.

Phòng mạch cuối tuần

* Ba tôi đi khám và được xác định bị viêm loét dạ dày không do nhiễm vi khuẩn H.Pylory. Vậy cách điều trị có khác với bệnh do nhiễm vi khuẩn H.Pylory không, có nên ngưng các thuốc chữa gây loét không? (Văn Tú, Sơn Trà, Đà Nẵng).

- Cơn đau loét có các triệu chứng điển hình: Đau thượng vị (vùng trên rốn và dưới mỏm xương ức); Đau có chu kỳ theo bữa ăn và theo mùa; Đau xuất hiện hoặc tăng khi ăn các thức ăn chua, cay hay khi bị căng thẳng thần kinh và giảm khi uống các thuốc kháng axit hay thuốc băng niêm mạc dạ dày (DD). Các triệu chứng không điển hình như đầy bụng, ợ hơi, ợ chua, chậm tiêu hóa… rất khó phân biệt là do loét hay do một bệnh khác của dạ dày như viêm DD, ung thư DD, hay chứng loạn tiêu hóa không do loét. Trường hợp này phải chụp X.quang hoặc nội soi DD mới chẩn đoán chắc chắn.

Đối với nhóm loét dạ dày-tá tràng không do nhiễm H.Pylori, việc điều trị gồm: Ngưng các thuốc gây loét; điều trị với các thuốc chống loét. Trường hợp phải điều trị lâu dài các bệnh mạn tính với các thuốc có thể gây loét thì nên điều trị kết hợp với thuốc chống loét. Trường hợp bệnh nhân đã bị loét nếu cần phải điều trị với các thuốc có thể gây loét thì bắt buộc phải điều trị kèm với các thuốc chống loét.

Bên cạnh việc điều trị tiệt trừ H.Pylori hoặc điều trị thuốc chống loét bệnh nhân cần kiêng cữ các thức ăn chua cay, nhiều mỡ béo và phải ngưng hút thuốc lá, ngưng uống bia, rượu. Tránh bớt các nguyên nhân gây căng thẳng thần kinh.

* Tôi bị bệnh viêm loét dạ dày nhiều năm nay. Một người bạn khuyên nên ăn chuối xanh và tập động tác lắc tay bệnh sẽ thuyên giảm. Ngoài tập lắc tay có cần một chế độ tập luyện khác không? (Lê Văn Lộc, tổ 33 Phước Ninh, Hải Châu, Đà Nẵng).

- Nên ăn nhiều ngũ cốc thô thay cho thực phẩm tinh lọc, bao gồm gạo lức, nếp lức, bắp, các loại đậu và một số hạt có chất béo như mè, hạt điều, hạt bí còn nguyên lớp màng ngoài của hạt. Những loại hạt này có nhiều chất xơ, sinh tố và chất khoáng, nhất là những sinh tố nhóm B cần thiết cho nhu cầu chuyển hóa các chất, cho việc tiêu hóa thức ăn. Để tránh làm loãng các loại dịch tiêu hóa cũng như các vi chất dinh dưỡng có sẵn trong hạt thô, không nên uống nhiều nước soup, nước canh trong bữa ăn. Cách xa bữa ăn có thể uống thêm nước trái cây hoặc ăn thêm canh soup.

Không nên ăn quá no, tránh ăn nhiều thịt hoặc những thức ăn chiên, xào có nhiều dầu mỡ khó tiêu hóa.

Ngoài ra, dùng chuối xanh dưới hình thức rau trộn trong các bữa ăn cũng là một liệu pháp bổ sung tốt cho trị viêm loét dạ dày. Chuối xanh có những hoạt chất có tác dụng kích thích sự phát triển của những tế bào màng nhầy ở thành trong dạ dày. Đông y có cách dùng chuối xanh trị bệnh dạ dày như sau: Chuối xanh phơi hoặc sấy khô ở nhiệt độ thấp, tán bột, bỏ vào lọ đậy kín. Mỗi ngày dùng 2 lần, mỗi lần khoảng 8g.

Phất thủ liệu pháp (PTLP) còn gọi là phương pháp lắc tay, là một phương pháp khí công đơn giản, cũng có thể xem là một hình thức thiền động. Các động tác lắc tay liên tục và đều đặn có tác dụng làm gia tăng nhu động ruột, kích thích tiêu hóa và điều hòa thần kinh giao cảm. Do đó, tập PTLP 2 lần mỗi ngày, mỗi lần từ 20 đến 30 phút sẽ đáp ứng rất tốt quá trình chữa rối loạn tiêu hóa hoặc viêm loét dạ dày. Nên tập liền sau các bữa ăn, động tác lắc tay gây trung tiện hoặc ợ hơi nhiều lần sẽ giải quyết nhanh chóng triệu chứng đầy bụng và tạo điều kiện chữa lành các vết loét.

Nếu có điều kiện, mỗi ngày nên dành ra khoảng 10 đến 15 phút để tập một số động tác Yoga. Các động tác cúi, ngửa ở vùng bụng như các thế rắn hổ mang, thế đầu tựa gối, thế căng giãn lưng… có thể giúp thư giãn cơ và thần kinh, điều hòa hoạt động nội tiết và tăng cường hoạt động khí hóa ở vùng trung tiêu để chữa các chứng rối loạn tiêu hóa.

P.M.C.T


;
.
.
.
.
.