Với 54 tác phẩm hội hoạ, điêu khắc của 39 tác giả, Triển lãm Mỹ thuật Mừng Đảng – đón Xuân Canh Dần 2010 vừa khai mạc tại Bảo tàng Đà Nẵng, 78 Lê Duẩn, TP Đà Nẵng (từ 29-1 đến 20-2). Đây là một trong những hoạt động khởi đầu của Hội Mỹ thuật Đà Nẵng trong năm 2010. Dịp này, họa sĩ Nguyễn Trọng Dũng - Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP Đà Nẵng dành cho ĐNCT cuộc trò chuyện ngắn.
Họa sĩ Nguyễn Trọng Dũng - Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP Đà Nẵng.
Họa sĩ nhìn nhận: Triển lãm là kết quả sáng tác một năm qua của anh em Hội viên và cộng tác viên thuộc Hội Mỹ thuật Đà Nẵng, với sự tham gia của đội ngũ sáng tác mọi lứa tuổi. Phòng tranh, vì thế mà trở nên đa dạng về phong cách, phong phú về đề tài, biểu hiện ngôn ngữ nghệ thuật trên mọi chất liệu: sơn dầu, lụa, bột màu, đá, gò đồng... Đây cũng là dịp để khẳng định, Mỹ thuật Đà Nẵng đang có một đội ngũ sáng tác trẻ. Đặc biệt là ở mảng điêu khắc, thể hiện qua nhiều tác phẩm điêu khắc đá được giới chuyên môn đánh giá cao. Trong số họ, có những người làm việc tại Dự án điêu khắc đá (nay gọi là Quỹ điêu khắc đá, sẽ ra mắt vào tháng 4-2010), góp mặt cùng đội ngũ kế thừa của làng nghề Non Nước, phát huy mảng nghệ thuật truyền thống lâu đời của địa phương.
* Xin anh cho biết, ngoài cuộc triển lãm lần này, trong năm qua Hội Mỹ thuật TP Đà Nẵng đã có những hoạt động nào nổi bật?
Tác phẩm “Mạ” (Tranh sơn dầu Nguyễn Thị Phi) |
Nhận lời mời của Hội Mỹ thuật nước CHDCND Lào, trong tháng 12-2009 (từ 14-12 đến 23-12), Đoàn họa sĩ Hội Mỹ thuật Đà Nẵng gồm 5 họa sĩ: Nguyễn Trọng Dũng, Hồ Đình Nam Kha, Nguyễn Thị Phi, Thân Trọng Dũng và Trần Thị Cúc đã có chuyến đi thực tế và giao lưu với Hội Mỹ thuật Lào. Hai bên đã trao đổi, bàn bạc về tình hình Mỹ thuật chung và những hoạt động liên kết, giúp đỡ cùng nhau phát triển như: tham gia Triển lãm chung năm 2010 tại Lào, giúp đỡ đào tạo đội ngũ về thợ điêu khắc trong thời gian đến...
* Phải chăng những năm gần đây, Đà Nẵng đang thiếu vắng những cuộc triển lãm mỹ thuật cá nhân?
- Trên thực tế, nhiều họa sĩ trong vai trò cá nhân đã không ngừng tự khẳng định mình, tự tổ chức các cuộc triển lãm trong và ngoài nước như: Phan Ngọc Minh với triển lãm tại Huế, Hoàng Đặng với triển lãm tại Mỹ, Thân Trọng Dũng tại TP Hồ Chí Minh, Nguyễn Đức Hạnh với các triển lãm tại nhiều địa phương vùng sâu vùng xa... Dù vậy, phải thừa nhận, Đà Nẵng hiện nay vẫn chưa có một địa điểm thường xuyên phù hợp để trưng bày các cuộc triển lãm cá nhân.
* Có thể có một cách nhìn lạc quan hơn về Mỹ thuật Đà Nẵng năm 2010?
Tác phẩm “Quê hương” (Tranh sơn dầu Hà Dư Anh) |
Điều đáng vui, mới đây, lãnh đạo thành phố đã có Quyết định thành lập Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng để lưu giữ, sưu tầm những tác phẩm của các họa sĩ tại địa phương đạt giải thưởng trong thời gian qua. Thiết nghĩ, đây là việc làm kịp thời, chính đáng để hạn chế việc “chảy máu chất xám”, khi xu hướng phần lớn các tác phẩm mỹ thuật giá trị trên cả nước đang lần lượt rơi vào tay các nhà sưu tập nước ngoài.
Dù vậy, trước mắt, giới sáng tác mỹ thuật Đà Nẵng vẫn rất cần sự quan tâm nhiều hơn nữa của các ngành, các cấp của thành phố để tạo điều kiện phổ biến, giới thiệu tác phẩm đến với công chúng thường xuyên hơn.
TRẦN TRUNG SÁNG