.

Ngọn lửa hoài hương

.

Bên đó, tuy những bếp lửa bánh tét, bánh chưng không làm rực đỏ chiều ba mươi, nhưng hương Tết vẫn cồn cào trong tâm khảm. Không chút khói lam vương chiều cuối năm xa xứ mà vẫn réo rắt “Tình hoài hương”.

Xứ xa và tự hào dân tộc

Cùng nhau giữ truyền thống văn hóa của quê hương QN-ĐN trên đất khách. 

Trời cuối năm Đà Nẵng phơn phớt nắng, một chút nhạc nhè nhẹ trong một quán cà-phê trên đường Phan Đình Phùng níu chân chúng tôi gần hết buổi sáng. Anh Trương Văn Địch và tôi biết nhau qua giới thiệu của một cộng tác viên báo Đà Nẵng ở Cộng hòa Liên bang Đức. Một bữa, bất ngờ, Địch gọi về, trong cuộc nói chuyện gần nửa tiếng đồng hồ, anh vui mừng bảo rằng anh đồng hương Điện Dương, Điện Bàn với tôi. Trời ạ, sao mà lạ lùng đến thế?! Chúng tôi kể nhau nghe về nơi chôn nhau cắt rốn, những kỷ niệm buồn vui thời thơ ấu, mái đình xô lệch mái ngói, đường làng vỡ vụn vì bom đạn chiến tranh...

Đã “làm quen” với Chủ tịch Hội Đồng hương QN-ĐN Trương Văn Địch qua e-mail, qua trang web của Hội Đồng hương QN-ĐN www.quangda.de, nhưng vẫn không khỏi ít nhiều ngạc nhiên khi bắt tay anh ở ngoài đời. Chút hồn hậu, chân quê xứ Quảng cộng với sự hoạt bát, nhanh nhạy rất thoáng của trời Tây nơi anh đủ gây cảm tình cho bất cứ ai trong lần đầu gặp gỡ. Anh đi cùng với người anh ruột của mình - anh Trương Quốc Đáng đang công tác bên Công an Phòng cháy chữa cháy thành phố. Chuyện diễn ra thắm tình đồng hương.

11 tuổi Địch rời quê vào Sài Gòn đi học theo diện con liệt sĩ, 20 tuổi sang Đông Đức làm công nhân. Khi bức tường Berlin sụp đổ, công nhân Việt Nam bị cắt giảm, anh là công nhân tiên tiến nên được nhà máy giữ lại làm phiên dịch, vừa đi làm, vừa học tiếng Đức. Hai năm sau, nhà máy đóng cửa, anh ra kinh doanh riêng với anh em người Việt. Anh hiện là Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc điều hành Công ty Thăng Long Asia Food, phụ trách chuỗi trên 30 nhà hàng tại các siêu thị ở Đức chuyên bán thức ăn nhanh (fast food) châu Á gồm Việt, Tàu, Thái, Nhật. Tháng 9-2009, tại Berlin, anh là một trong 42 doanh nhân được Bộ Công thương trao Giải thưởng Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu khu vực châu Âu năm 2009.

Khi lập công ty - Địch bảo, anh em cũng chưa biết đặt tên gì. Nhân trong nhóm có một anh lớn tuổi tên Long, thêm nữa, mình là người Việt, lấy tên kinh đô cũ Thăng Long đặt tên công ty để nhớ về Tổ quốc. Công ty ra đời ở Đức giữa những năm 90 thế kỷ trước, tình hình khi đó còn bất ổn, người Việt nghĩ, có lẽ chỉ ở lại bên đó một thời gian thôi. Dưới mắt người Đức lúc đó, họ không thích người Việt, mình mà lộ mặt quá thì kinh doanh cũng khó khăn. Nhưng, nếu người Việt mà lấy tên khác như “China Restaurant” chẳng hạn thì còn gì là tự hào dân tộc. Vì thế, dù không ghi “Vietnamese Restaurant”, chỉ chung chung là “Thang Long Asia Food”, nhưng khi họ hiểu ra thì họ biết mình là người Việt Nam.

Hòa nhập và bản sắc Việt

Chủ tịch Hội Đồng hương QN-ĐN Trương Văn Địch: Hãy làm nhiều việc hơn cho cộng đồng, cho bà con chúng ta ở quê nhà.

Cộng đồng người Việt ở Đức hiện đã có khoảng 100 ngàn người, trong đó có hơn 10 nghìn người ở Berlin. Sau một thời gian “vùng vằng nửa ở nửa về”, đến nay bà con người Việt đã an cư lạc nghiệp và thế hệ thứ hai đã sinh ra, lớn lên và trở thành công dân Đức. Xa quê, ai cũng lo thế hệ mới này sẽ xa dần bản sắc Việt, nếu gia đình không định hướng cho con em mình.

Địch có ba đứa con tuổi từ 7 đến 15, cậu con trai đầu đã bước vào giai đoạn định hình nhân cách. Vợ anh người Nghệ An, mang trong người dòng máu của những ông đồ xứ Nghệ. Một điều rất mừng – anh tâm sự, là mấy năm trở lại đây, khi cộng đồng Việt ổn định và chí thú làm ăn, bà con đã chú trọng nhiều hơn đến việc chăm sóc con cái. So với học sinh gốc châu Á, học sinh thế hệ thứ hai người Việt mình học giỏi, lễ phép với thầy, cô giáo hơn rất nhiều, đó là do cha mẹ giáo dục con cái theo truyền thống Việt tôn sư trọng đạo. Thủ tướng Angela Merkel đã đánh giá cộng đồng Việt Nam là hòa nhập nhất, học giỏi nhất trong các cộng đồng người nước ngoài tại Đức. Vừa rồi một người gốc Việt lên làm Bộ trưởng Y tế càng làm tăng lòng tự hào dân tộc. Xã hội Đức phân biệt ghê lắm, nhưng cũng phải nể vì người Việt.

Cuối tháng 5 năm ngoái, bà con quê Quảng Nam và Đà Nẵng đã có cơ hội xích lại gần nhau và giúp đỡ lẫn nhau hơn trong cuộc sống, khi Hội Đồng hương QN-ĐN được chính thức ra mắt, trụ sở đóng tại Berlin. Một trong những mục tiêu của Hội là bảo tồn và khuyến khích những truyền thống văn hóa của quê hương QN-ĐN trên đất khách, tổ chức các hoạt động quyên góp để làm công tác từ thiện và giúp đỡ quê hương. Về nước năm ngoái tham dự Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài lần thứ nhất tại Hà Nội, Địch và anh em trong đoàn đã về lại quê nhà tiếp tục công tác cứu trợ đồng hương bị thiệt hại do bão số 9, tặng nhà tình nghĩa, xe lắc, tặng quà nạn nhân chất độc da cam ở Quảng Nam, tặng quà Trung tâm Bảo trợ xã hội Đà Nẵng...

Lần đó, còn có thêm một tin vui. Sau khi Địch làm việc với Tỉnh Đoàn Quảng Nam và Thành Đoàn Đà Nẵng, các bên đã thống nhất chủ trương tổ chức trại hè 2010 giao lưu học sinh – sinh viên đồng hương QN-ĐN. Anh lạc quan: Hội sẽ đưa về khoảng 30-50 em, tuổi 14-20, để các em tìm về văn hóa Việt, các em sẽ chỉ nói toàn tiếng Việt, không được nói tiếng Đức. Các em sẽ giao lưu văn hóa văn nghệ, tắm biển, thăm thắng cảnh, Làng SOS, Hội Nạn nhân chất độc da cam... Khi biết tin, các thành viên trong BCH Hội ai cũng muốn đưa con về. Địch phấn khích kể lại: Hiện nay, chỉ mới có Hội Đồng hương QN-ĐN có ý tưởng này.

Tết Việt giữa trời Tây

Càng có tuổi, người tha hương càng da diết nhớ quê cha đất tổ, nhất là mỗi khi Tết đến xuân về. Dù gì đi chăng nữa thì đất nước mình đang ở cũng là của người ta, mình vẫn là người ăn đậu ở nhờ - giọng Địch chùng xuống.

Bên đó, Tết thường nhằm vào ngày đi làm. Mấy anh lớn tuổi trong Hội Đồng hương cúng kiếng kỹ lắm, tất cả ngồi lại với nhau, bàn tính thế nào để lễ Tết đúng với truyền thống Việt cho con cháu noi theo. Gọi điện chúc Tết anh em xong, mọi người quây quần xem cầu truyền hình Tết Việt qua VTV4. Đúng 6 giờ bên đó, ở quê nhà là 0 giờ, mọi người cúng giao thừa, tuy không bằng bên mình, nhưng ai cũng thành tâm hướng về đất Mẹ.

Tết năm nay có Hội Đồng hương, người QN-ĐN bên đó đón xuân vui hơn. Hội tổ chức họp mặt chúc mừng năm mới có mời các bạn người Đức, thưởng thức món ăn truyền thống Việt. Thời buổi hội nhập, ra siêu thị thì thức Việt gì cũng có, nhưng ai cũng thích tự tay mình làm. Củ kiệu, dưa hành, bánh tổ, bánh in, bánh tét… đến món xôi đường, ở quê nhà đang hiếm dần, mà bên đó vẫn còn chen chân với bánh Tết. Vợ anh Địch đưa hương vị quê nhà vào cái bánh chưng, trước Tết còn nấu tặng bà con một ít làm quà. Đến phần văn nghệ, các ca sĩ cây nhà lá vườn khuấy động năm mới, có người hát mấy câu bài chòi, nghe chạnh lòng nhớ quê… Không thể thiếu tiết mục lì xì đầu năm để thế hệ thứ hai hiểu rằng Tết là lễ trọng của người Việt Nam. Con cái lúc đầu ngỡ ngàng chút ít, bởi Tây ít tặng nhau tiền, nhưng rồi sẽ hiểu rằng đó là nét riêng của Tết Việt.

Tết, những người con xa quê khắc khoải nỗi niềm cùng Huy Cận: “Lòng quê dợn dợn vời non nước/ Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà”. Bên đó, tuy những bếp lửa bánh tét, bánh chưng không làm rực đỏ chiều ba mươi nhưng hương Tết vẫn cồn cào trong tâm khảm. Không chút khói lam vương chiều cuối năm xa xứ mà vẫn réo rắt “Tình hoài hương” như câu hát của Phạm Duy: “Nước mắt có về miền quê lai láng, Xa quê hương! Yêu quê hương!...”.

2010 là năm của Nghìn năm Thăng Long – Hà Nội, cũng là năm kỷ niệm 35 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt – Đức, Công ty Thăng Long của Địch cũng sẽ làm một cái gì đó để hướng về Tổ quốc. Trong lòng những người con xa xứ, ngọn lửa hoài hương vẫn luôn rực cháy, dù bếp chiều ba mươi mỗi năm chỉ đỏ một lần…

Ghi chép của VĂN THÀNH LÊ

 

 

;
.
.
.
.
.