.

Nguồn cội

Mẹ ơi! Bồng con… Tiếng gọi thảm thiết trong nước mắt của đứa em gái út 3 tuổi của tôi chìm lỉm trong tiếng súng nổ ì oàng, tiếng chân chạy rầm rập trên quốc lộ 1A. Mẹ tôi dẫn bầy con lít nhít cố chen lấn vượt qua Cầu Đỏ đông nghịt người nhắm hướng nam đi miết.

Đứa em trai kế tôi vừa chạy vừa ngoái nhìn mấy chiếc xe Jeep nhà binh lật ngửa bốn bánh lên trời, rần rật cháy, đôi mắt tròn vo đầy ngạc nhiên: “Chị ơi! Răng chiếc xe không chạy mà nằm ngửa phơi bụng như rứa?”. Mẹ đẩy dạt chúng tôi vào lề đường, hét to: “Tránh xa ra. Coi chừng nổ thùng xăng…!”. Chúng tôi dạt cả vào một bên như đàn gà con chít chiu sợ hãi nép vào mẹ khi nhìn thấy bóng diều hâu hung dữ. Từng tốp lính Sài Gòn tranh nhau chạy về thành phố, vừa chạy vừa cởi bỏ quân phục, súng ống, vứt đầy hai bên vệ đường. Ngược dòng người hỗn độn chạy không thôi về phía trước, chúng tôi theo mẹ đi mãi, đi mãi về phía xanh mờ lũy tre. Nơi ấy là làng ngoại tôi.

Mẹ tôi vốn cô gái quê lấy chồng thành phố, mấy bận theo chồng ra Đà Nẵng ở rồi lại bỏ về quê. Cha tôi bảo, mẹ không xa nổi lũy tre làng nên đành lòng cất cho mấy mẹ con căn nhà trên mảnh đất ngoại cạnh con mương lớn. Chúng tôi lớn lên trong tiếng ru à ơi của mẹ và những chuyến đi làm ăn tận ngoài thành phố của cha. Sau năm Mậu Thân, chiến tranh giặc giã chộn rộn tứ bề, mẹ mới đành lòng tản cư ra ngã ba Hòa Cầm sinh sống. Chẳng ai như mẹ, khi người ta chạy vạy thuyên chuyển ra làm ăn ở thành phố thì mẹ vẫn cứ bám lấy mảnh đất quê nhà. Mẹ không biết đi xe gắn máy. Mỗi sáng cha dậy sớm chở mẹ đi dạy học. Nếu hôm nào cha bận, mẹ ra đón xe lam ngược Cầu Đỏ về Miếu Bông, sau đó đi bộ về làng ngoại để đến trường. Mỗi lần như thế, cha lại càm ràm: Người chi mà kỳ cục! Xa lũy tre làng là không sống nổi… Vậy mà sau này, chính cái lũy tre làng quê mùa ấy lại cứu sống mấy mẹ con tôi đến bất ngờ.

Cái ngày tôi định nói đến là một ngày không thể nào quên được trong đời. Đầu năm 1975, tình hình nghe chừng đã bắt đầu chộn rộn. Đi đâu tôi cũng nghe người lớn bàn tán: “Việt Cộng đánh lớn lắm, lính quốc gia bỏ chạy, vợ con mấy ông tướng, ông tá gom góp của cải di tản vào Sài Gòn”. Đến trường, bạn bè tôi đứa nào cũng lơ ngơ láo ngáo. Có mấy đứa con nhà giàu nói lời từ biệt. Nghe đâu nhà bọn nó đã đặt vé máy bay sang Mỹ. Thầy cô nhiều người cũng lần lượt bỏ trường lớp mà ra đi. Dòng người bỏ đi Sài Gòn mỗi ngày một đông. Ngày nào mẹ tôi cũng ra chợ nghe ngóng tin tức. Sẵn có ít tiền, mẹ mua gạo, mắm tích trữ. Sợ như hồi Tết Mậu Thân, đánh lớn bất ngờ, cả nhà ngồi dưới hầm nhai bánh tổ mỏi cả miệng.

Những ngày cuối cùng của tháng ba năm 75, nhà tôi thêm đông đúc. Cậu tôi cùng mấy người đàn ông trong làng ra ngủ lại. Đó là những đêm người lớn thức trắng để bàn luận thời cuộc. Trẻ con được lệnh ngủ sớm hơn thường lệ. Dù trùm kín chăn, nhưng tôi vẫn nghe mồn một câu chuyện. Cha và các cậu khăng khăng đòi bán tháo đồ đạc, gom góp tiền bạc đưa gia đình vô Sài Gòn. Mẹ không nói gì, chỉ ngồi khóc thút thít như con trẻ đánh rơi giấc mơ của mình. Chúng tôi mơ hồ nhận thấy một điều gì đó thật ghê gớm sắp xảy ra trong bầu không khí đặc quánh lại của gia đình.

Tin tức chiến tranh lan tràn khắp nơi, lòng mẹ như lửa đốt. Cha đi biền biệt suốt ngày để hỏi thăm cho chuyến di tản. Trường học đóng cửa, chúng tôi ở nhà quẩn quanh ra vào giúp mẹ gói ghém đồ đạc. Mẹ chuẩn bị cho mấy chị em chúng tôi mỗi đứa một cái ruột tượng nhỏ. Trong đó đựng đầy gạo sấy, thứ gạo nấu chín phơi khô dành cho lính đi chiến trường. Mẹ cẩn thận may vào áo bọn tôi một chiếc túi con được gài ghim băng cẩn thận. Một mảnh giấy học trò gấp làm tư, mấy ngàn đồng và một chỉ vàng. Mẹ dặn, nếu rủi thất lạc cha mẹ, anh em thì nhớ giữ lấy mảnh giấy ghi tên họ, quê quán trong túi để sau này mà tìm đường về. Chỉ vàng mẹ cho bán để dành ăn dọc đường. Thời cuộc nặng trĩu đè lên đôi vai nhỏ bé của chúng tôi. Lúc ấy, em gái út tôi đã khóc trong lo lắng: Mẹ ơi! Con không biết đọc chữ. Làm răng con tìm được mẹ… Mẹ đã ôm mấy chị em tôi vừa hôn vừa rấm rứt khóc…

Chẳng ai có thể ngờ mọi việc đến nhanh chóng như thế. Sáng sớm ngày 29 tháng 3 năm 1975, cha tôi vừa mới đi xe máy về nhà dì Năm ở đường Hoàng Diệu, Đà Nẵng để giúp thu dọn đồ đạc. Vậy mà, 8 giờ sáng đã thấy tiếng anh Long con dì Hai kêu cửa gấp gáp. Anh Long vốn là lính tổng động viên của Sài Gòn hồi đó, đeo lon trung úy pháo binh đóng trên đồi Hòa Cầm. Cửa vừa mở, tôi đã thấy anh lao thẳng vào nhà nói gấp gáp: Đơn vị con ở Hòa Cầm vỡ rồi, mạnh ai nấy chạy. Dì dẫn mấy em chạy nhanh lên. Dượng đâu hả dì? Cho con mượn bộ đồ của dượng thay đỡ. Chừ mà mặc đồ lính ra đường là bị bắn ngay…

Không có cha ở nhà, mẹ tôi quýnh quáng dắt chúng tôi đi. Đi đâu bây giờ giữa bốn bề loạn lạc? Lúc đó mẹ chỉ kịp nghĩ đến một nơi duy nhất để hướng đến: Về quê ngoại. Mặc cho mọi người chung quanh cản ngăn, mẹ khư khư dắt chúng tôi về quê ngoại. Mẹ bảo, thôi thì có chết cũng chết ở quê nhà còn hơn chịu cảnh mấy mẹ con vĩnh biệt, chia ly nơi đất khách quê người… Từ ngã ba Hòa Cầm, mẹ dắt chúng tôi vừa đi vừa chạy về nhà ngoại ở làng Quang Châu cách đó chừng non mười cây số. Đến giữa ngọ, khi đứng trước chiếc cổng tre quen thuộc, mẹ tôi đã ứa nước mắt. Thấy mẹ khóc, chúng tôi cũng tức tưởi gào to như vừa bị ai đó bắt nạt: Ngoại ơi! Ngoại ơi…!

Lúc đó, không hiểu sao trong đầu tôi hiện ra mồn một bài học sinh vật lớp Sáu về loài cá hồi. Nổi tiếng là loài cá xinh đẹp với bộ váy áo xanh biếc một đời rong chơi ở biển khơi Thái Bình Dương nhưng đến mùa sinh nở, cá hồi vượt hàng ngàn cây số trở về nơi nguồn cội để sinh nở rồi hóa thân giữa đại dương trong sắc màu đỏ rực đầy đớn đau và hạnh phúc. Con người cũng thế, nguồn cội dường như luôn là nỗi ám ảnh thường trực trong cõi vô thức mỗi người, cho dù cuộc đời có dâu bể trầm luân. Như những viên đá cuội bao nhiêu năm lang thang trên dòng đời để rồi một sớm mai nằm yên giữa lòng sông sâu hát bài ca nhớ núi. Không ít lần tôi nhận ra điều này từ người mẹ tảo tần của tôi. Có thể có những điều tôi tận mắt thấy nhưng cũng có nhiều điều khác tôi biết qua lời kể của mấy ông cậu, bà dì chốn quê nhà…

Những ngày sau đó, mấy chị em tôi như sống trong một giấc mơ đầy cờ hoa lộng lẫy. Tiếng loa vang vang khắp làng gọi toàn dân đi dự mít tinh. Chúng tôi cùng lũ trẻ trong làng thi nhau chạy theo đuôi xe của ban quân quản thôn, thích chí hô vang “nhiệt liệt”. Buổi trưa, chúng tôi lén mẹ xé tập vở, chẻ nan tre làm cờ. Mấy chị em hì hục tô màu bằng lon sơn lấy trộm của cậu út. Thằng em trai tôi thật oách với cây súng bẹ chuối kẹp nách chơi trò đánh trận và hát vang bài Giải phóng miền Nam vừa mới học được ở buổi mít tinh. Nhìn chúng tôi vui sướng chơi đùa, mẹ tôi thở dài đầy ý tứ.

Rồi cha tôi đột ngột trở về. Trông người hốc hác và đen sạm như từ quỷ môn quan quay lại. Ôm chầm lấy chị em tôi, cha nghẹn ngào nức nở: “Tạ ơn Trời Phật! Các con tôi còn sống khỏe mạnh cả…!”. Trong câu chuyện đứt quãng của cha là một hung tin thê thiết: Vợ chồng dì Năm và hai đứa con nhỏ đã bị lạc đạn rơi xuống biển trong lúc chen chúc lên tàu di tản ở cảng Tiên Sa.

* * *

Bẵng đi 35 lăm, loài cá hồi bỗng quay lại trong giấc mơ, tôi thấy mình hóa thành cá ngược dòng tìm về sông suối. Tôi đã cố bơi qua các ghềnh đá, lách mình qua những đám rong rêu bồng bềnh phiêu lãng. Tiếng hát của đá cuội nằm sâu dưới lòng sông nghe vẳng vẳng tiếng ru à ơi ngọt lành của mẹ. Trên vai tôi, chiếc áo màu xanh bỗng rùng mình chuyển dần sang màu vàng cam rồi từ từ sáng đỏ…Tôi như hụt hơi giữa dòng nước chảy xiết. Mẹ ơi! Tôi gọi và khóc nức nở. Những giọt nước mắt màu đỏ sáng vỡ òa cả một vùng nước trong veo lóng lánh… Vút! Dòng nước hất tung tôi lên khoảng trời đầy mây trắng. Từ trên cao nhìn xuống tôi choáng ngợp bởi rừng cờ hoa lộng lẫy…

Giật mình tỉnh giấc, nhìn lên đồng hồ: Mười hai giờ mười lăm. Mùi hương trầm từ gian thờ phả vào không gian một làn hương thanh khiết. Bóng mẹ đổ dài trên bức tường trắng xóa. Mẹ không ngủ à? Tôi hỏi vọng lên. Ừ! Mai đám giỗ dì Năm bây đó. Mẹ như nói một mình. Tôi biết, mẹ lại nhớ về những ngày tháng cũ, cách đây vừa tròn ba mươi lăm năm…

Ký của Như Hạnh

;
.
.
.
.
.