.

Lưu giữ văn hóa làng giữa phố

.

Ở Đà Nẵng, phố hiện còn mang đậm nét văn hóa làng là phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu. Hiếm nơi nào có được bốn làng quê xưa gồm Hòa Mỹ, Trung Nghĩa, Hòa Phú, Phước Lý đã ghi một “kỷ lục” thời hiện đại: địa phương đầu tiên trên đất Đà Nẵng có 100% cộng đồng dân cư tổ chức lễ hội đình làng.

“Dấu ấn” làng xưa trên phố nay

Thả chim bồ câu cầu mong mọi sự bình yên ở Hội làng Hòa Mỹ.  

Khu vực Hòa Phú là một trong những địa bàn chịu ảnh hưởng về chỉnh trang đô thị nhiều nhất ở quận Liên Chiểu. Đình làng vừa được chính dân làng đứng ra tổ chức xây dựng chỉ với kinh phí chưa tới 1 tỷ đồng trên khu tái định cư. Nhìn ngôi đình uy nghi nhất nhì Đà Nẵng này, khách vãng lai ai cũng ngạc nhiên, chỉ chừng đó tiền mà sao làm được cái đình “dữ dằn” đến vậy? Cụ Nguyễn Ngân, chánh bái làng Hòa Phú từ tốn: Tiền bạc thì chừng đó, nhưng tình nghĩa thì không làm răng tính hết được.

Trước đình làng, câu đối chữ Hán xưa được phục chế: Giang Bắc cận triều viên, thủy tịnh ba bình cung thắng khái/ Sơn Đông giao phần hướng, long bàng hổ cứ nhập kỳ quan. Nghĩa là: Bắc giáp sông biển, nước lặng sóng yên bao la cảnh đẹp/ Đông giáp núi, rồng chầu hổ chiếm thật là kỳ quan. Định vị làng như thế xem chừng vẫn chưa yên tâm, theo ông Nguyễn Phụ, Trưởng ban Tổ chức Lễ hội Đình làng Hòa Phú, tiền nhân khai khẩn vùng đất này còn “đánh dấu lãnh thổ” bằng chính thân xác mình. Vị Tiền hiền họ Nguyễn trước khi mất dặn con cháu táng mình ở vùng giáp ranh giữa hai làng Hòa Phú và Trung Nghĩa (phường Hòa Minh), táng người vợ của Tiền hiền ở giữa hai làng Hòa Phú và Đa Phước (phường Hòa Khánh Nam).

Thực ra, như khẳng định của cụ Nguyễn Đình Phùng, Trưởng Hội đồng các Họ tộc làng Phước Lý, hình thức để lại “dấu ấn” như thế là rất phổ biến ở các làng xưa thuộc phường Hòa Minh ngày nay. Việc cho dựng mộ bia chư vị tiền hiền xưa ở các vùng đất giáp ranh như một “chúc thư” mà tiền nhân để lại cho hậu thế. Và, dưới cái nhìn của các vị cao niên các làng, đây không chỉ là việc giữ mối hòa khí giữa các làng với nhau khi mà các vụ kiện tụng đất đai ngày xưa diễn ra như cơm bữa, mà thêm vào đó, còn ngầm răn dạy hậu thế phải sống thế nào cho xứng với công đức tiền nhân.

Trung tâm văn hóa tâm linh của làng

Người dân Trung Nghĩa, phường Hòa Minh, trong văn cúng gia tiên vẫn còn nhắc những địa danh xưa dựa vào cây lát, cây năng là hai loại cây bạt ngàn nơi này vào lúc tiền nhân khai hoang: Thượng Bàu Lát, Hạ Bàu Lát, Thượng Bàu Năng, Hạ Bàu Năng. Qua nhiều lần đổi thay vì thời cuộc, thiên tai, hiện đình đang được Nhà nước trùng tu, sắp hoàn thành các hạng mục. Ngày trước, mỗi khi tổ chức lễ cúng đình, ông Châu Tập, Trưởng ban Tổ chức Lễ hội Đình làng Trung Nghĩa kể, chỉ các cụ cao tuổi các họ tộc áo dài khăn đóng đến dự, thanh niên không dám bén mảng, phụ nữ lại càng không.

Sân đình thường có cây cổ thụ, quanh năm âm u, huyền bí, như một thế giới riêng tách biệt khỏi đời sống đời thường của dân làng. Cụ Nguyễn Nghĩa, Trưởng Hội đồng các Họ tộc làng Hòa Mỹ, vẫn chưa quên cảm giác nổi gai ốc đầy mình thời trai trẻ về hai cây mù u cổ thụ ngoài sân đình. Hơn nửa thế kỷ rồi, đình xưa đã được các họ tộc, các cư dân mới, các cơ quan, doanh nghiệp đóng trên địa bàn góp công góp của trùng tu. Đình giờ thật sự là trung tâm văn hóa tâm linh của làng xưa trên phố mới, bất luận nam phụ lão ấu đều có thể đến viếng hương tưởng nhớ công đức tiền nhân. Các đôi vợ chồng mới cưới còn tự nguyện trồng một cây cau trong “Vườn cau Nguồn cội” để ghi dấu lời hẹn thề trăm năm của mình ở nơi được cho là linh thiêng nhất của làng.

5 năm trước, khi các họ tộc làng Phước Lý quyết định khôi phục lại hội làng, lần đầu tiên 12 đạo sắc phong cất giữ ở đình được các cụ trang trọng thỉnh xuống mở ra xem (các cụ gọi là “mở vi bằng”) để tìm hiểu về lịch sử làng mình. Nhiều người lấy làm vinh dự lắm: Tui gần 70 tuổi rồi, chừ mới thấy được cái sắc phong ra răng. Những lời vua ban tặng đối với những vị khai phá, xây dựng làng Phước Lý xưa đã khiến cho mọi người thêm mến yêu, gắn bó với mảnh đất tổ tiên. Tuy nhiên, hiện làng Phước Lý nằm trong quy hoạch chỉnh trang đô thị, đình làng chưa biết đi đâu về đâu. Dân làng tha thiết được giữ đình lại trên quê cha đất tổ - cụ Nguyễn Đình Phùng phân trần, vô lẽ đình làng mình lại nằm trên đất làng khác thì còn gì ý nghĩa uống nước nhớ nguồn nữa?!

Mô hình Làng giữa phố

Thượng tá Trần Đình Dõng, Trưởng phòng Xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (Công an thành phố Đà Nẵng), trong gần hai năm chuyển công tác từ Quảng Nam về Đà Nẵng, được tham dự một số hội làng ở Hòa Minh, bỗng nhận ra nơi này còn duy trì được nếp sinh hoạt làng giữa lòng thành phố. Thượng tá Dõng cho rằng mô hình “Tổ dân phố như một gia tộc” mà Hòa Minh đang thực hiện có hiệu quả hiện nay như một cách nhân rộng làng ra giữa phố, càng làm cho tình làng nghĩa xóm gắn kết hơn, không chỉ trong phong trào an ninh trật tự mà cả trong xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị.

Anh Mai Mạnh, người Phước Lý, cho rằng làng xưa hội nhập giữa phố nay là được hoàn toàn chứ không mất: quy tụ được các họ tộc, các tổ dân phố gần lại với nhau như một nhà. Ngày 23 tháng Giêng vừa rồi, xóm Hòa Nam ở Hòa Mỹ tổ chức lễ cầu an đầu năm, ông Nguyễn Công Diệp, Trưởng phòng Tổ chức Hành chính Trường Cao đẳng Đức Trí cạnh đó, khi đến viếng hương, rất tâm đắc: Sinh viên đi qua, nghe trống chiêng, nghe nhạc lễ, nhìn học trò lễ dâng hương..., cảm thấy gần lại với truyền thống dân tộc, đây là bài học trực quan mà không phải sinh viên nào cũng có được.

Năm 1999, sau hội làng lần thứ 5, làng Hòa Mỹ đã được vinh dự đại diện thành phố Đà Nẵng báo cáo điển hình tại Hội nghị - Hội thảo Xây dựng đời sống văn hóa toàn quốc tại thành phố Hồ Chí Minh; năm 2009, lại tiếp tục đi Hà Nội báo cáo mô hình “Tổ dân phố như một gia tộc”. Điều này cho thấy “Làng giữa phố” mà phường Hòa Minh đang đi là đúng hướng. Sắp tới, để hỗ trợ các hoạt động của làng, Thượng tá Dõng cho biết, ngành Công an sẽ phát động sáng tác thơ ca hò vè tuyên truyền phòng chống tội phạm, giữ nếp sống văn hóa, văn minh đô thị theo Quyết định 19 của UBND thành phố Đà Nẵng về đổi mới công tác tuyên truyền, vận động. Tất cả phải thực sự sát với đời sống để thu hút thanh niên, học sinh vào các sinh hoạt văn hóa làng thì hiệu quả giáo dục sẽ tốt hơn, giảm thiểu rất nhiều các vụ việc xảy ra do sự nông nổi của giới trẻ.

Đà Nẵng bật sức trẻ, những tưởng cuộc sống đô thị rồi sẽ làm phai nhạt dần nguồn cội tâm linh văn hóa làng xưa. Thế nhưng, mặc dù mái đình phải mấy lần thay ngói, phố đã thênh thang nhà cao đường rộng vẫn không làm thay đổi những gì tốt đẹp còn đọng lại bên trong mỗi con dân của làng.

VĂN THÀNH LÊ

;
.
.
.
.
.