.

Bản tin giờ thứ 25

(Trích tiểu thuyết)

“Nữ hoàng nhạc Twist” là tên gọi tác phẩm mới nhất của nhà văn Trần Trung Sáng vừa hoàn thành trong năm 2009, và dự kiến ấn hành vào mùa hè năm nay. Đây là một tiểu thuyết bắt nguồn cảm hứng từ cuộc đời thật của Túy Phượng - một ca sĩ nổi tiếng từ những năm đầu thập niên 60, thời kỳ thịnh hành các điệu Twist, Agogo, Soul... du nhập vào nước ta. Song nội dung tiểu thuyết, chủ yếu bao gồm nhiều tình tiết, nhằm phản ánh cuộc chiến tranh khốc liệt qua cái nhìn của người đô thị.

Nhân kỷ niệm 35 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, ĐNCT giới thiệu cùng bạn đọc một trích đoạn tiểu thuyết nói trên, với góc nhìn khá mới mẻ: phản ánh mối quan hệ đan xen giữa các tướng lĩnh ngụy quyền Sài Gòn với giới báo chí, văn nghệ sĩ vào những ngày cuối cùng của cuộc chiến...

ĐNCT 

Chuồn chuồn bay trong trời sa mưa

Hôm ấy, đúng vào ngày 20-4-1975, Việt Định Phương đang ngồi một quán cà-phê ven đường gần khách sạn Majestic cùng vài ký giả, để bàn chuyện chuẩn bị ngày Hiệp hội ký giả thể thao tổ chức Đại hội hằng năm tại đây. Đột nhiên, ký giả Huyền Vũ đến kéo ghế ngồi cạnh, kề tai, nói nhỏ:

- Chắc chắn Tổng thống Thiệu phải đọc diễn văn từ chức. Mai mốt rồi sẽ có những cuộc di tản hỗn loạn. Có muốn chuồn sớm thì lo thu xếp, tôi tính toán giúp báo anh vài người.

Việt Định Phương hiểu rõ, trong chuyện này Huyền Vũ không hề nói chơi. Anh ta mặc dù rất nổi tiếng là ký giả tường thuật thể thao trên Đài Phát thanh Sài Gòn, nhưng anh còn là “đại úy phòng Năm” ở Bộ Tổng tham mưu, có con gái là Thư ký riêng của Nguyễn Tấn Trung, Tổng Giám đốc Hàng không Việt Nam - thông gia với Nguyễn Văn Thiệu, nên việc Huyền Vũ hứa hẹn bảo lãnh để máy bay bốc ra hạm đội 7 vào thời điểm nào là hết sức lô-gích.

Kể xong câu chuyện, Việt Định Phương nói với ông Minh:

- Anh bàn với Túy Phượng gấp rút đi. Kẻo mai đây rồi không kịp.

Gác máy điện thoại, ông Minh quay qua nhìn Túy Phượng lưỡng lự. Song, dường như cô đã hiểu nội dung câu chuyện. Cô nói:

- Mấy hôm nay, ở Sài Gòn người ta chỉ bàn chuyện đi hay ở. Ông Việt Định Phương có cửa rồi sao?

- Ổng nói nghe có vẻ chắc lắm. Nhưng việc này phải suy nghĩ kỹ... Ý em thế nào?

- Mấy ông báo chí, văn nghệ sĩ ai cũng chắc ăn hết. Mới rồi, gặp ký giả Thương Sinh, anh ấy cũng nói rằng: “Tổng thống Gerald Ford ra lệnh cho tòa đại sứ Mỹ, phải dành ưu tiên di tản những nhà văn, những nhà báo, những chủ bút, văn nghệ sĩ... Vấn đề là bao giờ đi? Đi với ai?

***

Cũng trước thời gian ấy không lâu, tại Dinh Độc Lập, cùng tướng Cao Văn Viên, tướng Nguyễn Văn Toàn bước xuống từ một chiếc trực thăng, vội vã đến gặp Tổng thống Thiệu. Tướng Toàn nói ngay: “Thưa tổng thống, cuộc chiến kể như đã kết thúc!”.

Phân vân một lát, rồi tướng Toàn bảo: “Phan Rang, Phan Thiết cũng đã sụp đổ nhanh chóng. Quân của MTGP giờ đây chắc chắn sẽ quay sang quốc lộ 1 để tràn xuống, chứ không cần theo đường bờ biển đi vào Sài Gòn”.

Kế tiếp, tướng Toàn nói toạc ra cả những việc xảy đến cho mồ mả gia đình Thiệu ở Ninh Chữ. Xưa nay, điều này vốn hết sức hệ trọng với Tổng thống Thiệu, nên nghe tin, mặt mày ông trở nên trắng bệch. Thế nhưng, không thấy ông ta nổi giận, mà lặng lẽ quay đi bước vào phòng nghỉ, quên lời từ biệt xã giao hai vị tướng vừa đến báo tin xấu cho mình..

Khoảng 24 giờ sau, có tin tướng Lê Minh Đảo, chỉ huy sư đoàn 18 ở Xuân Lộc lại cho biết, nơi đây cũng bó tay rồi. Suốt đêm, đối phương pháo kích liên tục, các tiền đồn xung quanh Xuân Lộc lần lượt sụp đổ. Tướng Đảo ra lệnh rút bỏ vị trí và chạy....

Thế rồi, cái điều cần đến đã phải đến... Bộ phận nhân viên còn lại quanh Nguyễn Văn Thiệu nhanh chóng loan tin Tổng thống sắp sửa từ chức. Nhiều nhà báo nước ngoài gọi điện thoại đến tòa Đại sứ Mỹ hỏi Martin. Nhưng Martin lại đưa ra nhận định hoàn toàn trái ngược. Cứ y như là ông Thiệu có ý định ngồi ỳ lại chức vụ và đang chống cự với mọi nỗ lực tìm cách phế truất ông.

Đúng vào 8 giờ tối. Hai vợ chồng Túy Phượng nhìn thấy trên màn ảnh truyền hình: Tổng thống Thiệu với vẻ mặt khá trang trọng so với những lần xuất hiện gần đây. Ông ta đang bắt đầu bài diễn văn với những lời lẽ quyết liệt. Ông diễn giải về “tình hình thật khẩn cấp”, và chủ yếu oán trách người Mỹ. Ông nói, khi Mỹ rút khỏi Nam Việt Nam năm 1973, quân đội Sài Gòn đã mất 63% sức mạnh quân sự. Rồi, ông lại cắn môi, tỏ ý bức xúc nói tiếp: “Người Mỹ các ông… không chịu cho chúng tôi viện trợ mà các ông đã hứa hẹn. Tức là không ủng hộ chúng tôi nữa. Thế thì được rồi, tôi sẽ ra đi. Nếu người Mỹ không giúp đỡ Nam Việt Nam nữa, hãy để họ ra đi, cút đi, hãy để họ nuốt hết những lời hứa của họ”. Sau đó, giọng ông trầm xuống một cách đột ngột và tuyên bố từ chức.

Rải rác trên đường phố Sài Gòn có những nhóm người tụ tập bàn tán xôn xao. Nhiều người thở phào nhẹ nhõm trước sự từ chức của Thiệu. Họ cho rằng, ông Thiệu hết thời rồi. Nếu ông Thiệu còn ngồi đấy thì chiến tranh sẽ còn dai dẳng.

Dù vậy, sau diễn văn từ chức của Nguyễn Văn Thiệu, cuộc vây hãm Sài Gòn vẫn không hề dừng lại. Từ Đồng Xoài, hàng trăm xe tải thẳng hướng Tây, tiến về Tây Ninh, Bình Dương... càng lúc càng toàn vẹn và chặt chẽ. Các bản tin phương Tây dự đoán, có chừng hơn 10 sư đoàn đang bao quanh Sài Gòn và chờ lệnh tấn công. Trách nhiệm lại đổ xuống trên vai ông già gân Trần Văn Hương. Không biết ông ta làm được gì để cứu vãn tình thế này?

Sáng sớm hôm sau, ông Minh lại nghe tiếng điện thoại reo vang. Ông cầm máy. Bên kia đầu dây, Việt Định Phương nói:

- Đã chuẩn bị xong xuôi chưa? Nếu không vướng mắc điều gì, trong sáng nay, vợ chồng anh chạy đến chỗ tôi. Chúng ta sẽ ra Hạm đội 7 trong chuyến bay đầu tiên.

Túy Phượng lúc này vẫn đắm chìm trong giấc ngủ. Ông Minh không gọi vợ. Nhiều ngày sau, ông cũng không nhắc lại cho cô biết lời thúc hối của Việt Định Phương. Mặc dù những ngày này, trực thăng Mỹ thường xuyên bay lượn trên bầu trời như những cánh chuồn chuồn báo hiệu mưa dông. Chúng đáp xuống các sân thượng của những biệt thự, trụ sở của người Mỹ chở theo những nhóm người có tên trong danh sách, rồi bay đi vội vã. Có lần, Túy Phượng tỏ vẻ nóng ruột hỏi:

- Ông Việt Định Phương thế nào rồi? Để em nhờ đăng ký đi bên nhóm ký giả Thương Sinh cho chắc nhé!

Bản tin giờ thứ 25

Gặp lại ký giả Thương Sinh, Túy Phượng mới biết tin, Việt Định Phương đã ra khơi tự bao giờ. Còn bản thân Thương Sinh cũng đang lên ruột, chạy ngược chạy xuôi, chửi bới người Mỹ om sòm. Đột nhiên, đến sáng 29-4, sau khi Dương Văn Minh nhận nhiệm vụ Tổng thống bàn giao từ Trần Văn Hương, gặp lại Túy Phượng, Thương Sinh có vẻ lạc quan hơn. Y nói:

- Lâu nay cô gặp ca sĩ Minh Hiếu không?

- Sao anh?

- Tướng Vĩnh Lộc, chồng của Minh Hiếu vẫn còn ung dung đó, đang nắm quyền Tổng tham mưu trưởng thay thế cho tướng Cao Văn Viên đã biến mất. Cô cố gắng liên lạc với Minh Hiếu, xem thử có gì hay không?

Thương Sinh khẳng định, vừa nghe giọng nói của tướng Vĩnh Lộc trên Đài phát thanh chê trách các ông tướng bỏ chạy, và tuyên bố hùng hồn sẽ bảo vệ Sài Gòn. Thương Sinh cũng kể lại, khi còn làm việc cho báo Sống của Chu Tử, y đã từng được cử đến Pleiku yết kiến "vua xứ mọi". Lúc ấy, Thương Sinh ký tặng ông tướng cuốn tiểu thuyết mới nhất vừa in. “Ông tướng bảo, ông yêu tôi nhất ở cuốn sách Hoa thiên lý”. Bởi vậy, xem ra, Thương Sinh rất có cảm tình và đặt niềm tin với tướng Vĩnh Lộc từ đó.

Quả nhiên, tối ấy, Túy Phượng lại nhìn thấy ông tướng Vĩnh Lộc đọc nhật lệnh trên vô tuyến truyền hình. Ông nói xong, thì chương trình xuất hiện mấy cậu sinh viên tranh đấu hăm hở hát đi hát lại ca khúc Nối vòng tay lớn của Trịnh Công Sơn. Thỉnh thoảng, xen ngang là giọng nói của Lý Quý Chung, Tổng trưởng Thông tin nội các của chính quyền Dương Văn Minh còn mới toanh.

Túy Phượng nói với chồng:

- Thật khó hiểu, tướng Vĩnh Lộc thì cứ nói mạnh vậy, nhưng mọi người vẫn cứ tìm cách di tản. Anh định sao?

- Cứ bình tĩnh, vội vã gì. Sài Gòn vẫn còn đó bao nhiêu người. Mình có là gì!

Túy Phượng tắt tivi. Gương mặt cô trở nên đăm chiêu:

- Tuần rồi anh giấu em chuyện ông Việt Định Phương đã đi lọt. Hình như anh không muốn đi?

Ông Minh thoáng bất ngờ, chốc lát, ông thở dài:

- Thực ra anh chẳng có ý định dứt khoát nào cả. Anh quá mệt mỏi với cuộc chiến tranh.

- Nhưng anh đã từng là sĩ quan. Nếu có chuyện gì, liệu họ có tha cho anh không?

Rồi không đợi ông Minh trả lời thêm, Túy Phượng nói như mọi việc đã thu xếp đâu vào đấy:

- Ngày mai em sẽ đến gặp Minh Hiếu. Chị ấy đã điện thoại hứa với em. Bao giờ gia đình tướng Vĩnh Lộc đi thì mình đi, nhưng hiện nay nhiều người vẫn còn đặt hy vọng vào ông ấy. Chắc sẽ còn một thời gian nữa...

Vào lúc nửa đêm, lác đác có những tiếng súng nổ đâu đó lấn át cả tiếng máy bay trực thăng lên xuống lượn lờ quanh Sài Gòn. Thoáng lo lắng, ông Minh với tay lấy chiếc radio nhỏ trên đầu giường mở nghe, xem thử tân Tổng tham mưu trưởng, trung tướng Vĩnh Lộc, còn tuyên bố gì thêm? Thế nhưng, Đài phát thanh Quân đội thì im bặt. Còn Đài Sài Gòn thì vẫn là ca khúc Nối vòng tay lớn và giọng nói Lý Quý Chung được thu sẵn, giống như đã phát trên Đài truyền hình.

Túy Phượng vụt chồm dậy:

- Sao không nghe tướng Vĩnh Lộc nói gì cả?

Đột nhiên, trên Đài Sài Gòn, một giọng xướng ngôn viên nữ vang lên: “Bây giờ mời quý thính giả nghe tổng kết tin tức trong 2 tháng, từ trung tuần tháng 3 đến thượng tuần tháng 4.

Thưa quý vị thính giả,

Ngày 17 tháng 3 - Tổng thống Thiệu ra lệnh rút quân, bỏ trọn vùng cao nguyên Kon Tum, Pleiku, Ban Mê Thuột, dân chúng bắt buộc phải di tản đường bộ, theo quốc lộ số 7, một con đường bỏ hoang từ thời kỳ Pháp thuộc. Ngày 19 tháng 3 - Phú Bổn và phần còn lại của Quảng Trị thất thủ, Huế và Đà Nẵng bị đe dọa nặng. Dân tị nạn đổ dồn về Đà Nẵng, cầu không vận được thiết lập nối liền Sài Gòn-Đà Lạt. (...)

Ngày 28 tháng 3 - Hội An, Lâm Đồng mất.... Đà Nẵng vô cùng nguy ngập. Ngày 29 tháng 3 - Các tướng lãnh Việt Nam Cộng hòa leo tàu ngoài khơi Đà Nẵng để chỉ huy binh lính. Dân chúng không còn đường để tháo chạy. Vào ngày 30 tháng 3 - Đúng 3 giờ sáng Tổng thống Thiệu ra lệnh rút bỏ Đà Nẵng, mặc dù các đơn vị đang còn giao tranh ác liệt....

Thưa quý thính giả,

Vào ngày mồng 1 tháng Tư - Quy Nhơn, Phú Yên, Nha Trang hoàn toàn lọt vào tay phía MTGP, 14 trên 44 tỉnh của miền Nam bị mất. MTGP kêu gọi dân chúng tự động đứng lên lật đổ TT Thiệu (....). Và ngày 20 tháng Tư - Phan Thiết thất thủ. 21 tháng Tư - TT Thiệu tuyên bố từ chức trao quyền cho Phó Tổng thống Trần Văn Hương. Mặt trận Giải phóng không chịu và đòi nói chuyện với chính phủ không có người của TT Thiệu. Đến ngày 25 tháng Tư - Tổng thống Hương cử một phái đoàn tổng trưởng đi Hà Nội, nhưng Bắc Việt bác đề nghị đó. Ngày 28 tháng Tư - Đại tướng Dương Văn Minh chánh thức nhậm chức Tổng thống, nghị sĩ Vũ Văn Mẫu làm Thủ tướng. Cộng quân vẫn không chấp nhận đề nghị hòa đàm và họ vẫn đánh. Cuối cùng ngày 29 tháng Tư - Phi trường Tân Sơn Nhất bị pháo dữ dội. Thủ tướng Vũ Văn Mẫu ra lệnh người Mỹ phải rút khỏi Việt Nam tức khắc trong vòng 24 tiếng. Đài Phát thanh Mặt trận Giải phóng đòi chính quyền Sài Gòn hãy đầu hàng...”.

Sáng mai sớm, Túy Phượng vội vã dậy thật nhanh, chuẩn bị chạy ra phố thì Đài Sài Gòn loan tin giới nghiêm 24 trên 24: “Kể từ hôm nay, 30-4-1975”. Cô nói với chồng:

- Mặc kệ, em phải tìm gặp Minh Hiếu.

Túy Phượng không hay biết: ngay trong giây phút ấy, vị tướng tân Tổng tham mưu trưởng vừa tuyên bố hùng hồn với người dân Sài Gòn “sẽ chiến đấu đến phút cuối cùng” đêm qua, đã âm thầm lặng lẽ cùng cô vợ ca sĩ xinh đẹp hối hả ra khơi...

TRẦN TRUNG SÁNG

;
.
.
.
.
.