.

Cửa sổ tri thức

.

* Trong bài “Đôi điều về những địa danh tại Đà Nẵng” đăng trên Đà Nẵng cuối tuần số ra ngày 31-12-2009, tác giả L. A.R viết: “… hòn đảo nhỏ nằm ngay cửa vào Đà Nẵng chúng ta gọi là Sơn Chà Nhỏ, trong dân gian gọi là Hòn Hành...”. Theo tôi thì ở đây có sự nhầm lẫn, bởi thực tế thì hòn Sơn Chà Nhỏ và Hòn Hành là hai hòn khác nhau? (Đặng Văn Hòa, Sơn Trà, Đà Nẵng).

(1): Hòn Sơn Chà Con; (2): Hòn Hành. (Ảnh chụp màn hình từ tư liệu của Google Earth)

- Đúng vậy, hòn Sơn Chà Nhỏ và Hòn Hành tên gọi chỉ hai vị trí cách xa nhau ngoài thực địa. Sách Đại Nam nhất thống chí (Quyển VII, Tỉnh Quảng Nam, phần Núi sông) chép: “… trên có cửa Hải Vân, là chỗ tiếp giáp giữa Thừa Thiên và Quảng Nam (…), phía nam cửa quan chừng vài ba trượng, đá núi dựng đứng rất là hiểm dốc. (…) Phía Nam chân núi là núi Thông Sơn, tục gọi Hòn Hành, năm Minh Mệnh thứ tư cho tên là núi Định Hải, có xây pháo đài ở đây; phía tây có núi Sen, núi Sảng là chỗ đường trạm đi qua, (…) là chỗ đường núi gập ghềnh, cây đá lẫn lộn; chân núi phía nam kề liền vụng biển, có ghềnh đá sừng sững ở bờ biển, cao thấp lô nhô, như hình non bộ, sóng biển đập vào, nước phun như mưa. Ngoài biển về phía đông bắc nổi vọt lên một ngọn, năm Minh Mệnh thứ hai mươi mốt cho tên là đảo Ngự Hải, ở đó có đặt đài Phong hỏa, tức là mốc giới phía bắc cửa biển Đà Nẵng”.

Hòn Hành (tên gọi dân gian chỉ hòn núi có dạng như củ hành; trong tiếng Hán, thông nghĩa là hành) được sách đã dẫn ghi rõ là núi Thông Sơn để phân biệt với đảo Ngự Hải. Bởi ngoài thực địa, Hòn Hành là hòn núi từ đất liền chồm ra biển, còn Ngự Hải là một hòn đảo (ảnh). Trong lúc Hòn Hành nằm sâu trong cửa biển thì đảo Ngự Hải, đúng như tên gọi của nó, nằm ngay phía bắc cửa biển Đà Nẵng để phòng ngự Biển Đông.

Chú thích (1): Hòn Sơn Chà Con; (2): Hòn Hành. (Ảnh chụp màn hình từ tư liệu của Google Earth)

Đảo Ngự Hải còn có nhiều tên gọi dân gian. Những người đi biển thường gọi là Hòn Chảo, vì trông giống như cái chảo úp ngược, hoặc Hòn Nghêu, trông giống con nghêu, có khi bà con gọi là hòn Sơn Chà Nhỏ (hoặc Sơn Chà Con) để phân biệt với núi Sơn Trà. Đảo cũng được gọi là Đảo Ngọc, tương truyền vua Quang Trung khi qua đây, cảm kích trước vẻ đẹp của biển xanh, cát trắng nơi này mà đặt tên như thế. Lại có thuyết cho rằng, do đảo từng là vùng giáp ranh giữa Đại Việt và Chiêm Thành nên khi Công chúa Huyền Trân về làm dâu Chiêm quốc để đổi lấy hai châu Ô, Lý (Thuận Châu, Hóa Châu), đời Trần đặt tên đảo là Huyền Trân để nhớ ơn công chúa.

Nói thêm, hiện có một số tài liệu ghi hòn đảo này “được triều Nguyễn phong tặng là Ngự Hải đài”. Điều này không chính xác, theo sách đã dẫn ở trên, vua Minh Mệnh chỉ “cho tên là đảo Ngự Hải”. Do đảo có vị thế phòng ngự, có thể theo dõi các cuộc tiến công của quân địch từ phía biển nên vua cho đặt ở đó một đài Phong hỏa, cử người canh gác ngày đêm, mỗi khi có biến là đốt lửa báo tin. Ở núi Định Hải cũng có đài, nhưng đó là pháo đài. Pháo đài Định Hải phía tây bắc và pháo đài Phòng Hải phía đông bắc ở núi Diên Chủy (Mỏ Diều) trên bán đảo Sơn Trà là hai gọng kiềm hỏa lực đối với bất cứ quân địch nào tấn công vào vịnh Đà Nẵng từ phía biển.

Tóm lại, hòn Sơn Chà Nhỏ chưa bao giờ được dân gian gọi là Hòn Hành. Bài hát Hải Vân – Hải Vân (thơ Lại Thanh Hà, nhạc Quỳnh Hợp) đã nói rõ điều đó: Hải Vân, Hải Vân/ Ai thả Hòn Hành?/ Ai quăng Hòn Chảo?/ Cho biển và vịnh/ Đẹp hơn bức tranh.

ĐNCT

;
.
.
.
.
.