.

Và rồi nắng chở ông đi…

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mất vào một ngày chớm nóng. Thường, đầu tháng tư dương lịch ở vào khoảng cuối tháng hai, đầu tháng ba âm và mùa xuân hãy còn. Hạ chưa tới nhưng đã thấy nóng và có nắng.

Nắng cỡ này không chói gắt. Nắng vừa phải: nhẹ nhàng và dễ chịu.

Đó, cũng là nguyên cớ tôi không chọn mưa, đêm… Không chọn những nỗi niềm như quạnh hiu, hoan hỉ… Không những chủ đề thông thường như tình yêu, thân phận, cuộc đời để viết về Trịnh Công Sơn. Tôi chọn nắng, để: “ …Về ngồi trong những ngày nhìn từng hôm nắng ngời…” (Phôi pha). Và tôi muốn thả buông mình trong nắng nơi âm nhạc của ông. Tôi để nắng dẫn dắt đi và tôi bó gối chờ nắng đến. Tôi vội vã và tôi đủng đỉnh, với nắng. Nắng trong âm nhạc Trịnh Công Sơn lạ lắm kìa! Nắng như những dấu hỏi, bỏ lửng “…Nắng có hồng bằng đôi môi em?... Nắng có còn buồn trong mắt trong…” (Như cánh vạc bay). Nắng, như một nhắn gửi như những dự cảm: “…Người đứng chờ gió đồng vi vu. Vạt nắng vàng nhắc lời thiên thu…” (Sóng về đâu).

Gần như suốt cả cuộc đời mình, Trịnh Công Sơn gắn bó với hai thành phố. Đó là Huế và Sài Gòn. Huế là quê hương tuổi thơ ông. Huế mưa dầm và Huế nắng gắt. Ngôi nhà cũ của gia đình ông đã được chuyển giao cho vợ chồng Hoàng Phủ Ngọc Tường, trong rất nhiều năm qua. Một ngôi nhà đã được Lâm Thị Mỹ Dạ phác thảo qua mấy câu thơ:

“ Sáng tròn bao phiến lá.

Cây gieo ngọc lên trời.

Gió từng chùm buông thả

Thầm thì và xa xôi…”

Những câu thơ không nắng nhưng nắng ươm đầy, trên những giai điệu của Trịnh Công Sơn, suốt thời gian ông ở đó. Có thể từ chính đặc điểm của ngôi nhà mà nắng phủ trùm và rải rác trong rất nhiều bài hát của ông. Dựa theo tài liệu tìm được, chúng ta có thể hình dung: Bên phải ngôi nhà là nhà thờ Phú Cam cùng dòng sông An Cựu. Đối diện ngôi nhà phía bên kia đường là khu vườn đầy cây lá của Tòa Tổng giám mục Huế. Chưa đủ cả con đường long não bên dưới: “…Hàng cây thắp nến lên hai hàng. Và nắng đi vào trong mắt em…” (Hạ trắng). Rõ ràng cây cầu, dòng sông, vầng trăng, sương khói, những cơn mưa ở đó. Ở Huế. Đã tham dự vào trong những tác phẩm của ông. Và không thể không nhắc đến: Nắng: “Nhìn những mùa thu đi em nghe sầu lên trong nắng… Trong nắng vàng chiều nay anh nghe buồn mình trên ấy…” (Nhìn những mùa thu đi), “…Em vào mùa hạ nắng thắp trên cao vào mùa xuân nào ngẩn ngơ tình mới…” (Tôi ru em ngủ).

Và Sài Gòn. Phố ngập nắng, quán ngập nắng, một chỗ ngồi ngập nắng. Ông rọi soi mình trong nắng. Nắng xuyên suốt ông trong rất nhiều những khoảnh khắc tuyệt vời: “…Thương ai cười trong nắng ngại ngùng áng mây tan…” (Thương một người). Và ông đắm chìm trong nắng ở tư thế chuyển động và im lìm. Hoặc lang thang hoặc chuyện trò hoặc lặng ngắt, một góc ngồi. Không chừng trong đám đông với rất nhiều người vây quanh và những ồn động, ông vẫn có thể như thế: lặng ngắt. Để ngẫm ngợi với riêng mình bao nỗi đời nhiều trắc ẩn: “ …Từng ngày qua thấy nắng tan vào lời ru…” (Từng ngày qua). Trong những tình ca rất hay của Trịnh Công Sơn, chúng ta cũng bắt gặp nắng đó thôi. Nắng lóe bừng nắng lịm tắt. Nắng reo vui ngày tình đầy, nắng buồn hiu ngày tình mất và kỷ niệm ứa tràn bởi nắng: “Đôi khi nắng qua mái hiên làm tôi nhớ… (Rồi như đá ngây ngô). Nắng lên rồi… hết nắng, tình đầy rồi… rỗng tay. Ai cũng có được những cảm nhận như Trịnh Công Sơn nhưng đâu dễ ai có thể tỏ lộ, phơi bày như ông. Và sao không thử cất lên mấy câu hát. Những câu hát như thế này: “Những hẹn hò từ đây khép lại. Khép lại từng đêm vui… Chút nắng vàng giờ đây cũng vội… Tình như nắng vội tắt chiều hôm…” (Như một lời chia tay) để nhận ra ông, không những viết cho mình mà còn viết cho chúng ta, trong những lần mắt cay và hồn tê tái, trước mỗi một lìa xa. Không hiểu sao mà tôi cứ thấy điếng lòng ở mấy chữ: “Chút nắng vàng giờ đây cũng vội…”.

Mà, có vội vàng hay hết sức chậm rãi thì cũng đã tới lúc ông phải đi. Ông ra khỏi tình ông lìa khỏi đời. Ấy, một ngày không mưa… Và nắng, bảng lảng mảnh mai đến thế cơ mà. Và Trịnh Công Sơn lại gầy yếu, nhẹ tênh dường ấy thì có thể lắm chứ! Nắng đã về đứng quanh chỗ ông nằm rồi chở ông đi, đi mãi. Nắng cuốn ông đi. Ông dạt trôi vào nắng. Trong một ngày đầu tháng tư.

Tản văn của MỸ NỮ

;
.
.
.
.
.