.
Chuyện xưa xứ Quảng

Chuyện cọp ở Thủy Tú

.

Làng Thủy Tú, xưa thuộc huyện Hòa Vang, nay thuộc phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng, là ngôi làng nhỏ nằm ngay dưới chân đèo Hải Vân. Đầu thế kỷ XX trở về trước, Hải Vân không chỉ là ngọn đèo hiểm trở, cây cối rậm rạp mà còn nổi tiếng nhiều cọp dữ.

Một loại bẫy kẹp săn cọp.
Lúc đó, cả làng Thủy Tú không đến 50 nóc nhà. Khung cảnh hoang vắng, rừng rậm âm u. Do tiếp giáp với đèo Hải Vân nổi tiếng có nhiều thú dữ nên Thủy Tú cũng là nơi cọp thường hay lẻn xuống bắt trâu, bò. Thỉnh thoảng, chúng lại hại cả người, dân sợ đến mức không dám gọi là cọp mà gọi là "ông hùm". Bấy giờ, hầu hết dân làng đều nghèo khổ, khốn khó. Đất ruộng tập trung vào mấy gia đình giàu có. Cho nên, ngoài nghề nông, dân làng còn phải làm thêm nghề đánh bắt cá, rồi nghề đốn củi, đốt than kiếm sống qua ngày. Mà, muốn đốn củi đốt than, người ta phải lên núi, phải luồn rừng.

Người dân sống dưới chân đèo Hải Vân luôn luôn cảnh giác trước cọp dữ. Khi đêm xuống, họ phải lấy tre gai áp xung quanh nhà, nhất là cửa trước. Cọp kỵ tre gai. Nhưng nhiều hôm cọp về, cứ đi qua đi lại. Sáng ra, thấy dấu chân cọp đầy, ai nấy lạnh cả người. Ấy là những lúc ngủ say. Còn khi thức giấc, thỉnh thoảng, hễ nghe tiếng sột soạt, biết cọp về rồi, lập tức phải đánh phèng la "đuổi" nó đi. Không hiểu sao, chỉ có đánh phèng la cọp sợ, phóng lên núi, mất hút. Cho nên, dân làng mới có câu hát vui, rằng "Cốc cốc là gốc tre khô/ Bầm bầm là da trâu thúi/ Hụi hụi là người giữ trâu/ Xằng xằng là tui phải chạy". Riêng những người đi lấy củi, đốt than lại có cách bảo vệ riêng. Thường họ rủ nhau đi thành đoàn, ít nhất cũng ba, bốn người. Thật ra, đi thành đoàn chỉ có tác dụng về mặt tâm lý, làm người ta bớt sợ, chứ cọp có thể rình rồi "chồm" lên bắt người đi sau cùng. Cách phòng thủ hữu hiệu nhất là khi đi vào rừng, phải vác cây cao quá đầu người. Khi đó, cọp không dám bắt vì sợ đầu nhọn của cây sẽ đâm vào mình nó.

Thế nhưng, dù cho đề phòng mấy đi nữa, con người cũng có lúc sơ hở. Một đêm nọ, có ba người trong làng rủ nhau đi bắt cá dọc sông Cu Đê. Ông Ba Lênh cầm nơm, ông Bảy Chiến cầm đuốc soi, còn bà Tám Lài bơi thúng. Ba người đang lúi húi bắt cá thì bỗng đâu có con cọp "chồm" người ông Ba Lênh. Ông Bảy Chiến thất kinh, mặt cắt không còn giọt máu, chẳng biết làm gì. Lại sẵn tay đang cầm đuốc, mới dúi đại cây đuốc đang rực lửa lên mình cọp. Cọp nghe nóng quá, hoảng hốt, mới thả ông Ba Lênh, chạy thẳng lên núi. Ông Bảy Chiến vội lôi ông Ba Lênh lên thúng, cố sức bơi về làng, hô cầu cứu. Dân làng vội chạy ra, xúm nhau khiêng ông Ba Lênh tìm thầy thuốc. Nhưng tất cả đều đã trễ. Cọp ngoạm ngay chỗ hiểm ở yết hầu, ông chết ngay sau đó.

Chuyện ông Ba Lênh bị cọp bắt dù sao cũng không "ghê gớm" bằng chuyện cọp bắt một chị phụ nữ. Đêm nọ, chồng đi biển, chị vợ nằm ngủ với đứa con còn nhỏ, vừa mới biết nói. Chẳng may, có con cọp đói mồi lù lù đi đến, nhảy lên vồ chị một cái chết tươi. Nhưng, nó không tha vào rừng để ăn thịt ngay mà cứ dồi lên, dồi xuống, kiểu như đùa giỡn rồi mới tha đi. Đứa bé thức giấc và chứng kiến từ đầu đến cuối. Mãi đến khi cọp tha mẹ đi, con bé mới chạy vào nói với bà nội: "Bà ơi, bà, bà ra coi con bò nó bồng mẹ đi mô rồi". Bà nội choàng tỉnh, biết ngay là cọp, bèn la làng. Mọi người kéo nhau đi tìm. Đèn đuốc sáng choang, phèng la vang trời. Họ lần theo dấu chân cọp và dấu cây cỏ bị rạp xuống mà tìm. Chẳng mấy chốc, họ đã tìm ra xác chị phụ nữ không còn nguyên vẹn ở Hầm Vàng, nơi có hai hầm mà thực dân Pháp tiến hành khai thác vàng nhưng do trữ lượng quá ít, lại non tuổi nên bỏ dở.

Cái chết thảm thương của chị phụ nữ nọ khiến dân làng phẫn nộ, quyết trị con cọp dữ này. Họ cử người qua làng Nam Ô, tìm đến nhà ông Giáo, mượn cái kẹp để gài bẫy nhử cọp. Họ đem bẫy về gài ngay chỗ phát hiện xác chị phụ nữ, để con chó cạnh đó làm "mồi". Quả nhiên, hôm sau, cọp mò đến, dính bẫy, bị kẹp cứng chân sau, giãy giụa thế nào cũng không thoát nổi. Tin cọp mắc bẫy nhanh chóng lan xa. Người xúm đến xem rất đông. Hóa ra, đó là con cọp có màu lông hơi đen, dân gọi là cọp đen. Có một chi tiết khá thú vị rằng trong đám người đến xem, có một bà nói với cọp: "Chớ ông đi mô mà tội rứa?". Cọp nghe nói, cúi đầu xuống, hai khóe mắt có hai hàng nước mắt chảy ra. Lại có anh thanh niên nọ, chỉ cọp, nạt: "Đáng đời, ai biểu ác chi!". Tức thì, cọp bật dậy, nhảy chồm đến, như muốn vồ anh thanh niên nọ. May mà chân nó dính cứng kẹp, không thì nguy.

Sau khi bà con xem chán chê, ông Giáo mới xách súng ra bắn mấy phát, kết liễu số phận con cọp gây nhiều tai ương cho người dân địa phương.

PHẠM HỮU ĐĂNG ĐẠT



;
.
.
.
.
.