Bài hát Tiến về Hà Nội là cái nền cho những đoàn quân từ năm Cửa Ô về giải phóng Thủ đô tháng 10 năm 1954. Thật khó mà hình dung nổi, vào phút giây hào hùng ấy, Hà Nội thiếu đi khúc hát Khải hoàn của Văn Cao. Cả Hà Nội, quân và dân Thủ đô tràn ra mọi ngả đường cùng đồng lòng ca lên bài ca của những đoàn quân chiến thắng, của lòng dân chờ đợi. Bài hát như vỡ òa giữa niềm vui không tả xiết.
Vào khoảng tháng 5 hay tháng 6 năm 1968, tôi may mắn có dịp cùng bác Văn Cao trong một chuyến lên Phú Thọ. Ngày đó là sinh viên mới ra trường, được gần gũi một nhạc sĩ tên tuổi như một thần tượng khiến tôi có phần bối rối. Nhưng tôi thấy Văn Cao không có vẻ gì là nhạc sĩ; người ông bé nhỏ, mái tóc để xõa và hiền. Tôi cũng không rõ đó là chuyến đi sáng tác hay có công chuyện gì của ông. Người tổ chức cho chúng tôi chuyến đi ngày đó có tên là Hồng Thao, công tác trong ngành Bưu điện. Ông trưởng đoàn buổi sáng buổi chiều đi đâu đó chốc lát, tối về ăn ngủ trong nhà dân. Còn Văn Cao thì ngồi ngoài đồi ký họa phong cảnh. Nhưng xem ra ông cũng không mấy chăm chú vào vẽ. Tôi chỉ thấy ông lặng lẽ nhìn, xa xăm vào mấy khu đồi nhấp nhô, mấy khóm cọ đơn độc nơi bìa rừng. Rồi dần dà tôi cũng gần gũi với nhạc sĩ. Một lần tôi bắt chuyện:
- Bài hát Tiến về Hà Nội của bác, cháu biết lâu rồi, nhưng bây giờ mới được gặp bác.
- Thế à. Từ hồi nào?
Tôi kể bác nghe chuyện hồi kháng chiến. Bài hát “Tiến về Hà Nội” tôi đã được nghe lần đầu vào khoảng năm 1950 hay 1951 gì đó, khi anh tôi, một vệ quốc quân mặt trận Bình Trị Thiên về nghỉ phép mấy ngày. Anh có một chiếc đàn băng giô. Từ chiếc đàn này, lần đầu tiên tôi được nghe bài hát của Văn Cao và tôi nhập tâm từ ngày ấy. Nhưng đặc biệt ấn tượng là vào mùa hè năm 1959, khi chúng tôi từ nước ngoài về nước nghỉ hè. Trên chuyến tàu Liên vận qua cầu Long Biên, không ai bảo ai, hơn năm mươi anh em chúng tôi, không cần quản ca, xướng nhịp, hát vang lên. Hát say sưa cho đến khi tàu dừng lại trên ga Hàng Cỏ.
Trùng trùng say trong câu hát
Lớp lớp đoàn quân tiến về
Chúng ta đi nghe vui
Sức dân tộc trở về…
Văn Cao như dừng vẽ, vui lây khi nghe tôi vừa hồn nhiên kể chuyện, vừa hát vang như hồi nào cách đây ngót mười năm. Rồi nhạc sĩ cười, tiếng cười nghe rất nhỏ, khàn khàn. Chòm râu thưa của ông rung rung. Sau này khi ông mất, trên tivi và trên nhiều mặt báo có tấm ảnh ông chụp nghiêng, một tay đặt lên mặt chiếc đàn piano cũ, tôi sực nhớ chân dung ông ngày ấy, nơi bìa rừng vào một buổi sáng trong veo mùa hè. Chỉ có điều, không phải trong căn phòng với chiếc đàn mà bên khu vườn thoai thoải nhìn ra một thung lũng nhỏ. Nắng lên, thi thoảng gió. Chòm râu ấy, mái tóc ấy…là hình ảnh Văn Cao tôi lưu mãi trong ký ức của mình về một nhạc sĩ mà tôi ngưỡng mộ, yêu mến.
- Bác sáng tác bài hát ấy vào năm nào?
- Đâu khoảng 1949.
- Mỗi khi bài hát ấy vang lên đâu đó, như thể bác thấy trước quang cảnh ngày quân ta trở về Thủ đô vậy.
- Bắt đầu là một giấc mơ. Đúng hơn là niềm khao khát. Nhưng nghĩ nhiều đến cái ngày ấy, cả ngày lẫn trong giấc ngủ rồi cứ ngỡ như chiêm bao. Cái khao khát không mung lung nên khi mở mắt ra thấy từ mấy cửa ô, bộ đội sáng loáng lưỡi lê cờ bay sáng chói, rầm rập như sóng dâng…vậy là ghi thành nhạc, hát thành lời. Càng hát càng thấy say sưa như thể bài hát cuốn mình về Hà Nội vậy.
Im lặng. Tôi nghĩ ông trở lại với mấy tờ giấy vẽ, không muốn quấy quả phút yên tĩnh của ông. Hồi lâu ông chậm rãi nói:
- Vậy mà mình cũng bị nhắc nhở đấy.
- Là sao, thưa bác.
- Cấp trên bảo mình, thế là lạc quan tếu. Mình ngẫm ra, hình như họ nhắc nhở vậy là phải. Năm ấy là thời kỳ gian khổ nhất trong suốt chín năm kháng chiến. Nhiều anh em không chịu nổi gian khổ, đã lặng lẽ về thành. Bộ đội thiếu ăn, sốt rét hoành hành. Không một ai trong thời kỳ này không bị ghẻ lở làm tội. Tay chân bọn mình sột soạt suốt ngày đêm. Vậy mà mình cứ phơi phới… tiến về Hà Nội. Ông già trở nên vui chuyện. Rỉ rả một đôi lời. Đôi khi tôi nghĩ ông không còn bận tâm đến câu chuyện bỏ lửng, nhưng hồi lâu ông lại nhắc tới một vài chuyện cũ.
- Nhưng không chỉ mình trở về Hà Nội đâu. Huy Du, Quang Dũng, Nguyễn Đình Thi, Lương Ngọc Trác… Không lạc quan vậy, khó sống lắm.
Bài hát ra đời trên núi rừng Việt Bắc, nhưng không lâu sau người Hà Nội đón lấy và giữ ấm trong bao trái tim chờ đợi. Trước ngày bộ đội chính thức tiến về Thủ Đô, cả Hà Nội không ngủ. Đêm trước ngày lịch sử đó, người Hà Nội náo nức may cờ to treo trước cửa nhà, cờ nhỏ cầm tay. Thanh niên, học sinh tập hát. Bài hát cả Hà Nội say sưa tập ấy chính là ca khúc khải hoàn “Tiến về Hà Nội” mà Văn Cao đã mơ thấy trong những ngày thử thách cam go nhất của cuộc kháng chiến.
Tôi ngồi bên ông, nhìn vạt nắng trải dài dưới thung lũng. Ông lặng lẽ nhưng hình như vui, cái vui lẫn vào bên trong. Trên nét mặt già trước tuổi, tôi nhìn thấy ở ông đôi mắt đượm buồn, thật trong sáng và cái cười thì hình như chỉ một mình ông biết. Ở trong ông có lẽ phải thế nào đó mới có niềm lạc quan kỳ lạ như thể tiên tri để một sáng mùa Thu ông lại cùng đoàn quân chiến thắng trở về Hà Nội, ca khúc khải hoàn. Năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về…
Đoàn Tử Diễn