.

Nhớ câu “Y tích âm công”...

.

Một thời, không ai lạ gì với tên gọi “Lang vườn” - những thầy lang vùng nông thôn, sử dụng cây thuốc nam sẵn có trong vườn nhà để chữa bệnh. Khi nền y học hiện đại phát triển vượt bậc trên toàn thế giới, y học cổ truyền trong nước đã vận dụng triết học Đông phương, đưa những ông “Lang vườn” vào quá khứ và mở ra cơ hội cho những thầy thuốc Đông y.

Phối hợp thuốc “đông” và thuốc “tây”

Lương y Nguyễn Văn Tri châm cứu bệnh nhân Nguyễn Thanh sau khi điều trị cấp bệnh viêm đa dây đa rễ thần kinh tại khoa Nội thần kinh. 

Ở Bệnh viện Đà Nẵng, Khoa Đông y (ĐY) được thành lập khá sớm, từ năm 1976. Ngoài chức năng, nhiệm vụ của một khoa điều trị bệnh, Khoa ĐY còn làm cầu nối giữa y học cổ truyền và y học hiện đại. BS Trưởng khoa Phạm Thị Mai cho biết, mô hình mới là triển khai ĐY trong tất cả các khoa lâm sàng, đáp ứng kịp thời những chứng, bệnh mà Tây y còn hạn chế trong điều trị. Các khoa khác, khi hội chẩn có vấn đề gì liên quan đến ĐY là ghi vào bệnh án để có phương án chữa trị kết hợp ĐY và Tây y.

Thời gian qua, sự kết hợp ĐY và Tây y đã mang lại những hiệu quả đáng kể trong chữa trị tại Bệnh viện Đà Nẵng. Mới nhất là hai công trình nghiên cứu của khoa sẽ được báo cáo tại Hội nghị Khoa học do bệnh viện tổ chức vào ngày 27-3 tới.

BS Mai chủ trì đề tài “Châm cứu chữa bí tiểu”, được thực hiện từ năm 1996 với 248 bệnh nhân. Khảo sát thực tế cho thấy phương pháp này thành công 100% đối với các trường hợp sang chấn sản khoa sau khi phụ nữ sinh xong không đi tiểu được, 70% đối với các trường hợp liệt bàng quang do những nguyên nhân về sọ não, tủy sống hoặc phẫu thuật vùng bụng. Phương pháp này đã góp phần đáng kể trong việc chưa để xảy ra trường hợp biến chứng do bí tiểu nào tại Bệnh viện Đà Nẵng vì cứu chữa không kịp thời.

Lương y Nguyễn Văn Tri chủ trì đề tài “Châm cứu phục hồi liệt dây thần kinh 7 ngoại biên sau chấn thương”, thực hiện từ năm 2007 với 60 bệnh nhân. Đây là đề tài mở rộng, phát triển từ đề tài “Phục hồi chức năng ở bệnh nhân di chứng tai biến mạch máu não” cũng do lương y Tri báo cáo vào năm 2002. Những người bị chấn thương sọ não, vùng mặt, tai, đầu, sau khi được Khoa Ngoại chấn thương thần kinh điều trị ổn định rồi, thường có di chứng liệt mặt, méo miệng, mắt nhắm không được (liệt dây thần kinh 7). Việc can thiệp bằng châm cứu sẽ giúp người bệnh phục hồi gương mặt, lấy lại sự tự tin trong lao động, học tập; nếu không điều trị sớm (bằng châm cứu) sẽ mang di chứng suốt đời.

55 năm trước, trong Thư gửi Hội nghị cán bộ Y tế, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Ông cha ta ngày trước có nhiều kinh nghiệm quý báu về cách chữa bệnh bằng thuốc ta, thuốc bắc. Để mở rộng phạm vi y học, các cô các chú cũng nên chú trọng nghiên cứu và phối hợp thuốc “đông” và thuốc “tây”. Những thầy thuốc ĐY ở Bệnh viện Đà Nẵng, với tâm huyết của mình, đã thực hiện đúng tinh thần đó.

Chứa phúc để dùng về sau

Người thầy thuốc phải lấy việc cứu sống mạng người làm nhiệm vụ của mình.

Y học cổ truyền coi con người là một sinh vật trong vũ trụ (Nhân thân tiểu thiên địa), chịu mọi ảnh hưởng và chi phối bởi vũ trụ. Con người muốn tồn tại với sức khỏe tốt phải biết hòa hợp với thiên nhiên, với môi trường sống. Trên cơ sở lý luận đó, người thầy thuốc ĐY, khi tiếp xúc với người bệnh, không chỉ nhìn thấy cái bệnh của họ mà phải thấy tổng thể con người của họ về tâm lý, trạng thái thần kinh, hoàn cảnh gia đình…

BS Mai chia sẻ: “Có khi thầy thuốc chỉ nói một lời hiểm ác thôi mà bệnh nhân có thể bị tai biến, bị nhồi máu cơ tim. Những tác động về tâm lý của người bệnh rất quan trọng trong hiệu quả điều trị, vì thế, đối với thầy thuốc ĐY, y đức được đặt lên hàng đầu- người ta gọi là tâm linh của ĐY. Người mắc bệnh, nhất là bệnh nặng, thường mất niềm tin, thầy thuốc nào mang lại niềm tin cho người bệnh, người đó có y đức nhất”.

Bộ Y tế quy định 12 điều Y đức, Hải Thượng Lãn Ông có 9 điều Y huấn cách ngôn để tự răn mình và dạy học trò. Rằm tháng Giêng năm nay, tại lễ Giỗ Y tổ Hải Thượng Lãn Ông lần thứ 220, những lời răn dạy thiêng liêng đó sẽ được nhắc lại. BS Trịnh Thị Mơ, Chủ tịch Hội ĐY thành phố Đà Nẵng nhận xét: “Đà Nẵng hiện có trên 500 hội viên Đông y, đa số là các thầy cao tuổi, vẫn giữ y đức, chưa thấy các thầy có hiện tượng gì tiêu cực. Chỉ một số ít còn trẻ, mới học ra, nghĩ kinh tế là chủ yếu nên đôi lúc còn làm điều chưa chính đáng”.

BS Phạm Thị Mai cho rằng, không nên phân biệt thầy thuốc Tây y hay Đông y, mà nên gọi chung là người thầy thuốc Việt Nam. Người Việt Nam phải biết sử dụng các phương pháp chữa bệnh cổ truyền, đó là di sản văn hóa - y dược rất quý báu. Ngoài ra, người thầy thuốc Việt Nam phải học tập nâng cao kiến thức của y học hiện đại để cứu chữa con người tốt hơn, làm việc hai tay bao giờ cũng hiệu quả hơn một tay.

Lương y Nguyễn Văn Tri, qua gần 30 năm công tác tại Bệnh viện Đà Nẵng, ngẫm lại, vẫn thấy điều Y huấn cách ngôn thứ 9 của Y tổ Hải Thượng Lãn Ông lúc nào cũng mới: “Đạo làm thuốc là một nhân thuật chuyên bảo vệ sinh mạng con người, phải lo cái lo của người và vui cái vui của người, chỉ lấy việc cứu sống mạng người làm nhiệm vụ của mình, không nên cầu lợi, kể công. Tuy không có sự báo ứng ngay nhưng để lại âm đức về sau”.

Âm đức hay âm chất cũng là điều mà nhiều thầy thuốc như lương y Trần Đình Niên, người tự nhận từng là một “lang vườn”, tâm đắc. Đến thăm vườn thuốc nam rộng hơn 400m2 ở phía nam cầu Cẩm Lệ (đã được nhiều nơi đến tham quan, học hỏi) của ông, sẽ được mục sở thị nhiều loại cây thuốc quý do ông sưu tầm từ khắp mọi miền đất nước. Quý hơn, khi nghe ông chia sẻ rằng, nghề thầy thuốc là nghề học tính mệnh của con người nên lúc nào cũng cẩn thận. Vì sao? Nếu lỡ cho bệnh nhân uống rồi thì không thể lấy ra được. Có mệnh hệ nào, phép nước có hạn, nhưng lương tâm sẽ cắn rứt cả đời. Làm thầy thuốc, trọng nhất là âm chất. Cụ Đồ Chiểu đã dặn rành rành trong “Ngư tiều y thuật vấn đáp”: Nhớ câu “Y tích âm công”/ Ta nên chứa phúc để dùng lâu thay!/ Hỡi ai có bụng như vầy/ Đạo y ngày sáng, tiếng thầy nào hư. Âm công là công đức kín mà người ta không thấy được, chỉ quỷ thần biết thôi.

VIÊN PHÚC QUÂN

;
.
.
.
.
.