Bà ngoại bên rào ngồi phơi chuối khô, nói với qua cô hàng xóm bằng một giọng ự hự, “Vài bữa nữa mấy đứa cháu ngoại của dì về chơi. Nghĩ tới tụi nó là hết ham...”. Lạ, sao lại không ham khi chuyện này dường như quá vui với một bà chớm già, sống đơn độc trong ngôi nhà chứa đầy sách với mảnh sân rậm rì cây kiểng, cùng một con chó (cũng) kiểng tên Giang Sơn Mỹ.
Bà có lý do.
Khi xe đò đổ xuống trước nhà một bầy trẻ nít, thì sự tĩnh lặng, nền nếp, sạch sẽ của bà ngoại ngay lập tức tan thành mây khói, những thứ bà ngoại nâng niu gìn giữ lại là những thứ có nguy cơ cao. Đầu tiên bầy trẻ sẽ xốc xới tan nát mớ sách mà bà đã phân loại, xếp thẳng tắp trên giá. Sẽ có một vài cuốn sách phải chịu hy sinh thân mình làm máy bay chao liệng. Tàn cuộc, một nửa sách trên giá bị quăng ném vào mấy gầm giường, trọng kẹt tủ, bà ngoại nhặt lại đem ra vuốt cho phẳng phiu, ôi trời ơi bao nhiêu cuốn bị lem luốc rách mép hết rồi.
Bầy trẻ về, mấy bức tường trắng tinh nếm mùi lấm láp, nào vết mực nào dấu tay đầy bùn đất, cùng hàng chục trái banh in lên vách rành rành. Cái bàn ăn cơm với bộ ván gõ đã bị cào nát mặt, cùng hai chân giường bị đẽo, tay vịn cầu thang trầy xước... chất chồng thời gian trước, năm nay thể nào cũng xây xước thêm. Ngó xót như thể dao cứa trên da thịt chớ đâu vừa.
Không dừng lại đó, tụi nó còn lùng sục tủ áo của bà ngoại, xén vạt áo dài để may áo cho búp bê, lấy khăn quàng cổ của bà để làm áo choàng cho tướng quân vào trận đánh. Và thể nào cũng có chục chén, đĩa kiểu đã được nâng niu từ đời ông cố ông sơ của bà bỗng dưng tan thành muôn mảnh vụn khi những bàn tay xíu xiu của ba đứa cháu chạm vào.
Và cái vuông sân nhỏ cũng trở thành chiến trường của đám trẻ. Kiểng trong sân nhà như vừa qua bão, xụi lơ, xơ xác. Tụi nó lặt bông, bẻ trụi những nhánh mai của mấy cây mà bà cưng, rồi rủ nhau bẻ đọt cây cau tầm vung cao chưa tới đầu người.
Không có gì bảo đảm năm nay sẽ không lặp lại kịch bản của năm trước. Nên nghe tin cháu ở xa về bà ngoại cầm chắc cuộc sống thanh tịnh của bà bị đảo lộn, xáo trộn như đang mùa chạy giặc. Đến cái giường, cái võng quen thuộc bà cũng rời đi để nhường cho đám cháu nằm. Ứ hự.
Hội tan, sau khi làm cho nếp sống êm ả, ngăn nắp, cũ kỹ của bà ngoại tung tóe lênh lang ra hết phương cứu vãn, bầy trẻ lại kéo nhau quay về nhà chúng cách đây hơn ngàn cây số. Bà sẽ một mình đối diện với những vết tích chúng để lại, bà phải chịu đựng những ngày hội hè còn in dấu trong khắp căn nhà đã bắt đầu chớm lạnh, từ khi trẻ con day lưng đi. Nơi đây đã từng đầy ắp tiếng cự cãi rầy rà, ấm sực muôn bức chân chạy nhảy, nồng đượm mùi mồ hôi, và rực rỡ những nụ cười.
Giờ chỉ còn một bà ngoại nghe tiếng thở thậm thượt của chính mình ứ hự ừ hư. Hàng xóm thì ở bên kia rào. Trời ơi chừng nào mới tới lần sau, đám trẻ lại về xôn xao trước ngõ?!
Nguyễn Ngọc Tư