Puertollano là vùng đất nổi tiếng không chỉ ở Tây Ban Nha mà còn cả thế giới về nền công nghiệp khai thác than. Khi mà nguồn tài nguyên “Trời” cho có dấu hiệu cạn kiệt, người ta phát hiện ra rằng họ còn một tài nguyên nữa chưa hề được khai thác, đó là nắng và gió. Lập tức, Chính phủ nước này đầu tư khai thác nền công nghiệp năng lượng mặt trời. Với khẩu hiệu “Mặt Trời đến với chúng ta”, Puertollano thay đổi diện mạo từ chỗ u buồn vì ngành khai thác than xụp xệ, rất nhiều công ty chuyên kinh doanh về năng lượng đã đổ xô về với bầu không khí phấn khởi.
Puertollano với biệt danh Bảo tàng của công nghiệp khai khoáng đã có ngay hai nhà máy lớn năng lượng mặt trời, các công ty sản xuất tấm pin mặt trời, tấm silicon, và có cả những viện nghiên cứu năng lượng sạch. Chỉ tính riêng trong năm 2008, một nửa số nhà máy năng lượng mặt trời trên toàn thế giới được xây dựng ở Tây Ban Nha. Sự nóng sốt của nền công nghiệp mới ở Puertollano đã làm cho nông dân quyết định bán đất để nhà máy lần lượt mọc lên. Các cửa hàng cũng xuất hiện. Dân số ngày một đông hơn bởi vì nhiều người trên khắp thế giới đổ về tìm kiếm cơ hội việc làm.
Tốc độ phát triển quá nhanh dẫn đến hậu quả tất yếu là không kiểm soát được chất lượng. Nhiều nhà máy được thiết kế sơ sài mọc lên “như nấm sau mưa”. Chính quyền nước này cũng nhanh chóng nhận ra rằng, tình hình này không thể đem lại hiệu quả trong khai thác năng lượng sạch nên đã quyết định cắt giảm ngân sách và các khoản thanh toán cho các nhà máy năng lượng mặt trời. Quyết định đó ngay lập tức đẩy Puertollano vào cuộc khủng hoảng. Các nhà máy và cửa hàng lần lượt đóng cửa. Hàng nghìn công nhân chịu cảnh thất nghiệp. Các công ty nước ngoài và ngân hàng bỏ ngang các hợp đồng đã được thương lượng. Thị trưởng Puertollano từ năm 2004, ông Joaquín Carlos Hermoso Murillo nói: “Chúng tôi đánh mất cơ hội lớn, không chỉ tạo ra điện mà còn là một nền kinh tế mạnh mẽ. Tại sao chúng ta lại hạn chế năng lượng mặt trời, trong khi mặt trời là… bất tận”.
Nông dân bán đất để xây dựng các nhà máy năng lượng mặt trời. |
2 năm và 1 bài học lớn. Sau sự tiên phong của Tây Ban Nha trong lĩnh vực năng lượng mặt trời là Mỹ. Nhưng Mỹ lại có cách làm bền vững hơn, chậm chắc hơn. Chính phủ sẵn sàng trợ giá lâu dài cho đầu tư công nghệ với tầm nhìn lâu dài về một điểm xoay quan trọng trong nền kinh tế chung của đất nước. Cassidy DeLine, một chuyên gia phân tích thị trường năng lượng ở châu Âu đúc kết: Tây Ban Nha chính là bài học lớn. Các nước cần phải lưu ý rằng chỉ cần trợ giá thấp nhưng phải đưa ra những tiêu chuẩn nghiêm ngặt để nền công nghiệp này phát triển bền vững và thực sự là giải pháp lâu dài và hiệu quả kinh tế trong tương lai.
Các chuyên gia cũng tư vấn rằng không phải cách làm của Chính phủ Tây Ban Nha hiện nay là tốt, bởi họ đã bỏ phí một nguồn lớn ngân sách. Họ cần phải tái đầu tư để sử dụng các nhà máy này một cách hiệu quả bằng cách chuyên tâm vào sản xuất, cắt giảm nhân lực và hướng tới các thị trường bên ngoài như Ý, Pháp… Thực tế Tây Ban Nha đã vượt mức kế hoạch là sản xuất 400 megawatt điện từ năng lượng mặt Trời trước năm 2010 nhưng kế hoạch đó đã hoàn thành cách đây hơn 1 năm. Họ thất bại ở chỗ do chi phí đầu tư quá cao, bộ máy rườm rà nên giá thành ở mức cao 39 cent/kWh. Bên cạnh đó, họ còn đẩy tỷ lệ thất nghiệp cả nước cao hơn 10%, riêng tại Puertollano lên đến 20%. Hậu quả mà Chính phủ Tây Ban Nha thừa nhận là rất đau đầu để tìm hướng giải quyết càng sớm càng tốt.
ANH THƯ