.

“Có một thị trường đặc biệt cho những tác phẩm đặc biệt”

.

Người đi bộ-tượng đồng.  

Đó là lời phát biểu của bà Geogina Adam, chủ biên tờ báo nghệ thuật The Art Newspaper, về kết quả bất ngờ qua cuộc đấu giá tác phẩm nghệ thuật tại trung tâm buôn bán tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng và thành công nhất nhì thế giới, Sotheby’s, đường New Bond, London vào tháng 2 vừa qua, sau khi tác phẩm “Người đi bộ”, tượng đồng của Giacometti thu về 65 triệu bảng Anh.

Một giá kỷ lục đối với tác phẩm tượng tròn. Bởi vì, đây là tác phẩm quan trọng nhất trong số tác phẩm hiếm hoi mang ra đấu giá của Giacometti, một họa sĩ, điêu khắc gia Thụy Sĩ nổi tiếng vào thế kỷ 20.

Ban đầu, giới chuyên môn ở thị trường nghệ thuật thế giới chỉ ước định giá cho bức tượng “Người đi bộ” từ 12 đến 18 triệu bảng. Vậy mà, cuối cùng, con số lên tới 65 triệu bảng. Một con số khổng lồ vượt qua giá của bức “Cậu bé và ống píp thuốc lá” của Picasso đã bán ở New York vào năm 2004 với giá 104,1 triệu USD (hơn 58,5 triệu bảng).

Alberto Giacometti
Alberto Giacometti, họa sĩ, điêu khắc, vẽ tranh khắc ấn bản, sinh ở Borgonovo, Stampa, Thụy Sĩ, gần biên giới nước Ý. Cha ông là một họa sĩ. Giacometti theo học trường Mỹ thuật ở Geneva. Năm 1922, Giacometti đến Paris thụ giáo nhà điêu khắc Antoine Bourdell, người phụ việc với điêu khắc gia lừng danh Auguste Rodin. Thời gian nơi đây, Giacometti làm quen và trải nghiệm với chủ nghĩa lập thể lẫn siêu thực. Tại thời điểm này, tác phẩm của ông được đánh giá cao với danh hiệu nhà điêu khắc dẫn đầu chủ nghĩa siêu thực giữa các nghệ sĩ cùng thời như Joan Miró, Max Ernst, Pablo Picasso và Balthus.

Giữa năm 1936 và 1940, Giacometti tập trung vào sáng tác tượng hơn là vẽ tranh hay minh họa. Ông cho người thân và bạn bè làm người mẫu. Nhất là họa sĩ Isabel Delmer.Vóc dáng và tay chân thon thả của cô người mẫu Isabel Delmer thường bị Giacometti kéo dài ra, mỏng tanh, thẳng đuột. Giacometti không theo sát hình dáng thực của mẫu, ông cứ gọt dũa thân hình và tay chân của nhân vật tượng đến mỏng dính như những cây đinh. Một người bạn của Giacometti phải thốt lên “Nếu anh ta quyết định làm tượng về tôi, có lẽ, anh ta sẽ tạc hình dáng thân thể tôi mỏng mảnh không khác gì… lưỡi dao!”.

Mèo
Nhưng đa số các tượng của Giacometti trong giai đoạn này không mang kích thước lớn cho đến sau khi lập gia đình, Giacometti bắt đầu cho những tác phẩm có kích thước to lớn. “Tượng càng lớn hơn, tư tưởng càng sâu hơn!” - một nhà nghiên cứu đã nhận xét về tác phẩm của Giacometti như thế.

Giacometti mất vào năm 1966. Thi hài ông được đưa về mai táng ở quê nhà Borgonovo, Stampa, Thụy Sĩ.

HOÀNG ĐẶNG


;
.
.
.
.
.