.

Đà Nẵng phía bên kia

.

Một sáng tháng ba, chúng tôi tìm về nơi từng có những dãy nhà tạm của những người lao động nghèo dọc tuyến đường Bạch Đằng Đông trong những năm 1997-1998. Ông Huỳnh Văn Châu (70 tuổi), tổ trưởng tổ 8, phường An Hải Tây lạc quan nói rằng, cuộc sống của người dân bây giờ dẫu chưa thật sự sung túc, nhưng đã được cải thiện lên rất nhiều, những năm tháng ăn tạm, ở tạm trước kia đã lùi vào quá khứ.

Vượt qua sự cách biệt giữa hai bờ Đông-Tây

Hơn mười năm trước, khu phố khang trang này là khu nhà tạm chen chúc hàng trăm người sinh sống (Trong ảnh: Quang cảnh một khu tái định cư tại phường An Hải Tây)  

Hơn 10 năm trước, khi dự án đường Bạch Đằng Đông chuẩn bị khởi công, chính ông Châu là người thường xuyên đi vận động, khuyến khích người dân hiến đất để thành phố thực hiện các dự án chỉnh trang đô thị. Trong khoảng 2 năm chờ đất tái định cư, người dân sống chen chúc trong những khu nhà tạm bợ. Ngoài chuyện không còn đất sản xuất, suốt ngày ngồi không nhìn bụi cuốn mù mịt từ những xe san ủi mặt bằng, bà con buộc phải thích nghi với cảnh nhà nhếch nhác, chật chội, tù túng, trong một nỗi lo âu thường trực về cuộc mưu sinh sau giải tỏa. Ông Châu bộc bạch rằng, những chuyện ấy giờ chỉ còn là chuyện kể...

An Hải Tây là một trong những phường đầu tiên ở quận 3 (cũ) diễn ra việc di dời, giải tỏa để xây dựng cơ sở hạ tầng, chỉnh trang đô thị. Những người nông dân khi ấy rất mơ hồ với chính sách, chủ trương mới của thành phố. Bởi họ suốt ngày chỉ biết đến vườn rau, mảnh ruộng, con cái không có điều kiện theo đuổi nghiệp học hành. Khi ấy, những người cán bộ như ông Châu phải đi vận động từng nhà. “Lúc đầu, chúng tôi rất buồn khi phải xa mảnh đất từng gắn liền với cha ông bao đời nay. Gia đình tôi cũng có 5,2 sào đất nông nghiệp chuyên trồng hoa màu, hai vợ chồng, cộng với 6 người con, đã dựa vào phần đất này mà sống. Tôi lấy hoàn cảnh hiện tại khi ấy của gia đình tôi mà vận động mọi người. Nhờ thế mà bây giờ, chúng tôi được sống trong ngôi nhà xây khang trang, điều kiện vật chất khá đầy đủ”. Ông Châu không thể nào quên được những tháng ngày đầy ghi nhớ trong cuộc đời của mình như thế. Âu, đây cũng chính là một sự hy sinh thầm lặng của người dân ở thời bình để làm sống động và tươi mới bộ mặt của phía đông thành phố, rút ngắn sự cách biệt giữa hai bờ sông Hàn.

Những dự án lớn được xây dựng, mang lại bộ mặt mới cho phố phường. Ông Ngô Sỹ Kiến Trúc, Phó Chủ tịch phường An Hải Tây cho biết, thời điểm ấy, phường An Hải Tây đã di dời, giải tỏa hơn 800 hộ dân sống gần bờ sông. Trong đó có 120 hộ sống tạm bợ trong các khu nhà chồ, nhà tạm. Đầu năm 2000, khi nhiều gia đình chuyển về sinh sống ở khu tái định cư, chất lượng sống đã có nhiều thay đổi, nhất là điều kiện về vệ sinh môi trường, điện-đường-trường-trạm. Nếp sống, nếp nghĩ của người dân đã khác trước rất nhiều.

Hơn 10 năm qua, trên địa bàn quận Sơn Trà đã triển khai gần 50 dự án về chỉnh trang đô thị. Đến nay, hơn một nửa đã hoàn thành và số còn lại đang trong giai đoạn xây dựng đã mang lại một bộ mặt mới cho khu đô thị trẻ.

Từ khi có cây cầu Sông Hàn và một số tuyến đường lớn như Trần Hưng Đạo, Ngô Quyền, Phạm Văn Đồng, Sơn Trà-Điện Ngọc được mở ra, các nhà đầu tư trong và ngoài nước đã biết đến Sơn Trà như một mảnh đất tiềm năng về dịch vụ, du lịch. Nhờ đó, nhiều khu du lịch (KDL) được hình thành như KDL Tiên Sa, KDL sinh thái Bán đảo Sơn Trà, KDL Biển Đông cùng rất nhiều dịch vụ dọc tuyến Sơn Trà-Điện Ngọc. Những nguồn thu từ du lịch, dịch vụ đã mang lại cuộc sống khá sung túc cho nhiều hộ dân. Ngay cả những công trình như Trung tâm thể thao An Trung trên địa bàn phường An Hải Tây, sân vận động tại các phường Thọ Quang, Nại Hiên Đông, tuy nhỏ, nhưng có tính cộng đồng cao, đã góp phần đáp ứng nhu cầu hoạt động của người dân.

Học để thoát nghèo

Người dân ở quận 3 xưa, mỗi lần ngóng về phía bên kia phố xá sáng đèn, không khỏi cảm thấy xa xôi, tủi phận. Những ước mơ thường ngày, như chạm phải bốn bề khốn khó. Bà Nguyễn Thị Mai Liên, tổ 31, phường An Hải Bắc nhớ như in cuộc sống trong những khu nhà chồ cơ cực: Những miếng phên mục nát không đủ sức che chắn cho một cơn gió nhẹ. Đồ đạc trong nhà cứ chực bay hết ra ngoài. Mùa mưa thì lạnh thấu thịt thấu da, mùa nắng thì cả làng chìm trong không khí đặc quánh của sông nước đầy ô nhiễm. Không có điều kiện chăm sóc bản thân, con trai da đen đã đành, đằng này da con gái đứa nào cũng sàm sạm vì suốt ngày phơi ngoài nắng, điều kiện sinh hoạt không bảo đảm...

Thời còn con gái, bà Liên và nhiều bạn bè cùng trang lứa không dám yêu những chàng trai, cô gái trắng trẻo, xinh xắn là công dân “bên phố”, cũng chỉ bởi cái sự nghèo. Rồi bà lại cười tươi: “Nhưng bây giờ, con gái ở đây đứa nào đứa nấy cũng xinh xắn, dễ thương, học giỏi không thua gì “bên ấy”.

Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà nhỏ đầy đủ điện, nước, tivi, nền gạch hoa sạch sẽ, bà Liên còn nói: “Tuy tài sản của gia đình chưa phải là khấm khá lắm nhưng ít ra cũng có tivi, bếp gas, bộ bàn tiếp khách đến chiếc điện thoại và xe máy để tiện việc liên lạc, đi lại. Những cái mà chỉ mươi năm trước thôi, có nằm mơ tôi cũng không nghĩ đến”.

Nói về sự thay đổi theo chiều hướng tích cực của quận Sơn Trà trong thời gian qua, ông Huỳnh Văn Hùng, Phó Chánh Văn phòng UBND quận cho biết, tất cả những thành công ban đầu của quận Sơn Trà trong thời gian qua đều nhờ người dân đã đồng lòng trong việc quên đi lợi ích riêng để vì lợi ích chung của cả cộng đồng. Bộ mặt phố phường thay đổi, đồng nghĩa với việc điều kiện sống sẽ được cải thiện, vượt qua mọi khó khăn, người dân Sơn Trà có thể tự hào vì mình là công dân một thành phố trẻ được mọi người đánh giá là sôi động nhất khu vực miền Trung-Tây Nguyên trong thời kỳ đổi mới.

Việc cải thiện môi trường sống, giao thông, phương tiện thông tin liên lạc thuận lợi đã giúp cho những bạn trẻ sinh sống ở đây dám học và mơ về một tương lai tốt đẹp hơn. Những ai đang sinh sống tại phường An Hải Tây đều biết về trường hợp gia đình ông Tăng Văn Phước, tổ 4 với kỷ lục “nhà nghèo vẫn cho 4 đứa con vào cao đẳng, đại học”. Em Tăng Thị Vi, con gái lớn của vợ chồng ông Phước, tốt nghiệp khoa Công nghệ sinh học, Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng thật vui, khi bày tỏ: Nhà nghèo nhưng bốn chị em đều tự hứa với nhau sẽ học thật tốt để làm giàu cho gia đình và quê hương. Cuộc sống còn khó khăn nhưng em tin, với sự nỗ lực của mỗi cá nhân, cộng với sự giúp đỡ của xã hội, chị em em sẽ làm được điều mà cha mẹ nào cũng mong muốn ở con em mình.

Trò chuyện với chị em Vi, tôi chợt nhận ra rằng, họ như đại diện cho một lớp trẻ đang ẩn chứa một ý chí vươn lên mạnh mẽ. Thoát nghèo bằng cách học thành tài, đó là cách mà chị em Vi đang bền bỉ thực hiện từng ngày.

Tiểu Yến

 

;
.
.
.
.
.