.

Chơi thể thao: Sân nào giá đó

.

Hiện một số người cho rằng bây giờ không có sân chơi thể thao. Xin thưa rằng có, nhưng phải trả tiền. Muốn có sức khỏe, thay vì uống thuốc (được khuyến cáo là không tốt) thì phải bỏ ra một số tiền nhất định mua lấy một khoảng trống trong các sân bãi thể thao.

“Không còn quỹ đất”

Có ai đó nói rằng ở phố bây giờ không còn sân bãi chơi thể thao nữa thì có thể tin được, hệ quả của tiến trình đô thị hóa là vậy. Thế mà, thật không thể tin được khi hay rằng nhiều nơi ở nông thôn hiện vẫn “không còn quỹ đất” dành cho cái sự vận động rèn luyện thân thể. Thông tin này phát xuất từ báo cáo của các xã trong đợt “Khảo sát thực trạng cơ sở vật chất phục vụ phát triển sự nghiệp văn hóa - thể thao trên địa bàn huyện Hòa Vang” do Phòng VH-TT huyện Hòa Vang tổ chức cuối tháng 3 vừa rồi.

Nhiều cơ quan, đơn vị phải thuê sân để tổ chức các giải đấu thể thao.
Trong ảnh: Giải Bóng đá Báo Đà Nẵng lần 2 năm 2009 tại Nhà thi đấu Bưu điện Đà Nẵng.

Theo báo cáo nói trên, xã Hòa Khương là địa phương có 11/11 thôn “trắng” sân vận động (SVĐ), duy nhất chỉ có một SVĐ cấp xã rộng 7.901m2 ở thôn Phú Sơn 1. Xã Hòa Phong, nơi tọa lạc của Trung tâm hành chính huyện, cũng chỉ được 4/15 thôn có SVĐ, các thôn còn lại, trong báo cáo đều ghi là “không còn quỹ đất”. Số SVĐ hiện có ở một số xã khác cũng không mấy lạc quan: xã miền núi Hòa Phú 3/10 thôn, xã đồng bằng Hòa Châu 3/8 thôn...

Đất nông thôn không “căng” như ở phố, vậy sao, nhiều nơi lại “không còn quỹ đất”? Câu hỏi đã được Trưởng phòng VH-TT huyện Nguyễn Thúc Dũng trả lời bằng cách khẳng định: “Nói không còn quỹ đất là không đúng. Nếu UBND các xã đề xuất đàng hoàng, cụ thể phương hướng phát triển thể dục-thể thao với UBND huyện thì tôi nghĩ không thể nói là không còn quỹ đất được. Có quỹ đất hay không còn tùy thuộc vào quyết tâm của chính quyền địa phương đối với phong trào tại chỗ của người dân”.

Minh chứng điều mình nói, ông Dũng nói đến xã Hòa Tiến - một trong những cơ sở quan tâm đến phong trào TDTT với 7/11 thôn có sân bóng đá, 11/11 thôn có sân bóng chuyền. Trong đó, có 2 sân bãi lớn là Trung tâm TDTT xã rộng 10.000m2 ở thôn Dương Sơn và SVĐ thôn Lệ Sơn 1 rộng hơn 8.000m2. Theo Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Tiến Đặng Quốc Tuấn, các sân lớn này không chỉ là nơi vui chơi thể thao của người dân địa phương mà còn diễn ra những trận cầu giao hữu giữa đội Hòa Tiến với các đội bạn như: Bệnh viện Đà Nẵng, phường Phước Ninh (quận Hải Châu), Nhà hàng NEWS...

Qua khảo sát lần này, Phòng VH-TT huyện sẽ đưa ra những định hướng sát thực hơn, thuyết phục hơn trong công tác tham mưu với UBND huyện để các xã có đất đầu tư cơ sở vật chất cho văn hóa - thể thao trong thời gian đến, nhằm nâng cao mức hưởng thụ về đời sống văn hóa của người dân, đặc biệt là ở các thôn, xã.

Trả tiền để có sức khỏe tốt

Các sân bãi thể thao ở nông thôn đang tình trạng “thả lỏng”, theo ông Tuấn, ngân sách xã mỗi năm chi cho thể thao chỉ 30 triệu đồng, không đủ cho các hoạt động thì còn đâu để đầu tư cho sân bãi?! Thành ra, có đất chỉ là điều kiện cần chứ chưa phải là đủ đối với việc hình thành một SVĐ.

Giải bóng đá Hội LHPN quận Cẩm Lệ trên SVĐ Cẩm Lệ - một trong 3 SVĐ được thành phố đầu tư xây dựng. 

Tuy nhiên, có SVĐ rồi, nuôi dưỡng nó cũng phải biết cách. Ông Nguyễn Trọng Thao, Trưởng phòng Nghiệp vụ Thể thao - Sở VH-TT&DL thành phố Đà Nẵng, đơn cử trường hợp SVĐ Sơn Trà trước đây được đầu tư xây dựng theo kiểu sân cộng đồng, ai chơi cũng được. Sau khi bàn giao sân được 6 tháng thì không còn một ngọn cỏ trên mặt sân. Thành phố phải tái đầu tư, làm mặt sân đẹp, hiện đã giao lại cho Trung tâm Văn hóa-Thể thao quận quản lý, cho thuê lấy tiền để đầu tư lại sân. Đó là cách làm hợp lý.

Đáp ứng nhu cầu chơi thể thao ngày một đông của người dân Đà Nẵng, một số cơ quan, đơn vị như Bưu điện, Điện lực, Thuế, Công an... xây dựng sân chơi thể thao riêng, ngoài phục vụ cho nội bộ, còn cho các cá nhân, đơn vị có nhu cầu thuê. Gần đây nhất, tháng 9 năm ngoái, Công ty TNHH Khởi Phát đã khánh thành đưa vào sử dụng giai đoạn 1 Làng Thể thao Tuyên Sơn. Anh Nguyễn Thái Nhật Nguyên, đại diện Kinh doanh của Làng, giới thiệu: “Đây là một trong những cụm sân cỏ nhân tạo lớn nhất nước với 9 sân bóng, đáp ứng đầy đủ nhu cầu chơi bóng đá và tổ chức các giải đấu phong trào, bán chuyên nghiệp và chuyên nghiệp”.

Hiện Làng có 4 loại sân, từ sân 5 người đến sân 11 người. Một trong những lý do thu hút mỗi ngày (từ 5 giờ 30 đến 21 giờ 30) 600 lượt người đến chơi bóng đá là giá thuê sân chấp nhận được: Với sân 5 người, ngày thường từ 5 giờ 30 đến 16 giờ 30 là 180.000 đồng/giờ; thứ bảy, chủ nhật và buổi tối có nhích lên chút ít.

Chơi thể thao để cải thiện sức khỏe chính mình, đó là một phương thuốc tự nhiên mà không một vị thuốc nào do con người làm ra có thể sánh kịp. Để luôn có “thuốc” tốt, người chơi phải trả tiền cho các sân là điều tất yếu. Đến một lúc nào đó, những người ham thích thể thao ở nông thôn hẳn cũng phải bỏ ra một số tiền nhất định để được đến các sân chơi đạt chuẩn. Lúc đó, các SVĐ ở nông thôn cũng phải vận hành theo cơ chế như các sân ở phố, nếu muốn tồn tại và phát triển.

VĂN THÀNH LÊ

 

;
.
.
.
.
.