.
Thời sự và bàn luận

Ổn định giá và chất lượng hàng Tết

Chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 1 tăng nhanh, không theo quy luật, do giá lương thực, thực phẩm tăng. Thị trường vàng và đô-la biến động, lên xuống thất thường gia tăng tâm lý‎ tích trữ vàng hoặc ngoại tệ mạnh. Việc ngăn chặn hàng lậu dọc tuyến biên giới chưa hiệu quả. Nhập siêu tăng… là những nguyên nhân ảnh hưởng tiêu cực tới giá cả hiện nay.

Nhưng cũng chính trong thời điểm trước Tết này, một hiện tượng đáng mừng, gợi mở nhiều suy nghĩ, đó là tỷ lệ hàng Việt Nam trong hàng hóa Tết đang tăng lên. Thực hiện chủ trương người Việt Nam dùng hàng Việt Nam, các doanh nghiệp và mạng lưới phân phối đã hướng mạnh vào thị trường trong nước, nhất là nông thôn với nhiều cách làm có hiệu quả. Các hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao được tổ chức ở hàng chục tỉnh với hàng trăm điểm. Hệ thống siêu thị và bán lẻ ưu tiên nhập hàng Việt Nam. Việc quảng cáo với nhiều hình thức được đẩy mạnh. Người mua hàng đã được tiếp xúc nhiều hơn với hàng tốt, hàng đẹp của Việt Nam với giá cả hợp lý, tạo thói quen tiêu dùng mới, chuộng hàng tốt, hàng rẻ, không phân biệt nội ngoại. Quan trọng hơn cả là các doanh nghiệp đã quan tâm hơn đến hàng tiêu thụ trong nước, cố gắng có hàng tốt, hàng rẻ đến tay người tiêu dùng.

Tại một số thị trường vùng Nam Bộ, tỷ lệ hàng Việt Nam đã chiếm 70% đến 80% doanh thu. Hàng Tết, nhất là thực phẩm, hàng tiêu dùng loại thông dụng như bánh, mứt, kẹo, bia, nước giải khát, quần áo may sẵn, giày dép đang có nhiều ưu thế chiếm lĩnh thị trường cả ở nông thôn và thành phố. Đẩy mạnh dùng hàng Việt Nam nguồn tại chỗ, quản l‎ý giá tại chỗ là biện pháp tốt nhất để bình ổn giá cả.

Muốn làm được việc đó, cần tạo tâm lý thuận lợi cho người tiêu dùng, trước hết là niềm tin vào chất lượng hàng. Hàng thực phẩm Trung Quốc mất giá trên thị trường Việt Nam vì chất lượng thấp, sử dụng nhiều hóa chất độc hại như thuốc bảo quản, phẩm màu, nguyên liệu mất phẩm chất. Đó là cơ hội để hàng Việt Nam chất lượng cao vươn lên, và trên thực tế đã có nhiều mặt hàng vươn lên chiếm được hầu hết thị phần như bia, nước giải khát, bánh kẹo… Điều đáng phàn nàn là bên cạnh đó, không ít doanh nghiệp đã tranh thủ nhu cầu của thị trường tăng cao để làm hàng xấu, hàng giả, kể cả hàng có chất độc hại như thịt thiu thối đưa vào chế biến thức ăn chín, pha phẩm công nghiệp vào ớt bột, dùng dầu mỡ thải loại để rán thức ăn, dùng bột mì mốc mọt làm bánh… Những việc làm như vậy đã tạo ra nhiều rào cản khi người Việt muốn dùng hàng Việt.

Chỉ còn ít ngày nữa là Tết đến. Dịp Tết, nhà nào cũng muốn mua sắm một ít đồ dùng trong nhà, quần áo cho người lớn và trẻ em, bánh mứt kẹo... để bày biện và tiếp khách. Đó sẽ là lượng hàng khổng lồ nếu biết tranh thủ đáp ứng.

Tuần vừa qua, hãng xe hơi hàng đầu thế giới Toyota đã quyết định thu hồi trên 1,5 triệu xe tại thị trường Mỹ có những lỗi kỹ thuật và chịu mọi phí tổn trong việc sửa chữa, bồi thường. Với một quyết định như vậy, không chỉ tốn kém hàng tỷ đô-la Mỹ, thị phần của hãng chắc chắn sẽ sụt giảm. Nhưng sụt giảm chỉ một thời gian, còn uy tín của hãng do dám làm tất cả vì chất lượng hàng hóa sẽ đi vào lịch sử thương mại thế giới. Phải chăng những doanh nghiệp Việt Nam cũng noi gương đó vì uy tín hàng Việt Nam và uy tín của mình ngay trong dịp Tết này, khi thời điểm mua bán hàng Tết đang rộ lên?

THANH BÌNH

;
.
.
.
.
.