.

Nghĩ từ đường cao tốc Trung Lương

Đầu năm 2010, đoạn đường cao tốc đầu tiên của cả nước dài 61km TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương được đưa vào sử dụng, cả con đường như một cái ống, xe chỉ biết chạy mà không bận tâm có thứ gì đó xuất hiện đột ngột trước mặt. Nó mở ra hình ảnh về con đường quốc lộ xuyên Việt hiện đại, mơ ước bao đời của bao nhiêu người sống trên dải đất dài dằng dặc này.

Thế nhưng xe máy cấm vào con đường này. Đây là đường chỉ dành riêng cho ô-tô! Lần đầu tiên người dân Việt Nam biết đến khái niệm đường cấm xe máy! Đây là chuyện chưa một ai từng nghĩ tới. Xe máy vốn là phương tiện giao thông tuyệt đối được "kính trọng" trong suốt nhiều chục năm qua ở ta. Mặc dù không có một hoạch định chiến lược nào cho xe máy hoặc một chủ trương, định hướng "dòng xe ưu tiên" nào cho xe máy; mặc dù phát triển tự phát như cỏ mọc, chưa từng được chăm sóc từ những năm trước sau chiến tranh, nhưng xe máy đã tỏ ra thích hợp như nước mắm hoặc phở của dân Việt, và gắn bó với đời sống người dân Việt ta tưởng chừng như sẽ không bao giờ dứt. Hay nói cách khác, cuộc sống người dân Việt Nam thích nghi với xe máy và mọi thứ cùng cái "hệ quy chiếu" xe máy này mà người ta làm đường, làm nhà, cấu trúc quy hoạch đô thị.

Không nói chuyện cùng người đi làm mỗi sớm mỗi chiều mà chạy đi đổ mớ rác người ta cùng ngồi lên xe máy, tạt vào chợ ven đường mua mớ rau mớ cá, hoặc len vào các con hẻm nhỏ hai người đi đã phải nghiêng vai... Với xe máy, người ta có thể chen chúc sống trong những con hẻm nhỏ của những khu trung tâm các đô thị mà không phải bận tâm về việc sắm ô-tô, ra ngoại ô hoặc dùng xe buýt, tàu điện.

Trong tổ chức giao thông, các "nhà" giao thông cũng ưu tiên đặc biệt cho xe máy, làm gì cũng đứng trên quan điểm góc nhìn của người đi xe máy mà thiết kế đường hoặc tổ chức giao thông. Ở Đà Nẵng, các bó vỉa thời Pháp đã được phá bỏ tất cả và làm mới thấp xuống cho xe máy lên xuống vỉa hè dễ dàng hơn. Không chỉ ở Đà Nẵng, rất nhiều con đường mới được mở, mới 4-6 làn xe, có dải phân cách cố định trồng cỏ ở giữa, rất thuận lợi và thông suốt trong giao thông nhưng vì xe máy "muốn" rẽ ngang về tắt, không đủ kiên nhẫn đi thêm một vài cây số đến chỗ trở đầu, nên các nhà làm đường đã mở các lối thông. Xe đi mà không biết người đi bên phải sẽ rẽ trái thình lình lúc nào hoặc từ chỗ thông ấy có ai sẽ lao qua hay không. Các dải phân cách cố định trồng cỏ đâm ra thừa, không làm đúng chức năng phân cách nhưng vẫn cứ được xây dựng một cách vô lý kéo dài.

Vậy mà, lần đầu tiên xe máy đã được loại ra khỏi đối tượng được "nghĩ" đến khi người ta làm đường! Chẳng thà như hầm Hải Vân, dài tận sáu cây số, không khí cô đặc bởi khói bụi và tiếng ồn nên cấm xe máy là đúng. Đằng này, đường thì rộng mênh mông, xe máy chạy 100km/giờ vẫn được chứ sao, vậy hà cớ gì cấm xe máy?

Thì ra, cho xe máy vào thì đường cao tốc sẽ không còn có thể cao tốc được nữa. Ô-tô đi mà xe máy "bu" vòng quanh trái phải trước sau thì không tay lái lụa nào có thể đi được 100km/giờ. Không lẽ lại làm một cái rào nữa dành riêng cho xe máy?

Chuyện cấm xe máy vào đường cao tốc mở ra cho ta câu hỏi, đường cao tốc quốc lộ 1A hình thành nay mai cũng sẽ cấm xe máy, thì chuyện gì sẽ xảy ra?

Chỉ có một câu trả lời là xe máy sẽ bắt đầu dần bị loại ra khỏi đời sống, như trên toàn thế giới người ta đã làm vậy. Nam Ninh, thủ phủ của tỉnh Quảng Tây, là một thành phố vùng biên Trung Quốc, địa thế chủ yếu là đồi núi và mới phát triển từ 10 năm nay, nhưng thành phố này đã cấm lưu thông xe máy được 10 năm. Tại huyện Khúc Phụ, tỉnh Sơn Đông, quê hương Khổng Tử, nơi vẫn còn những ngôi đền cổ, hiện nay, xe hơi cũng đã chiếm trọn cuộc sống của thành phố nhỏ bé này.

Bài toán cho các nhà làm chính sách hiện nay là hạ tầng cơ sở giao thông phải đổi mới, theo kịp sự phát triển của nền kinh tế, để Việt Nam sớm thoát ra khỏi "nền văn minh xe máy" mưa, nắng dãi dầu; người dân có thể sở hữu được sự tiến bộ mà những chiếc ô-tô có thể mang lại.

Và nếu vậy thì dòng xe ô-tô chiến lược đang thu hút sự quan tâm của dư luận cần nhắm đến là dòng xe nhỏ phân khối và rẻ tiền nhất có thể để nhanh chóng thay thế vị trí của xe máy. Hiện nay, phần lớn xe máy ở ta là đắt tiền hơn xe Tata của Ấn Độ. Chấm dứt thuế tiêu thụ đặc biệt, ưu đãi tối đa với dòng xe nhỏ nhất, rẻ tiền nhất có lẽ là hướng dòng xe chiến lược đúng đắn nhất để Chính phủ chọn.

Trung Hưng

;
.
.
.
.
.