Vào những ngày đầu khai hội Giỗ Tổ Hùng Vương, mấy phường hát Xoan dưới chân núi Hy Cương, men bờ sông Lô tưng bừng tập dượt lần cuối để vào cuộc thi ngày chính hội.
Hát xoan nơi cửa đình như tên gọi xưa, "Khúc môn đình". |
Đã từ lâu tôi nghe nói hát Xoan Phú Thọ đặc sắc và lâu đời. Tỉnh Phú Thọ đang hoàn chỉnh hồ sơ trình Chính phủ đề nghị UNESCO công nhận hát Xoan là Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.
Tìm về phường hát Xoan cổ nổi tiếng Phượng Lâu, chúng tôi may mắn được gặp trùm phường Xoan Nguyễn Thị Lịch. Bà chưa nhiều tuổi lắm. Nét mặt tươi tắn, cởi mở, dễ bén chuyện. Tương truyền Phượng Lâu là nơi phát xuất hát Xoan đầu tiên, từ thời vua Hùng.
Dân ở đây kể lại rằng: Trong một lần kinh lý trở về Phong Châu tìm đất định đô Văn Lang, vua Hùng ngồi nghỉ dưới bóng cây cổ thụ. Bãi cỏ, lây phây mưa bụi, vua nhìn thấy lũ trẻ chăn bò vừa hát, vừa ríu ra múa nhảy hồn nhiên theo nhịp tay vỗ. Một khung cảnh thanh bình giữa trời xuân non nước. Thích thú với điệu hát trẻ nhỏ, vua đến gần lũ trẻ. Chúng xấu hổ ù té chạy. Nhưng khi biết người lạ chính là vua, chúng quây quần bên nhau và hát lại những bài đồng dao, dân giã vua yêu thích. Vua vỗ tay đệm nhịp và hướng dẫn cho trẻ chăn bò nhiều điệu khúc quen thuộc cung đình. Và từ đó hát Xoan ra đời, mang trong nó hai phong cách nghệ thuật dân gian và bác học cung đình.
Trẻ già hát Xoan, chuẩn bị vào Đại lễ Đền Hùng |
Câu chuyện mang tính huyền thoại ấy có lẽ đã làm tăng thêm vẻ huyền hoặc, hấp dẫn cho Xoan đến độ, dọc dài hai bên bờ sông Lô, sông Thao nhiều làng xã lập phường Xoan, hằng năm vào dịp Tết đến, xuân sang đua tài vào hội. Còn theo nhiều nhà nghiên cứu văn hóa thì, hát Xoan có từ đời Lê Thánh Tông và tưng bừng nhất là thời vua Lê chúa Trịnh. Hát Xoan là sự kết hợp hài hòa giữa âm nhạc, múa và hát. Sự đặc sắc phong phú này đã tạo sức hấp dẫn, sôi động của buổi diễn. Từ hát múa cung đình chuyển sang dân giã, giao duyên đem đến nhiều cảm xúc đan xen cho người diễn cũng như người thưởng thức. Có lẽ vì thế mà cùng với chèo, dân ca quan họ… hát Xoan tồn tại lâu bền cho đến ngày nay.
Người đứng đầu một phường Xoan, gọi là trùm, các cô gái được gọi là đào, và chàng trai là kép. Hát Xoan nhằm vào mùa xuân. Trong trẻo sức xuân. Đào, kép cũng trẻ trung tuổi chừng mười tám đôi mươi.
Trong lễ hội Đền Hùng, phần hội, bên cạnh những điệu khúc dân ca, thi tài cung nỏ, không thể thiếu hát Xoan, còn được gọi là “Khúc môn đình”( hát ở cổng đình).
Lễ dâng hương, khởi đầu lễ hội. |
Trung tâm của Xoan nằm ở Phong Châu. Đây là một hình thức sinh hoạt văn hóa phường xã. Những người trong làng, trẻ già ai cũng biết hát Xoan và lời ca, vốn đã có từ xa xưa nhưng khi trình diễn, các đào, kép thường ứng đối theo cảm xúc của mỗi buổi diễn. Sự sáng tạo này là dịp để trai tài gái sắc bộc lộ tài ứng đáp của mình và theo đó lời hát Xoan cũng thêm phong phú hơn. Điều thú vị hơn, không ít bạn trẻ bén duyên nhau qua một đôi lần hội Xuân.
Anh đố em biết hoa gì nở trên rừng bạt bội
Hoa gì nở nội đồng không
Anh đố em biết hoa gì nở bảy tám lần chông
Hoa gì nở mùa đông, hoa trăng trắng vàng…
Ngồi chuyện trò với trùm Lịch, tôi mới hiểu thêm về Xoan. Hóa ra loại hình diễn xướng làng quê mà nhiều quy cách chặt chẽ lắm. Trình tự diễn tấu cũng như lời lẽ cho từng chương diễn, không được phép tùy tiện phá cách.
Hát Xoan có 3 phần. Mở đầu là phần lễ. Phần tiếp theo mang tính nghề nghiệp, đời sống gọi là cách. Xuân hạ thu đông tứ mùa cách, ngư tiều canh mục cách, thuyền chèo cách… có tới 18 cách, đi sâu vào cuộc sống cư dân. Mỗi giai đoạn của Xoan, mấy cô gái trẻ theo chỉ dẫn của trùm, minh họa cho chúng tôi xem trích đoạn.
Cũng may là dịp đồng diễn, chuẩn bị cho chính hội Đền Hùng nên bà trùm hô một tiếng là có đội múa hát đến biểu diễn. Sân đình bỗng râm ran. Tiếng trống bỏi, trống cơm, tiếng mõ gõ nhịp, tiếng phách tre... bốn cô đào trẻ bước ra sân, mở đầu bằng màn chào vua. Mời thần linh về hưởng lễ và nghe làng mở hội Xuân. Các cụ nghệ nhân say sưa với Xoan, chỉnh sửa từng điệu láy, uốn lời sao cho mềm mại, duyên dáng.
Giọng của các cụ không còn trong trẻo như xưa, lại run run cảm động vì ngày đại lễ Đền Hùng theo trống lớn, trống bé hối thúc từng nhịp. Nhưng cái tinh túy của Xoan thì các cụ đã giữ trọn trong hồn. Lời các cụ “nhả”, quyện êm vào tiếng trống rêm rêm tưng bừng đều nhịp, lúc bất ngờ lặng im. Không gian như ngưng tụ, chỉ còn nghe tiếng láy tinh tế của mấy cô đào làng. Mở đầu là bài “Giáo trống”:
Tôi bước chân vào giáo trống
Tìm đến thượng chúc cho mình
Năm trống cơm mọi nhà no đủ
Năm trống cơm vào hội đêm nay…
Sau “giáo trống” là “giáo pháo”…
Trong ba phần của hát Xoan, hào hứng nhất là phần hội, phần thứ ba trong lớp lang trình diễn của Xoan. Phần này, có nhiều khúc đoạn: xin hoa đố chữ, hát đúm, giã cá, v.v... Đây là phần sôi nổi, tươi tắn của Xoan. Có nhạc, có múa nhảy, có hát và đặc biệt là giao duyên trong phần hát Đúm. Đúm ở đây là một vuông khăn nhỏ, trong đó đựng ít trầu cau, một vài đồng tiền tượng trưng rồi gói chặt lại. Đúm từ tay chàng trai kép trẻ trung tung sang các đào nương xinh xẻo trăng rằm. Ai bắt được đúm, giao duyên với người tung đúm.
… Đúm này ta dặn thì nghe
Đúm bay cho tới áo the đúm vào
… Miếng trầu ăn nặng bằng chì
Ăn thì ăn đấy, rồi mai đây biết lấy gì trả ơn.
Đúm chuyền tay, bay qua bay lại từ đào sang kép, từ tay anh sang tay em. Có người vươn tay đón đúm, và cũng có cô nàng né tránh, chỉ e khó lời đối đáp.
Phút chia tay thật lưu luyến. Dẫu không phải kép trẻ, chan chứa tuổi xuân, không là hội phường kết chạ, nhưng nghe đào tỏ bày, nhìn kép tiễn đưa, trong im lặng như thể chính mình cũng đang lưu luyến ai đó giây giây giã từ.
Chia tay em nhớ lấy nhời
Hẹn ngày hoa nở sang chơi bạn làng
Nhớ ai, ai nhớ, ai sang...
Chân ai một bước đi, một bước dừng khó dứt.
Âu cũng là cảm giác của ngươi mê Xoan. Càng về khuya, thanh vắng, tiếng trống và vài nhịp phách tí tách như lay động cả khóm tre vây quanh sân đình Phượng Lâu. Thật lạ. Vũ điệu là nhịp đi đơn giản. Mấy bộ phách tre giữ nhịp, không nghịch phách, đảo phách phức tạp, vậy mà sao Xoan lôi cuốn người xem đến không dứt.
Đêm đó, không chỉ mấy vị khách Hà Nội về Đất Tổ dự lễ như chúng tôi, mà cả những vị khách nước ngoài cũng tìm về Phượng Lâu. Hội khép lại. Tiếng trống dịu dần sân đình mà nhịp tim lại bồi hồi, nuối tiếc. Cái hay của Xoan thật thấm. Tan hội rồi mà không nỡ buông hội mà về.
Ngoài vườn tiếng dế, một vài hạt mưa tí tách rơi trên tàu lá cọ. Lập lòa đâu đó một vài ánh đuốc.
Rạo rực chính hội. Những cô gái mớ bảy mớ ba phấp phới dọc triền sông Lô hướng về Đất Tổ. Non nước xưa như sống lại trong hồn làng Đất Tổ. Trong giấc mơ mơ ngủ, tôi như nghe câu hát lửng lơ cô đào trẻ có lúm đồng tiền hai má hay hây.
Anh về tựa bóng sao Mai
Em về em biết lấy ai bạn cùng…
Đoàn Tử Diễn