.
Chuyện xưa xứ Quảng

Huyền thoại bà Thu Bồn

.

Có nhiều huyền thoại kỳ thú đầy màu sắc tâm linh về bà Thu Bồn, từ lai lịch của bà cho đến sự hiện hữu của lăng bà ở xã Duy Tân, huyện Duy Xuyên lẫn ở xã Quế Trung, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam.

Bên trong lăng bà Thu Bồn ở xã Duy Tân, huyện Duy Xuyên. (Ảnh: VTL).  

Dân gian kể rằng, bà xuất thân từ một gia đình phú hộ. Khi bà vừa mở mắt chào đời đã tự nhiên bật lên tiếng cười chứ không phải cất tiếng khóc như những trẻ thơ khác; đặc biệt là mái tóc của bà đen mượt và dài đến ngang thắt lưng, hàm răng trắng như ngà. Nghe chuyện lạ, nhiều người khắp nơi kéo đến xem và đều ước sao mình sinh được một đứa con xinh đẹp như thế.

Vừa lên 5 tuổi, bà đã biết tìm lá và rễ cây các loại trong vườn nhà để bốc thuốc chữa bệnh cho người và gia súc. Tiếng lành đồn xa, nhiều người mắc bệnh nan y từ khắp nơi tìm đến để nhờ bà chữa trị, ai được bà cho thuốc uống, bệnh đều qua khỏi mà không phải mất tiền.

Tài đức vẹn toàn của bà được nhiều thanh niên tuấn tú khắp nơi tìm đến ngỏ lời cầu hôn, nhưng bà nhất định từ chối; ước nguyện duy nhất của bà là toàn tâm toàn ý cho việc chữa bệnh cứu người. Đến 50 tuổi, bà được dân làng tôn vinh là “Đức Bà hằng cứu thế”. Một hôm, bà cho dân làng biết đến trung tuần tháng hai, bà sẽ đi nơi khác. Sáng ngày 12 tháng 2 âm lịch, bà ngồi thiền trước cửa nhà mình và di ngôn lại cho làng đúng vào giờ Ngọ trưa đó, bà nhập chốn Bồng lai.

Sau khi bà mất, theo di ngôn của bà, dân làng đi tìm hoa lá để tẩm liệm và đặt thi thể bà tại đình làng, các chức sắc trong làng thay nhau túc trực bên linh cữu. Đúng 7 ngày đêm, dân làng mới đem chôn cất. Để tỏ lòng tôn kính và nhớ ơn, dân làng chung góp công của xây lăng trang nghiêm để thờ bà và hằng năm đến ngày 12-2 âm lịch tổ chức lễ hội.

Lại có thuyết cho rằng, bà là một nữ tướng người Chăm. Với tướng mạo oai phong, có mái tóc đen dài và đẹp. Sau khi bị quan quân của vua Lê Thánh Tông đánh dẹp, bà định chạy về Mỹ Sơn, nhưng vừa mới về tới làng Thu Bồn, chẳng may mái tóc của bà vướng phải cành cây bên đường, bà ngã từ trên thớt voi xuống đất và chết. Dân làng thương xót, lập dinh thờ bà. Từ đó, có tin đồn người con gái nào có tóc dài khi đi ngang qua lăng bà đều sợ bà quở trách, nếu chẳng may gặp ốm đau thì người bị bệnh phải cắt lọn tóc của mình đem dâng cho bà mới khỏi bệnh. Chính vì tin vào lẽ đó, mà trước đây người ta thường thấy những lọn tóc treo quanh lăng bà.

Cũng có thuyết kể tương tự như trên, nhưng cho đó là một nữ tướng của nhà Lê tên là Bô Bô, chứ không phải nữ tướng người Chăm. Hiện nay trên bài vị thờ bà còn ghi Bô Bô phu nhân bằng chữ Hán; tuy vậy, nhân dân quanh vùng vẫn quen gọi bà với cái tên của dòng sông quê hương - bà Thu Bồn.

Về nơi mất của bà còn có một thuyết khác cho rằng bà Thu Bồn chết ở phường Rạnh, thuộc xã Quế Trung, huyện Quế Sơn (nơi này có lăng thờ bà rất lâu đời); cách lăng thờ bà tại thôn Thu Bồn Tây, xã Duy Tân, Duy Xuyên khoảng 15km. Theo thuyết này, sau khi mất (ở Quế Trung), thi thể của bà theo dòng sông trôi về làng Thu Bồn, nhân dân nơi đây vớt xác bà chôn cất và lập lăng thờ.

Vốn là người tài đức, nên bà được triều đình nhà Nguyễn phong sắc: “Mỹ đức thục hạnh Bô Bô Phu nhân Thượng đẳng thần”. Tương truyền, khi bà chưa được vua phong sắc, ghe thuyền ra vào bến sông ở khu vực này thường bị bốc cháy. Hiện nay, tại một số vùng ở phường Rạnh, Quế Sơn vẫn còn có nhiều địa danh gắn với sự tích của bà: ao Bà, ruộng Bà, ghềnh Bà. Một trong những địa danh ấy đã đi vào ca dao, tục ngữ của địa phương: Ghềnh Bà cá lội tung tăng/ Thác Ông chim gáy, cát giăng bãi bồi”.

Lăng Bà ở phường Rạnh hiện còn hai trụ cổng chính, mặt quay về hướng sông Thu Bồn, xây bằng gạch, tường trát vôi, mang dáng dấp cổ kính; mặt trước ghi 3 chữ Hán, mặt trong 4 chữ, nhưng vì lâu ngày bị rêu phủ nên khó đọc. Bên trong, mái lăng đã bị hư hỏng nặng.

Dẫu rằng sự tích bà Thu Bồn là truyền thuyết dân gian; nhưng nó đã gắn liền với lễ hội truyền thống của nhân dân địa phương khắp cả vùng sông nước dọc theo dòng Thu Bồn từ Quế Sơn đến Duy Xuyên. Hằng năm đến ngày 12 tháng 2 âm lịch, lễ hội bà Thu Bồn được tổ chức trang nghiêm. Về phần hội có nhiều hoạt động rất phong phú, hấp dẫn nhưng vẫn giữ được nét đẹp văn hóa cổ truyền. Đây được xem là một trong những lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa dân gian ở địa phương, cần được trân trọng bảo lưu.

Phạm Văn Bính

 

;
.
.
.
.
.