.

Đi tìm “lời giải” cho Hội An

.

Trong hai ngày 12 và 13-4, tại TP. Hội An (Quảng Nam), diễn ra Hội thảo “Tìm mô hình quy hoạch và phát triển bền vững TP. Hội An”. Đây là cuộc hội thảo quốc tế, hội tụ những chuyên gia trong và ngoài nước để cùng đưa ra và bàn bạc, tìm “lời giải” cho Hội An.

Tính đến nay, Hội An sở hữu cùng lúc 2 di sản thế giới. Tuy nhiên, cũng chính từ đấy đã đặt ra cho Hội An một bài toán hóc búa mà đã có nhiều nhà lãnh đạo, nhà nghiên cứu chưa thể tìm ra lời giải.

Rệu rã phố Hội

Hơn 10 năm sau ngày được công nhận là Di sản văn hóa thế giới, Hội An nay đã ghi danh mình trên bản đồ du lịch thế giới như một “hiện tượng”.

Một góc phố cổ Hội An 

Bình quân mỗi năm Hội An đón hàng chục ngàn du khách trong và ngoài nước, có thời điểm “nóng”, Hội An đón hơn 3.200 du khách mỗi ngày, trong đó chiếm 80% là du khách quốc tế. Theo thống kê chưa đầy đủ, doanh thu từ du lịch của ngành du lịch Hội An ước khoảng 28 tỷ đồng. Chính vì sự phát triển quá mạnh mẽ, một phần “hồn phố cổ” đã bị cơn bão thị trường cuốn đi. Những căn nhà cổ Hội An cũng trở thành một sản phẩm du lịch được người dân khai thác một cách triệt để, những căn nhà cổ già cỗi quanh năm đối diện với bão lũ phải oằn mình “sinh lợi”, trong khi mức đầu tư trùng tu cho căn nhà ấy lại chẳng được người dân quan tâm. Không những thế, nhiều doanh nghiệp đã mua nhiều nhà cổ liền kề rồi… đập tường thông nhau để kinh doanh, buôn bán mà không biết là đang phá hoại di tích, phá vỡ cảnh quan phố cổ. Nhiều nhà nghiên cứu Hội An cho rằng, nếu kinh doanh theo kiểu “ăn mày… phố cổ” như hiện nay ở Hội An thì nguy cơ xảy ra hiệu ứng đô-mi-nô rất cao, và một ngày không xa Hội An sẽ “biến mất” khi bão lũ đến.

Phần do bị “bóc lột” quá mức, phần hằng năm phải hứng chịu hàng chục cơn bão lũ đã khiến phố cổ Hội An trở nên rệu rã, nhà cổ xuống cấp trầm trọng và có thể sập bất cứ lúc nào.

Trùng tu - bài toán khó

Sớm nhận thấy những bất cập trong quản lý và khai thác phố cổ, lãnh đạo Hội An đã nhiều lần kiên quyết điều chỉnh tạm thời, đồng thời kêu gọi nhiều tổ chức, chuyên gia trong và ngoài nước tham gia tìm hướng “quy hoạch phát triển bền vững” cho Hội An.

Giải pháp đầu tiên của chính quyền Hội An là bỏ ra gần 30 tỷ đồng để trùng tu nhà cổ trong các khu phố cổ Hội An. Trong số hàng trăm nhà cổ ở Hội An thì có đến 32 nhà cổ cần phải trùng tu khẩn cấp với mức hỗ trợ của TP. Hội An từ 55% (đối với nhà mặt tiền) đến 75% (đối với nhà trong kiệt hẻm) trên tổng số vốn đầu tư. Để “cứu” phố cổ, TP. Hội An đã đầu tư bình quân 800 triệu đồng để trùng tu 1 căn nhà cổ thuộc sở hữu tư nhân. Đến nay, Hội An đã trùng tu được 19 căn nhà, 13 căn nhà còn lại vẫn… bế tắc vì người dân bất hợp tác.

Đi tìm lời giải cho Hội An

Còn nhớ, trong một cuộc họp báo gần đây, ông Nguyễn Sự - Bí thư Thành ủy Hội An, tâm sự: Nếu cho tôi làm lại, tôi sẽ làm một cách khác.

Ông Nguyễn Sự đã thấy được rằng, trong một thời điểm nào đó, để phát triển, Hội An đã “ăn mày phố cổ”, làm tổn thương đến phố cổ. Chính vì thế, đến nay, Hội An đang ráo riết đi tìm “lời giải” cho bài toán quy hoạch và phát triển bền vững Hội An.

Ông Lê Văn Giảng - Chủ tịch UBND TP. Hội An, cho biết: Qua 5 năm quản lý và thực thi đồ án quy hoạch, đến nay, trước những biến đổi mang tính toàn cầu, đặc biệt là biến đối khí hậu và quy luật tất yếu của sự đổi mới, đồ án quy hoạch chung của TP. Hội An hiện hành có nhiều mặt không còn phù hợp với yêu cầu phát triển của thành phố có hai di sản thế giới như Hội An cả về trước mắt và lâu dài. Chính vì thế, sự điều chỉnh quy hoạch là rất cần thiết đối với Hội An hiện nay và nhất là phải thay đổi theo hướng “sinh thái - văn hóa - du lịch” phát triển bền vững, xây dựng Hội An trở thành điểm đến thân thiết với môi trường, điểm sinh hoạt giao lưu văn hóa, điểm có môi trường sinh thái hấp dẫn.

Học giả Thái Quang Trung - Chủ tịch danh dự Quỹ phát triển bền vững (FOF), đưa ra ý tưởng quy hoạch tổng thể Hội An trong 10 năm (2010-2020) xây dựng Hội An trở thành “Ngôi làng toàn cầu sáng tạo”. Dựa trên những truyền thống cùng với một chiến lược phát triển hợp tác, Hội An có đầy đủ các điều kiện để trở thành một làng toàn cầu sáng tạo với các mũi nhọn văn hóa, giáo dục, đổi mới, giải trí, mỹ thuật với sự hỗ trợ của các ngành sáng tạo phục vụ cho lợi ích của dân cư, doanh nghiệp, kinh tế quốc gia và cả cho du khách. Đó sẽ là mô hình sáng tạo bền vững.

Theo GS.KTS Hoàng Đạo Kính - Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Hội An nên xây dựng thành một thành phố “nhân văn và sinh thái”, Hội An phải là nơi “sống nhàn”.

Trong khi đó, GS Nguyễn Hoàng Trí - Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia “Chương trình Con người và Sinh quyển” lại đưa ra một hướng quy hoạch mới cho Hội An, đó là phát triển Hội An theo hướng phát triển các khu sinh quyển mà một trong những công cụ đó là văn hóa. Vì vậy, việc gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống không chỉ mang lại những giá trị bảo tồn mà nó còn có giá trị gắn kết trong tư duy, quy hoạch và phát triển kinh tế, xã hội. Chất văn hóa “hương quê” của Hội An là một trong những minh chứng.

Theo học giả Lai Kurukulasuriya - nguyên Đại sứ cao cấp UNEP tại Nairobi, việc bảo tồn đa dạng văn hóa và sinh học của khu phố cổ Hội An và đảo Cù lao Chàm là mối quan hệ giữa chính sách, luật và quản lý. Đồng thời cũng ủng hộ xây dựng “Làng toàn cầu sáng tạo” tại Hội An và Cù lao Chàm để không chỉ bảo vệ hai địa danh này và tài nguyên vô giá bởi sự đa dạng văn hóa và sinh học của nó mà còn giúp cung cấp phương thức sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên đó.

Một chiến lược quy hoạch và phát triển Hội An đến 2030 vẫn chỉ mới là ý tưởng của các cấp lãnh đạo TP. Hội An, trong khi Hội An ngày càng xuống cấp trầm trọng.

Bài và ảnh: Thanh Tuyền

;
.
.
.
.
.