.

Táo quân 2010 – dịp để nhìn lại mình

.

Đã từ lâu, “Táo Quân” trở thành một chương trình thường niên mỗi độ Tết đến, xuân về. Ở phút giao thừa thiêng liêng chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, cả gia đình ngồi quây quần bên nhau cùng thưởng thức những tiểu phẩm hài đặc sắc xung quanh việc các Táo chầu trời.

Màn xiếc trong chương trình Táo quân. 

Hai đêm ghi hình vào ngày 30, 31-1 tại cung Hữu nghị Việt Xô – Hà Nội chật kín chỗ. Đêm gala Táo Quân có sự góp mặt của rất nhiều tên tuổi những nghệ sĩ hài quen thuộc như Quốc Khánh (vai Ngọc Hoàng), Xuân Bắc (vai Nam Tào), Công Lý (Bắc Đẩu), Chí Trung (Táo Giao thông), Thành Chung (Táo Quy hoạch), Hiệp “gà” (Gia Cát Dự), Quang Thắng (Táo Tiền Vàng), gia đình nhà Táo gồm 3 thế hệ là Vân Dung (Táo bà - Cộng đồng) và sự góp mặt của danh hài duy nhất đến từ miền Nam đó là Đức Hải (trong vai Táo bố - Dân), Đức Khuê (Táo con - Sinh), Tự Long (Táo Giáo dục). Khán giả háo hức đón chờ xem các nghệ sĩ sẽ gửi những thông điệp gì đến với công chúng, còn các nghệ sĩ đã miệt mài lao động hết sức mình trong suốt những ngày tập luyện để sản phẩm ra mắt công chúng trong năm mới sẽ là sản phẩm nghệ thuật có chất lượng cao nhất.

Táo quân và công việc “bắt mạch”

Suốt nhiều năm qua, “Táo Quân” là một chương trình can đảm khi nói lên những vấn đề nổi cộm, những nhức nhối trong một năm của xã hội. Kịch bản của chương trình cuối năm được cập nhật, chỉnh sửa, bổ sung nhiều lần để luôn nóng hổi và bắt kịp với xã hội. Câu chuyện của các Táo rất toàn diện, lần lượt nêu lên các vấn đề về giao thông, quy hoạch, môi trường, sức khỏe cộng đồng... đều được thể hiện trên sân khấu cuối năm. Rất thẳng thắn nêu lên nhiều vấn đề bức thiết thông qua lăng kính hài hước, những câu chuyện được thổi phồng, khuếch trương lên nhiều khi đến độ cực đại càng làm cho tiếng cười trở nên sâu cay hơn. “Táo Quân” đã kiên trì trong nhiều năm, cần mẫn làm công việc “bắt mạch” của người bác sĩ để khám và chữa bệnh cho toàn dân. Táo quân năm nay đã chỉ ra được những bệnh cố hữu có từ nhiều năm trước như ùn tắc giao thông, quy hoạch các tuyến đường và đô thị; chất lượng giáo dục, việc làm, chất lượng phục vụ hãng hàng không giá rẻ, giá vàng biến động và các vấn đề về dân sinh - cộng đồng - vệ sinh an toàn thực phẩm như: mỡ thối, hạt dưa tẩm dầu, chẩn đoán mang thai giả... Dù là những vấn đề cũ hay mới nhưng đều được các nghệ sĩ chuyển tải qua những hình thức nghệ thuật hấp dẫn, thể hiện nhiều sự tìm tòi và đổi mới của những người làm chương trình.

Để cho chương trình sinh động, phong phú, các nghệ sĩ đã lồng ghép những màn múa uyển chuyển, biểu diễn xiếc, múa sạp... cho đến các làn điệu chầu văn, ca trù, tuồng, hò Huế - là những giá trị văn hóa phi vật thể cần được bảo tồn. Và trong gala năm nay, diễn viên Tự Long trong vai Táo Giáo dục là Táo cuối cùng chầu trời chiếm được cảm tình nhiều nhất của khán giả. Tự Long đã đem đến khúc hát ca trù được phổ nhạc dựa trên những công thức toán học, những tuyên ngôn về giáo dục đầy dí dỏm khiến màn biểu diễn của anh trở nên uyển chuyển.

Táo quân và công việc “kê đơn”, “chữa bệnh”

Với những tiểu phẩm hài đem lại những tiếng cười nhẹ nhàng, chương trình “Táo Quân” là dịp để mỗi con người nhìn lại chính mình và cố gắng hoàn thiện hơn. “Táo Quân” đã góp tiếng nói nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân, mỗi tập thể trong đời sống chung của cả một cộng đồng. Tìm ra những căn bệnh nguy hiểm, những vấn đề còn tồn đọng, chương trình “Táo Quân năm 2010” cũng như các năm đã trở thành một người bác sĩ cần mẫn kê đơn, chữa bệnh để cho một cơ thể khỏe mạnh hơn, và giúp ích nhiều cho xã hội đương thời. Chữa bệnh không phải là dễ, không phải là công việc một sớm một chiều mà xong, nhưng nó đòi hỏi sự nỗ lực vươn lên không ngừng và hoàn thiện để cuộc sống tươi đẹp hơn và có ý nghĩa hơn.

Gala cuối năm – “Táo Quân 2010” sẽ được phát trên sóng của Đài Truyền hình Việt Nam vào đêm giao thừa. Và đặc biệt năm nay, chương trình sẽ được thu hình và phát hành đĩa DVD trong dịp Tết Nguyên đán như một món quà xuân gửi đến khán giả cả nước và những kiều bào xa quê hương.

Thảo Vi

 

 

;
.
.
.
.
.