đoàn, đứa con sinh thành trong cuộc chiến sinh tử với giặc, từ các ngõ Luồn, phố Luồn lặng lẽ ngược sông Hồng.

Giã từ Hà Nội trong đêm sương giá, mỗi một chiến sĩ thầm hẹn một ngày trở lại. Đó cũng chính là cảm hứng bi hùng để Huy Du, một người lính của Trung đoàn Thăng Long ca lên khúc hát " Sẽ về Thủ đô" với tất cả niềm tin của người chiến sĩ. Và nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, ông đã lấy trọn bối cảnh cuộc chiến đấu khu phố Cổ, Đồng Xuân, Gầm Cầu… nơi khắc xuất khắc nhập những ngõ ngách mà sau này có tên gọi là phố Luồn làm nền cho kịch bản "Lũy Hoa", ngợi ca tinh thần "cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh" của dân và quân Hà Nội những ngày thử thách cam go với một cảm hứng lãng mạn hào hùng. Nhân kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập Trung đoàn Thủ đô, hồi ức của những người lính năm xưa chứa chan xúc động. Dường như câu chuyện nào cũng hồi tưởng về những ngõ ngách kỳ diệu phố Cổ. Hàng Đào luồn vào ngõ Nội Miếu, bật sang phố Hàng Bạc. Ngõ Hài Tượng có con hẻm kín đáo luồn sâu vào Hàng Bạc rồi từ đó mở ra trăm ngã bàn cờ. Nếu không phải dân phố Cổ, khó có ai biết được phố Hàng Đường xuyên sang Hàng Buồm là một phố Luồn ngoặt ngoéo, bé nhỏ.

Phố Luồn còn gắn bó nhiều hơn với mấy chú bé trèo me trèo sấu. Khi cuộc chiến trong thành bùng nổ, nhiểu chú nhóc rời gốc me, gốc sấu, trở thành chú bé liên lạc của các đơn vị tự vệ, trở thành anh Vệ Nhí. Ca sĩ Quang Hưng là một trong số Vệ Nhí đó. Những con hẻm bời bời hoa mắt với nhiều người, nhưng những chú bé đã thuộc như trong lòng bàn tay. Những thư khẩn, lệnh khẩn qua các phố Luồn mau chóng chuyển xuống từng ổ chiến đấu, mai phục địch. Những yêu cầu được chi viện, được tiếp thêm đạn dược, chuyển thương cũng từ mấy chú nhỏ, theo phố Luồn kịp đến với ban chỉ huy…

Phố Luồn gắn với Hà Nội đến nỗi giờ đây nhiều con đường đã bị bịt lại để xây nhà, cải tạo phố, lòng người phố Cổ cảm như mất đi một cái gì rất riêng, gần gũi với đời sống thường nhật của phố.

Như Nguyễn

;
.
.
.
.
.