.

Nghĩ về người Việt Nam ở nước ngoài

Trịnh Công Sơn có một câu rất lạ về những người đã ra đi: “Như những dòng sông nhỏ/ Ôi những dòng sông nhỏ/ Lời hẹn thề là những cơn mưa”. Phải chăng những “mưa nguồn gió biển” ấy, hoặc “những cơn mưa” hiền hòa và không kém xốn xang chính là những “lời hẹn thề”! Mỗi người Việt xa xứ liệu những lúc nào đó trong lòng họ có quặn lên “những cơn mưa”, “những lời hẹn thề”! Hẹn thề với ai? Với quê hương đất nước, nơi chôn rau cắt rốn, nơi ghi đậm những dấu ấn tuổi thơ?

Chỉ có thể trân trọng để tìm cách giải mã những cảm xúc vừa rất cụ thể nhưng cũng rất huyễn hoặc, bồng bềnh đầy bí ẩn, như tâm trạng của một người Việt xa xứ dẫn ra đây: “… Nếu không có mái chùa cong cong kia để tôi thấy thoang thoảng màu khói hương trên bức ảnh mẹ tôi, nếu không có mấy sợi bông cỏ bay bay trên mộ của ông ngoại tôi phía sau đồi Long Thọ, nếu không có Huế để tôi nghĩ rằng một ngày nào đó, tóc bạc phơ, tôi sẽ về dầm chân trong nước sông Hương giặt áo, làm sao tôi biết được tôi bây giờ là ai? (1)

Hiện có gần 4 triệu người Việt Nam đang sống ở nước ngoài, trong đó có khoảng 300 nghìn người đã tốt nghiệp đại học và sau đại học. Trong số đó, có những nhà khoa học tên tuổi như giáo sư Trịnh Xuân Thuận, cũng như nhiều chuyên gia đầu ngành hiện đang làm việc tại các đại học, viện nghiên cứu và công ty nổi tiếng ở các nước Mỹ, Nhật, Canada, Anh, Úc, Hà Lan… Liệu trong lòng họ có những xốn xang “như mưa nguồn gió biển, vẫn trở về lưu luyến” con sông quê hương của mình không? Liệu trong đó có ẩn dấu một ý nghĩa thiêng liêng vốn chìm sâu trong tiềm thức của một đời người, mà đôi khi, trong những bộn bề bon chen của cuộc mưu sinh, ý nghĩa thiêng liêng ấy bị chìm lấp đi. Chìm lấp, thậm chí có thể phôi pha trong muôn một, nhưng không thể bị xóa nhòa để trong một tình huống nào đó thì bật dậy thật mạnh mẽ và không kém phần bí ẩn.

Cũng lại vấn đề “gốc” rất thú vị ấy, có câu chuyện cảm động về một người 43 năm đuổi tìm tiếng “mẹ ơi” của Mirei Lehman, một người Thụy Sĩ gốc Việt. Ba mẹ nuôi của cô đem cô về Thụy Sĩ khi cô mới vài tháng tuổi và đã từng cho cô biết “Việt Nam là nơi chúng ta từng đến và đón nhận con, nơi đó xa lắm”. Thế rồi, “tôi là ai” là câu hỏi đã theo Lehman suốt cả tuổi xuân trong cuộc sống đầy đủ tiện nghi tại một đất nước thanh bình có chỉ tiêu GDP cao ngất ngưỡng, một môi trường sống vào loại nhất nhì của thế giới. Tuy vậy, người phụ nữ tài năng và đa đoan đó vẫn cảm nhận rằng “Việt Nam - con người thứ hai của tôi” khiến cho cô quyết tâm đeo đuổi mục tiêu tìm lại nơi chôn rau cắt rốn của mình, tìm về cái “gốc” của mình. Và vì thế, dự án “Việt Nam - con người thứ hai của tôi” được giới thiệu tại “La Maison de l’Indochine” ở Paris đã thu hút sự quan tâm của giới nghiên cứu và am hiểu nghệ thuật. Và rồi năm 2008, Lehman trở về Việt Nam để thực hiện ba nhóm tác phẩm lớn với đề tài “From another part”, “Here and there” và “Hello & goodbye”. Các tác phẩm này đã được xuất bản thành sách và triển lãm hai lần tại Thụy Sĩ. Năm 2009, Lehmann lại trở về Việt Nam để thực hiện bộ phim “Le coeur au bord des yeux” (tạm dịch là “Góc khuất trong đôi mắt em”), bộ phim đã ra mắt khán giả tại TP. Hồ Chí Minh ngày 1-12-2009. Xuyên suốt các tác phẩm của mình, Mirei Lehmann ấp ủ ước vọng thầm kín: “Mong mỏi được một lần gặp lại người sinh ra mình, được ôm họ và một lần được kêu lên hai tiếng Mẹ ơi!

Vậy thì, giữa ấp ủ một mong muốn thiết tha của người phụ nữ đến ngày “tóc đã bạc phơ sẽ về dầm chân trong nước sông Hương giặt áo” kia với khát vọng của người thiếu phụ suốt 43 năm lặn lội đi tìm người sinh ra mình để chỉ “một lần được kêu lên hai tiếng Mẹ ơi” ấy có cái gì giống nhau? Phải chăng, để góp phần “giải mã” những “hiện tượng” nói trên, có lẽ phải tìm hiểu kỹ về bối cảnh nào đã là điều kiện để cho cái “gốc Việt” đó đâm ra những hoa trái của cuộc đời, vừa đậm hương sắc nơi thổ ngơi mới, nhưng vẫn ủ ấp những hương vị “gốc” quê hương, nơi chôn rau cắt rốn của mình.

Còn biết bao những người nước ngoài “gốc Việt” từng “cũng tự hào về nguồn gốc Việt Nam của tôi ” như bộ trưởng người Đức gốc Việt Philipp Roesler, và Lê Nam, chàng trai người Úc gốc Việt sinh năm 1979, vừa nhận được giải thưởng văn học của Thủ tướng Úc, và rồi chỉ tháng trước, một người Mỹ gốc Việt, nữ khoa học gia Thảo Nguyễn sinh năm 1976, vừa được nhận giải thưởng của Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama trong năm 2009 cùng biết bao nhiêu người gốc Việt khác nữa đang định cư ở nước ngoài.

Không ai bác bỏ được rằng, những trái tim Việt Nam yêu nước đều cùng nhịp đập với lời kêu gọi cứu nước của Phan Bội Châu: “Nay ta hát một thiên ái quốc / Yêu gì hơn yêu nước nhà ta” cũng hệt như với “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” của Hồ Chí Minh: “Chúng ta phải đứng lên! Bất kỳ đàn ông đàn bà, bất kỳ người già người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc”.

Hễ là người Việt Nam”, mệnh đề đó có ý nghĩa thiêng liêng biết bao!

Mong ước đeo đuổi suốt cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh là “Xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”. Chân lý thật là cụ thể và đơn giản. Nhưng nhận cho ra sự đơn giản và cụ thể đó nhiều khi lại phải là cả một quá trình, và cái giá của nhận thức trải qua quá trình lắm gian truân và đa đoan kia quả không nhỏ! Xin trích ra đây lời phát biểu của giáo sư Cao Huy Thuần, một trí thức đáng kính đang định cư ở Pháp, hàng năm, ông vẫn về giảng dạy tại Việt Nam:

… Người Việt ở nước ngoài hay người Việt ở trong nước đều đóng góp giống nhau về bản chất. Đóng góp là đóng góp. Ngày trước, trong thời kháng chiến chống Pháp, chúng tôi nghe say mê bài hát thi đua như sau:

Anh có cây súng kia / thì tôi có bàn tay thợ
....

Anh giết thêm thực dân / thì tôi đúc thêm súng đạn
Anh có bông lúa vàng / thì tôi có ngàn lời thơ

Đóng góp là như thế.

Ai ai cũng giống nhau... Bởi vậy nên tôi không bao giờ nghĩ đến chuyện tôi làm như là đóng góp của trí thức Việt kiều. Trí thức là trí thức, công việc giống nhau. Tôi làm cái việc bình thường của mọi trí thức, giống hệt trí thức trong nước. Nghĩa là dạy học, viết sách.

Đẹp biết bao khi nhà trí thức tự khẳng định bản lĩnh của chính mình trước một câu hỏi “Đáng lẽ trí tuệ như các ông phải đóng góp nhiều hơn cho đất nước chứ! Ông có nghĩ rằng ông bị gạt ra rìa ?” Cao Huy Thuần thật tinh tế nhưng vô cùng thâm thúy mà rằng: “Không. Tổ quốc mênh mông như bầu trời. Đâu là rìa? Ai dám nói bầu trời đã gạt mặt trăng ra rìa?” (2)

Rõ ràng, việc “không phân biệt quá khứ và ý thức hệ, tôn giáo và tín ngưỡng…” sẽ tạo nên một không gian rộng lớn cho sự tập hợp tất thảy những người Việt Nam đang lưu chảy trong huyết quản mình dòng máu Việt thiêng liêng, khiến cùng cất lên những lời đồng vọng từ lời kêu gọi của Phan Bội Châu đến lời kêu gọi của Hồ Chí Minh.

Lời đồng vọng ấy khởi nguồn từ một truyền thống vô cùng quý báu của dân tộc Việt Nam ta, vốn đã được hình thành từ thuở xây dựng nền tự chủ sau khi đã thoát ra khỏi đêm đen của nghìn năm Bắc thuộc thể hiện trong cương lĩnh dựng nước của Khúc Hạo năm 906, với lời khẳng định: “Chính trị cốt chuộng sự khoan dung giản dị… khiến cho trăm họ được yên vui” . Những lời đồng vọng ấy chỉ có thể cất lên trên âm vang của sự “khoan dung và giản dị” ấy để chân thành đoàn kết, cùng trân trọng lẫn nhau, cho dù chỗ đứng còn khác nhau, nhưng đều đang mong muốn đến với nhau để cùng cất lên một thiên ái quốc.

Tương Lai

Chú thích

(1) Cao Huy Thuần. “Nắng và Hoa”. NXB Tôn giáo. 2003, tr. 54, tr.207. Ông là giáo sư Đại học Pháp, hiện sống ở Paris.

(2) Cao Huy Thuần. Tạp chí Thời đại, tháng 7-2006.

;
.
.
.
.
.