.

Từ Đà Nẵng đến Tam giác vàng

.

Người Đà Nẵng đi du lịch qua Hành lang kinh tế Đông Tây nay ít chọn tuyến đến Bangkok hoặc Pattaya. Giám đốc Công ty Du lịch Vitours tại miền Trung cho rằng các tour ấy đã bão hòa. Một hướng dẫn viên du lịch bổ sung: “Những bất ổn xã hội ở Thái cũng là lý do khiến nhiều du khách Việt ngần ngại!”. Vậy là Vitours phối hợp với 80 công ty lữ hành trong cả nước và 28 đối tác ở Thái Lan, Lào, Campuchia tổ chức khảo sát tuyến mới. Từ “9 ngày thăm 9 chùa với 9 niềm hy vọng” đến “Khám phá Tam giác vàng”... đã được tổ chức. Người viết đã được mời tham dự hành trình này.

1- Hành trình gột rửa bản thân

Tác giả bên cột mốc Tam giác vàng. 

Đó là chặng đường dài trên 3.000 cây số cả đi và về trong thời gian 7 ngày và 6 đêm. 90 người là giám đốc, cán bộ điều hành của các đơn vị lữ hành, khách sạn tuy khá vất vả do đường dài và thời gian gấp gáp cho một chuyến khảo sát, nhưng ngược lại khá vui vì thỏa mãn được cả nhu cầu tự thân. Họ từng tổ chức cho hàng vạn khách hàng đi du lịch, nhưng với họ một chuyến đi lại rất khó thu xếp.

Hành trình là một cuộc hành hương đến những miền đất thấm đẫm những dấu ấn tâm linh. Chìm đắm vào những đền chùa u tịch, linh thiêng có tuổi thọ hàng trăm năm, ai cũng cảm thấy như được gột rửa tâm hồn sau những tháng năm dài vật lộn với cuộc sống.

Đến xứ Lào, tiếp xúc với những bản làng đầu tiên là đã gặp chùa. Người Lào và người Thái đi tu ở chùa như chúng ta đi nghĩa vụ. Anh con trai nào đi lấy vợ mà chưa đi tu vài năm ở chùa, sẽ bị từ chối! Người hướng dẫn viên của chúng tôi bảo rằng anh con trai đó chưa đủ điều kiện để trưởng thành và trở thành người đàn ông tốt.

Nhưng ai theo đạo Phật mà chưa vào That Inghang - thánh địa Phật giáo Đông Dương ở ngoại ô Savannakhet thì cũng chưa biết hết sự huyền nhiệm của đạo giáo. Người ta kể rằng ngôi tháp cao ở đây thờ xá lợi của một vị tổ sư đã thăng thiên trong lúc ngồi thiền ngay dưới chân cây Hang cổ thụ, đến nay đã ngót 2.000 năm. Một tài liệu khác cho rằng, đây chính là nơi ghi dấu đức Phật ngày xưa đã từng dừng chân trên đường hành hương đến thăm vương quốc Triệu Voi. Toàn bộ chùa-tháp đã được trùng tu lại vào giữa thế kỷ 16 và tất cả hài cốt của những tu sĩ viên tịch từ trước đến nay đều được thờ trong những tượng Phật đặt sát nhau trong những dãy nhà chung quanh đền. That Inghang thiêng liêng nên bất cứ du khách nào qua đây đều xin cột chỉ tay cầu phúc và thắp hương ở đài Xá lợi để mong được Phật độ trì.

Trên suốt lộ trình trên đất Thái, chúng tôi còn đến các chùa lớn ở các tỉnh Chiang Mai, Chieng Rai, Phisanulok, Lam Pang, Khon Kean như chùa Wat Yai, Wat Mahathat, Rongkhun, Phathat Kham và cả chùa mới trong khu Tam giác vàng nổi tiếng. Có những ngôi chùa tồn tại hơn 800 năm, từ thời đế chế Khmer còn tồn tại ở miền Bắc Thái Lan như chùa Mahathat ở cố đô Sukhothai, hoặc những ngôi chùa vừa mới xây dựng hơn 10 năm qua như chùa bạc Wat Rongkhun nhưng đã thu hút đến 5 triệu du khách đến hành hương mỗi năm.

Người dân Thái Lan cũng như người Lào đều coi tu Phật và phụng sự Phật pháp là lẽ sống, là con đường duy nhất để làm cho tâm hồn thanh sạch, không tỵ hiềm. Có lẽ vì vậy, đi đến đâu ta cũng thấy họ chào đón, giúp đỡ rất thân thiện. Một cảnh sát bất ngờ có mặt kịp thời ở ngoại ô Phisanulok và hướng dẫn chu đáo khi thấy xe của chúng tôi bị hỏng máy dọc đường. Một bảo vệ khách sạn ở Lampang thấy khách qua đường khó nhọc vì xe cộ đông, đã nhanh chân chạy ra giúp đỡ. Một thanh niên chạy xe ngựa hay một nhạc công đang biểu diễn nhạc cụ dân tộc để quyên tiền xây dựng chùa ở Lampang sẵn lòng hướng dẫn cho khách biết công việc của mình hay chụp ảnh chung mà chẳng đòi hỏi thù lao... Ngay cả cái chắp tay cúi đầu chào người khác của họ, vẻ thành kính khi đứng trước đấng chí tôn như cũng xuất phát từ đáy lòng. Điều ấy trái ngược với nhiều du khách với những động tác chiếu lệ, giả dối!

Tôi không theo đạo Phật, nhưng trên suốt hành trình đã nhận ra những điều quý giá đó.

2- “Thương hiệu” Tam giác vàng

Di tích chùa Wat Mahathat 700 năm tuổi. 

Vua ma túy Khun Sa nổi tiếng toàn thế giới cho đến thập niên 90 của thế kỷ trước với 15 ngàn binh sĩ có trang bị cả tên lửa và mỗi năm cung cấp “cái chết trắng” trên 60% thị phần toàn cầu. Dưới danh nghĩa đấu tranh giành quyền tự trị cho bộ tộc Shan ở Myanmar, người con trai của vị tướng Quốc dân đảng Trung Hoa lưu vong này đã trở thành một bạo chúa đồng thời là tội phạm truy nã toàn cầu với giá tiền treo thưởng lên đến nhiều triệu USD. Cuối những năm 90, ông ta ra đầu hàng Chính phủ Myanmar và đến năm 2007 đã qua đời vì bạo bệnh tại thủ đô Yangoon.

Khun Sa không còn, nhưng một vùng tam giác rộng lớn giáp giới 3 nước Lào-Thái-Myanmar đã trở nên nổi tiếng khắp năm châu. Và một nước có tiếng với nền công nghiệp du lịch như Thái Lan và cả Myanmar đã không bỏ qua cơ hội này: Xây dựng cây cầu Hữu nghị nối liền 2 tỉnh Mea Sai và Chiang Rai giữa hai nước, biến Tam giác vàng thành một điểm du lịch, giải trí hấp dẫn. Một bảo tàng đã được thành lập với mô hình thể hiện quá trình sản xuất, chế biến chất gây nghiện (nhưng không được chụp ảnh!), một khu resort 5 sao mang tên Golden Triangle cùng nhiều nhà hàng, khu bán đồ lưu niệm mọc lên nhanh chóng. Bên phía Mea Sai của Myanmar là các khu giải trí cao cấp và cả một casino luôn tấp nập. Cùng đó là một ngôi chùa đồ sộ với tượng Phật bằng đồng, các tượng voi được xây dựng tại bản Therd Thai tại ngã ba sông Ruek và Mê Kong, làm nơi hành hương cho du khách ngay tại biên giới của ba nước. Phía Lào, bên kia sông Mê Kông nay cũng trở thành điểm du lịch và các dịch vụ đưa du khách qua lại sông Mê Kông bằng ca nô khá nhộn nhịp...

Đã có hơn ba triệu du khách năm châu đến Tam giác vàng trong năm 2009 bất chấp những bất ổn chính trị ở miền Nam Thái Lan và Bangkok. Những con đường mở rộng đến 4 làn xe đã được người Thái đầu tư nối dài từ Chiang Rai lên (khoảng 80 km). Nhờ danh tiếng Tam giác vàng, giờ đây thành phố Chiang Rai lại có thêm những cái tên hấp dẫn: “Thành phố Thiên thần” hay “Thành phố của nụ cười” luôn đông nghẹt khách du lịch Âu-Mỹ hằng đêm. Thu nhập từ du lịch và dịch vụ đang làm thay đổi từng giờ cuộc sống ở Tam giác vàng và các vùng phụ cận...

Chúng tôi chia tay Tam giác vàng về nghỉ đêm tại thành phố Chiang Mai, cách đó 180 km. Những khu rừng gỗ Teak bạt ngàn hai bên đường. Thỉnh thoảng là những bảng cảnh báo voi rừng và nai. Chứng tỏ tài nguyên thiên nhiên ở xứ Chùa Vàng được gìn giữ, bảo vệ hết sức chu đáo trong khi thực hiện mục tiêu phát triển du lịch. Thành phố Chiang Mai hầu như không ngủ với mọi loại dịch vụ, giải trí. Những cô gái mặc áo nửa ngực cười nói trong những quán bia bên đường. Một chợ đêm Seang Khampheang sầm uất đông đặc khách Âu-Mỹ. Và vẫn u trầm những tường thành và kênh nước cổ Kum Kam cách đây 7 thế kỷ. Cái xô bồ của cuộc sống hiện đại đan xen với những di sản của lịch sử.

3- Bất ngờ ở Chiang Mai

Người lái xe tên Tink đưa chúng tôi lên thăm chùa Prathat Doi Suthep trên độ cao 1.600 mét ở ngoại ô Chiang Mai, khi biết chúng tôi là du khách đến từ Đà Nẵng: “Các anh bây giờ sung sướng hơn chúng tôi vì không sống trong cảnh bất ổn liên miên như Thái Lan hiện nay. Việt Nam, Đà Nẵng sẽ vượt lên người Thái vì điều đó. Tôi cũng đến Đà Nẵng năm ngoái để xem thi bắn pháo hoa và thường gặp nhiều người Việt hơn đi du lịch sang Thái Lan, nên hiểu là đất nước các anh sẽ phát triển nhanh và sẽ vượt qua người Thái...”.

Chúng tôi cảm ơn người lái xe vì những tình cảm tốt đẹp và bất giác cảm thấy xúc động khi nhìn vẻ mặt nghiêm trang và cái chắp tay chân thành của anh lúc đưa chúng tôi về khách sạn Star. Cái chắp tay ấy còn kèm theo những lời dặn cẩn thận về giá cả ở chợ đêm Chiang Mai cùng số điện thoại để gọi anh giúp đỡ khi cần...

Sau khi chia tay Tink, tôi nhớ lại lời của họa sĩ tài danh Chalermchai, người đã bỏ tiền ra xây ngôi chùa bạc Rongkhun nổi tiếng ở Chiang Rai mà chúng tôi vừa đến thăm hôm trước: “ Tiền bạc, của cải là phù du; cả thân xác hữu hạn của ta cũng vậy. Tiền bạc chỉ có giá trị khi nó góp phần làm cho tâm hồn và những giá trị tinh thần của chúng ta trở nên phong phú”. Rõ ràng cái chắp tay xuất phát từ đáy lòng của người lái xe xứ Thái và câu nói của danh họa Phật giáo Chalermchai có điều gì đó như sự tương đồng trong cái nhìn của một du khách đến từ Đà Nẵng, là tôi.

Ghi chép của TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG

 

 

 

;
.
.
.
.
.